Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, rửa tay là một trong yếu tố quan trọng để bảo vệ sức khỏe của trẻ, phòng tránh trẻ bị tiêu chảy.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang (Bác sĩ Yêu con nít) |
1. NGUYÊN NHÂN KHIẾN TRẺ BỊ TIÊU CHẢY
Chắc hẳn bố mẹ nào cũng từng gặp cảnh bé cưng ở nhà, trên là nôn trớ sữa thức ăn, giữa là than đau bụng (quấy khóc cả đêm dài nếu con chưa biết nói) và dưới là tiêu chảy toàn "hoa cà, hoa cải", sủi bọt. Rồi lại biếng ăn, nằm bẹp giường... làm cho các bố mẹ chạy đôn chạy đáo nghỉ làm để đưa con đi khám.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang. |
Các dấu hiệu trên được gọi là Hội chứng dạ dày - ruột cấp tính (Acute gastroenteritis Syndrome - A.G.E.S) và có thể phòng ngừa được.
Trên thế giới có khoảng 5 tỷ trẻ em nhập viện do hội chứng này và nó cũng cướp đi sinh mạng hơn 2 triệu trẻ em mỗi năm. Dù là nơi vệ sinh sạch sẽ tiên tiến như Mỹ, Anh, hay Singapore... họ vẫn tốn hàng tỷ đô la mỗi năm cho việc điều trị các trẻ bị tiêu chảy này.
Và Rotavirus chiếm đến 75% nguyên nhân của A.G.E.S, bên cạnh nhóm Protoza và Vi khuẩn chỉ chiếm 10%, không như quan niệm nhiễm trùng tiêu chảy sai lầm của mọi người.
2. ĐỘ TUỔI VÀ THỜI GIAN TRẺ BỊ TIÊU CHẢY
Ở châu Âu hay châu Mỹ, Rotavirus xuất hiện vào thời điểm chuyển giao Thu – Đông, còn ở các nước nhiệt đới, Rotavirus hoạt động quanh năm và ở Việt Nam thì mùa trẻ bị tiêu chảy kéo dài 12 tháng.
Độ tuổi thường xuyên nhiễm Rotavirus là từ 6 tháng - 2 tuổi. Còn các nhóm tuổi khác chiếm tỉ lệ ít hơn.
Rotavirus là nguyên nhân hàng đầu gây cho trẻ bị tiêu chảy nặng. (Ảnh minh họa)
3. ĐƯỜNG LÂY KHIẾN TRẺ BỊ TIÊU CHẢY
Trẻ bị tiêu chảy thường lây qua tay - chân - miệng.
Theo một nghiên cứu ở Mỹ, 10 người đàn ông sau khi đi toilet có 6 người không rửa tay (ở phụ nữ là 4 người). Trong khi trong toilet, chỉ cần cầm nắm tay vặn cửa cũng đã nhiễm 100 triệu con vi khuẩn vào tay.
Vì vậy nếu bố hoặc mẹ không rửa tay mà ra bế con sẽ khiến trẻ bị lây nhiễm hàng trăm triệu con vi khuẩn trong khi hệ miễn dịch của trẻ vẫn còn non nớt.
4. NHỮNG LƯU Ý BỐ MẸ NÊN ĐƯA TRẺ ĐI VIỆN
- Trẻ nhỏ dưới 6 tháng.
- Trẻ nôn ói liên tục mà không tiêu chảy hoặc không bù nước được.
- Trẻ tiêu chảy 3 lần lượng nhiều hoặc 10 lần lượng ít.
- Tiêu có nhầy hoặc máu trong phân.
- Tiêu chảy kéo dài trên 10 ngày.
- Bé lừ đừ, li bì.
- Từ chối ăn, uống.
- Đau bụng dữ dội, quấy khóc liên tục.
- Trẻ mất nước: tiểu ít, niêm khô, sụt cân nhanh, mắt trũng, quấy khóc không nước mắt...
- Tay chân lạnh, da xanh tái.
- Bố mẹ lo lắng về tình trạng bệnh của trẻ có thể nặng hơn.
Độ tuổi thường xuyên nhiễm Rotavirus là từ 6 tháng - 2 tuổi. (Ảnh minh họa)
5. BỐN ĐIỀU BỐ MẸ CẦN NHỚ PHÒNG NGỪA TRẺ KHÔNG BỊ TIÊU CHẢY
Tay của người ngồi văn phòng chứa 10 triệu vi khuẩn khác nhau. Tay ướt lây lan vi khuẩn nhanh gấp 1000 lần tay khô. Sau khi đi toilet, con số này lên tới 200 triệu vi khuẩn trên bàn tay và chỉ mất 7 tiếng để 1 vi khuẩn nhân lên thành 2 triệu vi khuẩn. Trung bình một người dành 3 năm cuộc đời đi toilet và 1 triệu vi khuẩn vẫn còn sau khi tẩy rửa.
Mặc dù rửa tay giảm 47% vi khuẩn trên tay nhưng đó là một trong yếu tố quan trọng đầu tiên để bảo vệ sức khỏe của bé, phòng tránh trẻ bị tiêu chảy. Chính vì vậy, bố mẹ cần hướng dẫn và hình thành cho bé thói quen rửa tay đúng cách trước khi ăn, sau khi chơi cùng thú cưng, đi vệ sinh, chơi ngoài sân và hắt hơi.
Rửa tay là cách phòng ngừa đầu tiên, quan trọng nhất cho trẻ bị tiêu chảy.
Trong đó, rửa tay gồm 6 bước: làm ướt tay, chà xà phòng, xoa 2 bàn tay kỹ với xà phòng, rửa sạch với nước, lau khô bằng khăn giấy và sửa dụng giấy để tắt vòi nước. Khuyến cáo, rửa tay với xà phòng trên 15 giây và sau khi rửa xong, mọi người cần đóng vòi nước bằng khăn giấy, không phải bằng tay mới rửa.
Ngoài ra, bố mẹ cần rửa tay trước và sau khi chạm vào bé, chạm vào chất thải của bé hay đi toilet, trước khi nấu ăn, trước khi cho con ăn, trước khi ăn,…
Thứ 2, bố mẹ cho trẻ uống vắc xin.
Thứ 3, bố mẹ cần xử lý tốt chất thải của bé.
Thứ 4, bố mẹ chế biến thức ăn cho bé cần phải sạch, nguồn gốc rõ ràng, tươi, đặc biệt, thức ăn không nên để qua ngày.
6. XỬ TRÍ KHI TRẺ BỊ TIÊU CHẢY
- Có một nguyên tắc rất cơ bản các bố mẹ cần biết đó là trẻ bị tiêu chảy mất nước bao nhiêu thì bố mẹ phải cho con bú hoặc uống nước bù lại bấy nhiêu, thậm chí là nhiều hơn.
Đặc biệt, trẻ dưới 6 tháng tuổi bị tiêu chảy nên bú nhiều hơn, nghiêm cấm uống nước trái cây hay sữa ngoài, trừ những trẻ đã uống sữa ngoài từ trước bởi sữa mẹ đủ nước cho con, sau khi bú xong bố mẹ không cần cho con uống thêm nước tráng miệng.
Dấu hiệu mất nước nặng do tiêu chảy ở trẻ. Có trẻ mất 50% cân nặng trong vòng 24 giờ vì tiêu chảy, đặc biệt là tả. (Ảnh minh họa)
- Với trẻ trên 6 tháng bị tiêu chảy, bố mẹ nên cho con bú thêm, uống thêm nước Oresol bù điện giải cho con dù rất khó uống bởi sau nguyên nhân mất nước, rối loạn điện giải là nguyên nhân phổ biến gây tử vong của bệnh nhân A.G.E.S (Hội chứng dạ dày - ruột cấp tính)
- Bố mẹ tuyệt đối không có suy nghĩ ngừng cho con ăn, cho con bú để con ngừng tiêu chảy.
7. VẮC XIN PHÒNG NGỪA TRẺ BỊ TIÊU CHẢY
Uống vắc xin Rota là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa tiêu chảy ở trẻ.
Uống vắc xin Rota là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa tiêu chảy ở trẻ.
Hiện nay, vắc xin ngừa rota đơn giá Rotarix® (ngừa type G1 và Non-G1: G3,G4,G9) uống 2 liều cách nhau ít nhất 4 tuần khi trẻ 2 tháng tuổi - 4 tháng tuổi và 6 tháng tuổi.
Vắc xin ngừa rota ngũ giá Rotateq® (ngừa type G1,G2,G3,G4 và các type có chứa P1A) dùng 3 liều cách nhau tối thiểu 4 tuần và trước 32 tuần khi trẻ 2 tháng tuổi - 4 tháng tuổi.
Sau khi uống ngừa Rota, một số trẻ có phản ứng sốt nhẹ, đau bụng, tiêu lỏng ít, nôn nhưng không nghiêm trọng bởi đây chỉ là tập đánh trận giả nên trẻ sẽ có phản ứng một chút, bố mẹ không cần quá lo lắng.