Hen suyễn còn gọi là hen phế quản thường gặp ở trẻ từ 2 đến 10 tuổi. Nếu bệnh không được chữa trị sớm có thể dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Ở trẻ nhỏ, có thể rất khó cho cha mẹ, thậm chí cả bác sĩ để nhận ra các triệu chứng của hen suyễn. Các ống phế quản ở bé sơ sinh, bé mới biết đi và bé mầm non khá nhỏ và hẹp. Khi bé bị cảm lạnh và các bệnh đường hô hấp có thể khiến các ống phế quản này nhỏ và bị kích thích nhiều hơn.
DẤU HIỆU BỆNH HEN SUYỄN Ở TRẺ EM
Các triệu chứng hen suyễn ở trẻ em có thể là từ ho ho dai dẳng kéo dài vài ngày hoặc vài tuần đến những triệu chứng nguy hiểm như khó thở.
Các triệu chứng thông thường bao gồm:
- Ho, đặc biệt là vào ban đêm.
- Thở khò khè hoặc thở thành tiếng, đặc biệt khi thở ra.
Ho dai dẳng là một trong các dấu hiệu hen suyễn. (Ảnh minh họa)
- Khó thở hoặc thở nhanh.
- Thường xuyên cảm thấy lạnh ở ngực.
Bé có thể có một hoặc một vài triệu chứng trong số các dấu hiệu trên. Mẹ có thể cho rằng bé chỉ bị cảm lạnh hoặc viêm phế quản. Tuy nhiên nếu các triệu chứng tái diễn thì có thể bé đã bị hen suyễn.
Ngoài ra các triệu chứng có thể tồi tệ hơn khi bé gặp các tác nhân gây hen như các chất gây kích ứng trong không khí, phấn hoa, lông động vật, côn trùng và bụi.
NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH HEN SUYỄN
Các chuyên gia y tế tin rằng các yếu tố di truyền, môi trường và hệ miễn dịch kếp hợp với ống phế quản bị viêm có thể là nguyên nhân gây ra hen suyễn.
- Di truyền trong gia đình: Hen suyễn có thể được di truyền trong gia đình. Nếu bố mẹ bị hen suyễn thì con cái cũng có khả năng bị cao hơn bình thường.
- Hệ thống miễn dịch: Ở một số bé, các tế bào hệ miễn dịch giải phóng các hóa chất để chống lại dị ứng với môi trường. Các nghiên cứu cho thấy tiếp xúc với chất gây dị ứng như bọ, ve, gián và động vật có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của hen suyễn. Bệnh thường gặp ở các bé bị dị ứng. Mặc dù không phải tất cả các bé bị hen suyễn đều bị dị ứng.
- Môi trường: Các yếu tố môi trường bệnh có thể đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của hen. Một số chuyên gia tin rằng có nhiều trường hợp hen suyễn vì ô nhiễm môi trường. Khi sống trong nơi nhiều khói bụi, trẻ nhỏ sẽ dễ bị hen suyễn và dị ứng hơn bình thường.
ĐIỀU TRỊ BỆNH HEN SUYỄN Ở TRẺ EM
Khi bé bị hen suyễn, các bác sĩ sẽ đề nghị các loại thuốc khác nhau để giúp kiểm soát bệnh. Bé có thể được cho dùng thuốc dạng hít để giãn khí quản giúp dễ thở và các loại thuốc kháng viêm để tránh viêm đường hô hấp. Thuốc kháng sinh có thể được bác sĩ kê đơn nếu có nhiễm trùng thứ cấp tiềm ẩn.
Dựa vào tình trạng bệnh của bé, bác sĩ sẽ lên kế hoạch chữa trị bao gồm thời gian và cách bé nên sử dụng thuốc, và những điều cần làm khi hen suyễn, khi nào cần chăm sóc khẩn cấp cho bé. Bố mẹ cần làm theo đúng những gì được yêu cầu và mang theo thuốc của bé mọi lúc, mọi nơi.
Bố mẹ cũng nên đảm bảo rằng người chăm sóc và giáo viên của bé có một "bản sao kế hoạch" chữa trị bệnh này để giúp họ có thể biết phải làm gì nếu bé lên cơn hen khi không ở nhà.
Bố mẹ cần mang theo thuốc của bé mọi lúc, mọi nơi. (Ảnh minh họa)
Ngoài việc cung cấp các loại thuốc cần thiết cho bé, bố mẹ cũng có thể thực hiện các biện pháp sau để giúp cải thiện tình trạng hen suyễn của con:
- Không để bé tiếp xúc với khói thuốc lá vì khói thuốc có thể khiến tình trạng bệnh của bé nặng hơn.
- Tránh tiếp xúc với không khí ô nhiễm, để giảm kích thích hệ thống hô hấp của bé.
- Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như lông chó mèo, phấn hoa, côn trùng.
- Cho bé đi khám sức khỏe thường xuyên vì khi bị hen suyễn bé dễ mắc các bệnh về đường hô hấp khác.
DẤU HIỆU NGUY HIỂM
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, hen suyễn có thể khiến bé khó thở.
Bố mẹ nên gọi cấp cứu ngay nếu bé có những dấu hiệu sau:
- Bé khó thở.
- Môi hoặc móng tay bé tím tái.
- Bé gặp rắc rối trong việc hít thở.
- Các vùng dưới xương sườn, giữa xương sườn, và trong cổ rút lại khi bé hít thở.
Theo BS.CKI. Trần Quốc Long cho biết trên báo Sức khỏe và Đời sống, hen suyễn là bệnh mãn tính đường hô hấp, để lại nhiều di chứng cho trẻ em. Nguyên nhân hen suyễn chủ yếu là tiếp xúc dị nguyên tức là yếu tố gây nên hen suyễn, cho nên chúng ta có thể chủ động dự phòng, tránh xuất hiện cơn hen suyễn cho trẻ em. Muốn vậy, trước hết ta cần tránh cho trẻ tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng như: không để cho trẻ tiếp xúc với các loại hoa kiểng trang trí trong nhà, tránh khói bụi do nấu nướng ngày tết, tránh bụi từ việc sử dụng bếp than, bếp củi hay hút thuốc lá trong nhà, đốt nhang khói trong thờ cúng ông bà, lông chó mèo, hoa trong phòng ngủ ... Vấn đề ăn uống, bé bị hen suyễn không nên ăn nhiều bánh kẹo, nhất là những loại có các chất hóa học để tăng mùi thơm cũng như các đồ uống, nước ngọt có đường hóa học, chất bảo quản, tránh các loại thức ăn mà trẻ dễ bị dị ứng như: tôm cua bò gà, bột ngọt, đồ hộp, lòng trắng trứng. Cần tập cho trẻ có thói quen ăn nhiều hoa quả, đặc biệt là táo, rau tươi vì có nhiều chất Antioxidants như vitamin C sẽ có lợi về nhiều mặt trong đó có phòng và chữa hen. Cần bổ sung chế độ ăn nhiều cá, dùng dầu cá có nhiều axít béo omega 3 và không no có tác dụng làm giảm bớt các phản ứng viêm và có tác dụng tích cực trong việc phòng và chữa hen phế quản. Với trẻ bị hen suyễn thì thuộc cơ địa dị ứng nên rất dễ dị ứng thuốc nhất là kháng sinh, nên khi sử dụng phải có chỉ định của bác sĩ. Điều hết sức lưu ý là khi bé khám bệnh cần khai báo với bác sĩ là trẻ bị hen suyễn để bác sĩ cân nhắc khi sử dụng thuốc cho trẻ, chọn thuốc thuộc nhóm ít gây dị ứng nhất cho bé. Một nghiên cứu gần đây các nhà khoa học Mỹ ghi nhận việc dùng bừa bãi hoặc quá liều các vitamin tổng hợp, nhất là vitamin nhóm B đã làm tăng dị ứng hóa và khả năng mắc hen suyễn ở trẻ em. Tắm cho bé cần tắm nơi không có gió lùa, tắm nước ấm, tắm nhanh, lau khô ngay vì để lạnh đột ngột cũng là nguy cơ xuất hiện cơn hen. |