Một y tá ở Birmingham (Anh) đã lần theo dấu vết của người mẹ nghiện rượu để chăm sóc bà trong 5 năm cho đến khi bà chết mà không hề tiết lộ mình là con gái ruột của bà.
Phyllis Whitsell được nhận nuôi từ năm 4 tuổi và trong suốt khoảng thời thơ ấu, cô luôn được kể lại rằng mẹ của mình đã chết vì bệnh lao. Nhưng đó là lời nói dối của những người xung quanh để bảo vệ cô khỏi sự thật, rằng mẹ của Phyllis vẫn đang sống trong khu đèn đỏ. Bà là kẻ nghiện rượu và chuyên gây rối.
Phyllis lúc 25 tuổi khi cô tìm thấy mẹ.
Tuy nhiên, có một sức mạnh nào đó khiến Phyllis vẫn luôn không tin mẹ mình đã chết. Cô tự nhủ, một ngày nào đó, khi trưởng thành sẽ đi tìm mẹ. Cô tin không có người mẹ nào có thể từ bỏ con cái của mình trừ khi bà có nỗi khổ tâm riêng.
Cho đến khi trưởng thành, lập gia đình và làm y tá tại bệnh viện thành phố Dudley Road thì Phyllis mới có thể thực hiện tâm nguyện của mình. Đầu tiên, cô tìm đến nơi mình sinh ra, tiếp theo là trại trẻ mồ côi ở Coleshill nơi cô bị bỏ lại khi còn bé. Tại đây, một nhân viên quản giáo đã kể rằng, cô được nhận vào từ lúc 8 tháng tuổi và mẹ cô có tên là Bridget Mary.
Mẹ đẻ của cô là một người phụ nữ Iceland, bà Bridget từng bị anh trai ruột lạm dụng và sau cú sốc ấy, bà trở thành kẻ nghiện rượu lang thang khắp nơi. Sau khi đưa con đến cô nhi viện, bà chuyển đến một vùng khác, tiếp tục có 5 đứa con với 5 người đàn ông khác nhau nhưng không biết cha chúng là ai. Cả 5 đứa trẻ đều phải gửi vào cô nhi viện vì bà không có khả năng chăm sóc chúng.
Phyllis là đứa con thứ 2 của bà. Qua lời kể của nhân viên quản cô nhi viện, Phyllis biết được mình đã trải qua 8 tháng đầu đời trong tiếng gào khóc ngặt nghẽo vì bà Bridget luôn trong quán rượu. Sau đó, bà đưa Phyllis đến cô nhi viện vì nhận ra mình không đủ khả năng nuôi bé.
Phyllis Whitsell đã nuôi dưỡng người mẹ nghiện rượu của mình trong 9 năm và không bao giờ nói với bà rằng cô là con gái
Nhân viên quản giáo còn cho hay, bà Bridget liên tục phải vào đồn cảnh sát vì tội gây rối và đánh nhau. Hiện tại, tình trạng của bà vô cùng tệ. Bà sống ở khu đèn đỏ của thành phố Birmingham và được biết đến với cái tên mới Tipperary Mary.
Phyllis cho biết, giấc mộng về hình ảnh một người mẹ tuyệt vời tan vỡ từ giây phút đó. Vì vậy không khó để thông cảm khi cô không muốn gặp lại mẹ mình. Lúc đó cô đang mang thai đứa con đầu lòng và lo lắng nếu gặp mẹ, tâm lý sẽ ảnh hưởng đến đứa trẻ trong bụng mình.
Sau đó, vào năm 1981, khi bế con trai trong lòng, đã có một động lực không dứt thôi thúc Phyllis gặp mẹ. Đó là cảm giác khao khát tình mẫu tử trỗi dậy. Nhìn con trai, cô hiểu rằng, bất cứ người mẹ nào nếu phải trải qua sự chia cắt tình mẹ con, dù là tự tay mình cho đi cũng đều thật sự đau đớn và tuyệt vọng. Cô bắt đầu nghĩ, tại sao mình có thể chăm sóc những bệnh nhân mỗi ngày mà mẹ mình thì không? Cô biết mẹ mình bị bệnh nặng và khó mà tiến triển, cô bắt đầu lo lắng thời gian sẽ không còn nhiều nữa.
Vì vậy, chỉ 8 tuần sau khi sinh, Phyllis lên đường đi gặp mẹ. Cô mặc đồ y tá cùng chồng đến khu đèn đỏ Birmingham.
Đứng bên ngoài ngôi nhà dột nát, Phyllis đã phải kiềm chế xúc động để gõ cửa. Cô quyết định không nói cho mẹ biết mình là ai. Phyllis sợ rằng, nếu biết sự thật thì bà sẽ có thể phá hủy cuộc sống bình yên của cô và con trai bởi bây giờ Bridget là một người nghiện rượu mãn tính, tinh thần và sức khỏe của bà vô cùng tồi tệ.
Phyllis gõ cửa nhưng không ai trả lời. Cô đẩy cửa và nhận ra bà ngồi một mình cô đơn ở chân cầu thang. Trong chiếc váy ngủ bạc màu, trông bà rất mệt mỏi, khuôn mặt sưng lên, đôi mắt bầm tím, mái tóc bị xén trụi một bên. Phyllis yên lặng ngồi nghe bà Bridget nói lan man, những câu chuyện không đầu không cuối. Khi nhắc về chủ đề của bé Phyllis, mẹ cô đã tỏ thái độ rất hạnh phúc và còn nhớ cả ngày sinh nhật cô, bà không hề biết Phyllis đang ngồi trước mặt mình.
Phyllis ở lại với bà khoảng nửa tiếng và hứa sẽ quay lại. Khoảnh khắc tạm biệt người mẹ của mình, khi bà vòng tay ôm cô và chạm tay vào mái tóc Phyllis, cô đã rất muốn nói “Mẹ, con là Phyllis” nhưng nghĩ đến con trai và chồng đang ở bên ngoài, cô đã không thể làm được.
Phyllis giữ quyết tâm không nói cho mẹ biết mình là ai. Cô lặng lẽ chăm sóc bà hàng ngày. Cô tắm rửa, chăm sóc những vết thương, lắng nghe những câu chuyện lan man của bà và dọn dẹp mỗi khi bà say rượu. Mỗi ngày cô dành vài giờ đồng hồ đến chăm sóc mẹ, dành nhiều buổi tối trong tuần để ngủ với mẹ vì biết bà Bridget hay gặp ác mộng quá khứ.
Bà Bridget trong ảnh chụp của con gái Phyllis năm 1987
Đôi khi, Phyllis rơi vào cơn hoảng loạn nhưng rồi tình mẫu tử cộng với ý nghĩ bà đã có công sinh ra và chăm sóc tốt cho cô dù những ngày tháng ngắn ngủi mà Phyllis bình tâm lại và tiếp tục công việc nuôi dưỡng mẹ mình.
Khi sức khỏe của bà Bridget trở nên tồi tệ, Phyllis mới dám nói thân phận thật của mình. Thế nhưng mẹ của cô đã không còn đủ tỉnh táo để tiếp nhận thông tin này. Năm 1990, sau 9 năm được Phyllis chăm sóc thì bà Bridget mất. Đám tang chỉ có gia đình cô con gái không được mẹ nhận ra.
“Tôi đã không muốn nói ra sớm hơn vì sợ cả phần đời còn lại của bà ấy sẽ phải day dứt và sợ hãi khi nhìn vào mắt tôi. Dù sao đi nữa, tôi cũng cảm thấy mình may mắn khi được biết mẹ mình là ai, điều mà nhiều người không thể có được”, nữ y tá bày tỏ.
Phyllis cho biết, dù sao đi nữa, cô đã rất may mắn và hạnh phúc khi biết được mẹ và chăm sóc bà trong những năm tháng cuối đời của bà ấy. Rất nhiều người không có được may mắn như cô.
Câu chuyện về của Phyllis và mẹ đã được xuất bản thành sách và được người đọc đánh giá cao về lòng hiếu thảo của mình.