Những hành động tưởng chừng gây cười khiến trẻ thích thú lại gây nguy hiểm cho bé cha mẹ cần tránh.
Làm cha mẹ ai cũng muốn dành thời gian và sự quan tâm nhiều nhất cho con. Mỗi người vẫn luôn tìm cho mình những phương pháp giúp bé phát triển hoàn thiện cả thể chất và trí tuệ.
Với các bậc phụ huynh, việc chơi đùa mỗi ngày cũng là cách lưu giữ tuổi thơ của những đứa trẻ. Vừa tạo thời gian thư giãn lại thêm sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình. Bên cạnh khoảnh khắc vui vẻ ấy, không ít lần trẻ gặp nạn dẫn tới chấn thương thậm chí nguy hiểm tới tính mạng vì những trò đùa của người lớn.
Hồi tháng 4 vừa qua, trường hợp bé Phi Phi 2 tuổi ở Vũ Hán, Trung Quốc gặp nạn trong lúc chơi đùa cùng bố là bài học cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ nên thận trọng khi chơi cùng trẻ.
Theo đó, bố của Phi Phi tình cờ xem được một đoạn video tương tác với trẻ nhỏ khá vui nhộn trên mạng xã hội. Sau đó, bố đã thử trò chơi này với con gái của mình. Tuy nhiên, bi kịch xảy đến khi bố cô bé thực hiện động tác trò chơi không thành công, em lộn ngược 180 độ và bị ngã xuống đất.
Mặc dù gia đình kịp thời đưa Phi Phi đến bệnh viện nhưng cô bé được chẩn đoán ảnh hưởng tủy sống nghiêm trọng, em có thể bị liệt và mãi mãi không thể hoạt động được.
Bên cạnh trò đùa có độ khó cao, không ít người còn “khoe” chiến tích như: Dán băng dính trong suốt ngang cửa khiến bé vấp ngã, lấy sâu bọ dọa cho con sợ... mà không hay biết hành động này vô tình khiến bé trở nên nhút nhát, sợ hãi.
Dưới đây, cùng điểm danh một số trò đùa gây nguy hiểm cho bé cha mẹ nên bỏ ngay:
Tung hứng trẻ lên cao
Động tác tung hứng lên cao hay rung lắc đều gây tổn thương não bộ của trẻ cha mẹ cần lưu ý. (Ảnh minh họa)
Trò chơi này có thể kích thích tò mò, khiến trẻ thích thú cười phá lên vì thế mà người lớn càng được đà đùa giỡn. Tuy nhiên, các bác sĩ Nhi khoa đưa ra khuyến cáo rằng tung hứng như vậy cực kì nguy hiểm, ngoại trừ việc người lớn bất cẩn làm bé bị ngã thì hành động còn gây tổn tại tới hệ thần kinh non nớt của bé.
Thực hiện trong thời gian dài, trẻ nguy cơ bị xuất huyết não ảnh hưởng tới sức khỏe, đặc biệt là những bé dưới 1 tuổi.
"Nhổ củ cải"
Trò chơi “nhổ củ cải” được mô phỏng bằng cách bé ngồi xuống giơ hai tay qua đầu, sau đó người lớn sẽ kéo tay nhấc khỏi mặt đất. Đây cũng là hành động gây nguy hiểm cho trẻ bởi hệ thống xương còn non yếu, chưa phát triển toàn diện.
Không ít người lớn cho rằng kéo hai tay bé để chân rời mặt đất sẽ không có nguy hiểm gì, thậm chí còn cho rằng làm vậy có thể "đốt cháy giai đoạn" khiến bé cao lên nhanh chóng.
"Nhổ củ cải" là trò chơi gây nguy hiểm cho trẻ bởi hệ thống xương còn non yếu, chưa phát triển toàn diện. (Ảnh minh họa)
Thực tế, việc đột ngột lôi kéo trẻ có nguy cơ bị bong gân, trật khớp hoặc gãy tay. Nghiêm trọng hơn là bại liệt, tổn thương xương cột sống, ảnh hưởng tới dây thần kinh tại xương cổ dẫn tới bại liệt.
Trước đó, tại Trung Quốc từng có trường hợp bé trai tên Lượng 10 tuổi gặp nạn khi cùng chú chơi trò “nhổ củ cải”. Trong lúc vui vẻ bé đột nhiên khóc to không ngớt và nói rằng cổ rất đau. Sau khi tới bệnh viện kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán Lượng bị tổn thương đốt sống gáy, rất có thể những tháng ngày sau em sẽ phải sống gắn liền với xe lăn.
Kiệu trẻ trên vai
Kiệu trẻ trên vai cũng gây nguy hiểm khôn lường. (Ảnh minh họa)
Những ông bố thường rất thích kiệu con trên vai cho bé thử cảm giác như bay trên không trung. Thế nhưng việc làm này rất dễ gặp sự cố khiến trẻ nhỏ rơi xuống, hoặc trường hợp em bé quá nặng sẽ làm người lớn tổn thương phần xương gáy, xương vai.
Cha mẹ hãy nhớ, không áp dụng trò chơi với trẻ đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi vì bé quá nhỏ không thể nào bám chặt. Ngược lại, với trẻ lớn hơn rất dễ nghịch ngợm hiếu động nhún nhảy gây nguy hiểm.
Há miệng ném đồ ăn
Mẹ thường dỗ dành con ăn bằng cách gợi ý cho bé há miệng thật to, sau đó ném đồ ăn xem con có “chộp” được không. Bằng cách này bé có thể dễ dàng vừa chơi vừa ăn theo ý người lớn tuy nhiên, thức ăn nếu ném mạnh tay sẽ đi thẳng vào khí quản khiến bé nghẹt thở thậm chí là tử vong.
Hy vọng, với những nguy hại từ trò chơi nguy hiểm trên, các bậc cha mẹ cần cân nhắc và rút ra được cho mình bài học khi muốn chơi đùa cùng con.