Bé trai 5 tuổi bắt chước ảo thuật gia trên truyền hình nên đã nuốt luôn chùm chìa khóa vào bụng.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, đơn vị vừa lấy ra một chùm chìa khóa từ bụng cậu bé 5 tuổi. Câu chuyện sẽ khiến nhiều bậc phụ huynh không ngờ.
Hình ảnh chùm chìa khóa khi còn nằm trong dạ dày cậu bé
Học theo ảo thuật gia, bé trai nuốt chìa khóa vào bụng
Bệnh nhi là bé trai ở quận 7, TP.HCM. Người nhà kể lại, khi người lớn tìm không thấy chìa khóa tủ, vặn hỏi thì cậu con trai cho biết đã nuốt vào bụng rồi. Cậu bé kể rằng em làm theo trò ảo thuật được biểu diễn trên truyền hình, trong đó, ảo thuật gia đã làm biến mất chùm chìa khóa. Thấy vậy cậu bé làm biến mất chùm chìa khóa bằng cách nuốt trôi vào bụng.
Chùm chìa khóa rỉ sét sau khi được nội soi gắp ra bên ngoài
Nghe con kể dứt lời, gia đình liền đưa cậu bé vào một phòng khám tư và được bác sĩ ở đây khuyên về nhà chờ thử 2 ngày, để chìa khóa "đi ra" bằng con đường tự nhiên khi đại tiện. Tuy nhiên, sau 2 ngày chờ đợi nhưng không thấy chìa khóa được thải ra ngoài, gia đình vội đưa cậu bé đi bệnh viện.
Tại bệnh viện, sau khi siêu âm và chụp X-quang các bác sĩ phát hiện vùng bụng của bệnh nhi có dị vật là chùm chìa khóa có 2 chìa, nếu để lâu trong bụng bị thức ăn quấn quanh sẽ trở thành lõi, khối bã thức ăn lớn dần gây hẹp môn vị, có thể gây tắc ruột. Nguy hiểm hơn, chùm chìa khóa rỉ sét dễ gây viêm nhiễm hoặc áp xe, tổn thương đường ruột, thậm chí gây thủng ruột, hoại tử ruột nguy hiểm đến tính mạng…
Ê-kíp bác sĩ nội soi của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố gắp thành công chùm chìa khóa ra khỏi bụng cậu bé 5 tuổi
Xác định mức độ nguy hiểm của tình trạng hóc dị vật ở bệnh nhi, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiến hành nội soi cho bệnh nhi. Hình dạng dị vật khá phức tạp song chùm chìa khóa được kéo ngược lên thành công mà không làm trầy xước bên trong cơ thể. Tuy nhiên, chìa khóa cũng đã rỉ sét, sau khi được xử trí, sức khỏe của bé đã ổn định và ăn uống tốt, đi vệ sinh bình thường và đã được xuất viện về nhà về nhà.
Chuyên gia khuyến cáo phòng tránh tai nạn ở trẻ nhỏ
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo, để phòng tránh những tai nạn cho trẻ nhỏ, có những quy tắc an toàn cần thiết mà bố mẹ cần phải tuân thủ nghiêm ngặt.
Các gia đình nên tránh cho trẻ nhỏ chơi với đồ vật có kích thước nhỏ hơn 5cm vì trẻ dễ cho vào miệng, dễ nuốt vào bụng, nhất là các đồ chơi tháo lắp. Với trẻ lớn, nên thường xuyên nhắc nhở các em không nuốt đồ vật vào bụng.
Đối với những đồ vật trẻ dễ cho vào bụng, phụ huynh cần để ở xa tầm với của trẻ nhỏ.
Tại những khu vui chơi, phải luôn luôn có người giám sát trẻ nhỏ khi chơi.
Đối với những trẻ có biểu hiện bệnh lý bẩm sinh, không có khả năng nhận thức hành vi phải có người lớn trông giữ cẩn thận.
Khi thấy trẻ nhỏ có dấu hiệu hóc dị vật, phụ huynh cần bình tĩnh sơ cứu và kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện để được siêu âm và nội soi đúng thời điểm. Trường hợp bé trai 5 tuổi kể trên nếu để lâu sẽ gây ra những hậu quả khó lường.
Cha mẹ phải tuyệt đối nhắc trẻ không được học theo các trò chơi hay hoạt động ảo thuật trên mạng, truyền hình hoặc tại các sân khấu ngoài trời nơi con vui chơi.
Hướng dẫn xử trí khi trẻ nhỏ gặp tai nạn hóc hoặc nuốt dị vật Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở, tùy từng trường hợp mà có cách xử trí hợp lý. Cần giữ bình tĩnh, tránh cố gắng móc dị vật ra khỏi miệng trẻ vì chưa chắc lấy ra được mà có khi đẩy vào sâu hơn. Hơn nữa, việc móc họng có thể dẫn đến nôn ói, trẻ hít sặc lại chất ói lại càng nguy hiểm hơn. - Nếu trẻ vẫn tỉnh táo, hồng hào, không khó thở, vẫn khóc được nói được thì giữ nguyên tư thế ngồi, nhanh chóng mang đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, nếu đúng dị vật đường thở sẽ lấy ra. - Nếu trẻ có biểu hiện tím tái, khó thở nặng, ngưng thở, không khóc được, không nói được thì sau khi gọi xe cấp cứu, cần phải tiến hành thủ thuật can thiệp kịp thời trong thời gian đợi xe tới. - Với những bé còn tỉnh táo, nói được, cha mẹ nên để trẻ đứng thẳng. Một người đứng ra sau lưng, ôm ngang thắt lưng bé, một tay tạo thành nắm đấm ấn mạnh lên vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Có 2 loại thủ thuật can thiệp Đối với trẻ dưới 2 tuổi - Cho trẻ nằm sấp, một tay giữ bé, một tay dùng lòng bàn tay vỗ thật mạnh 5 – 7 cái vào lưng bé, chỗ giữa hai xương bả vai. Hành động này sẽ khiến áp lực trong lồng ngực trẻ tăng lên để tống đẩy dị vật ra ngoài. - Sau khi thực hiện xong mà trẻ vẫn khó thở và tím tái, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa, dùng hai ngón trỏ ấn nhanh, mạnh, đột ngột vào xương ức. Làm các động tác này tới khi nào bé thấy đỡ hơn, tỉnh táo hơn. Song song với việc đó là gọi xe cấp cứu. - Nếu thấy cháo, sữa, canh… chảy từ mũi, miệng ra, cha mẹ cần hút sạch để thông đường thở cho con. Việc này cần làm sớm để tránh sữa không ứ đọng trong mũi, miệng. Đối với trẻ trên 2 tuổi - Trường hợp trẻ hôn mê, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, nắm 2 bàn tay thành 2 nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh liên tiếp tới khi nào bé tỉnh. Sau đó đưa bé ngay vào viện. Lưu ý: Sau các bước sơ cứu, nếu dị vật hóc ra được thì vẫn cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện để kiểm tra, đề phòng dị vật còn sót lại ở đường thở. |