Việc bà Lương Thị Thường nhốt con trai út vào chiếc cũi chưa đầy 2m2 đã diễn ra nhiều năm nay, cả chính quyền địa phương và người dân đều biết. Thế nhưng không một ai trách móc người mẹ này vô tâm, thậm chí họ còn khâm phục sự dũng cảm và nghị lực của bà.
Nước mắt người mẹ
Ngồi trước cửa nhà tự bóp đôi vai mỏi nhừ do thời tiết có dấu hiệu thay đổi, bà Lương Thị Thường (71 tuổi) trú bản Vĩnh Kim, xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An nghe tiếng con gào thét phía sau vườn lại hớt hải cố gắng chạy ra dỗ dành. Người đàn ông bị nhốt trong chiếc cũi bằng gỗ chưa đầy 2m2 kia là anh Lương Văn Quý (31 tuổi, con trai út bà Thường).
Gần 15 năm nay, bà dường như đã quen việc này. Thế nhưng đối với những người khách lạ thì, việc một con người bị nhốt trong cũi là cảnh tượng vô cùng kinh hoàng. Người đàn ông tóc tai bù xù, trần truồng, chỉ quấn trên người một chiếc chăn mỏng. Sau khi la hét chán, anh Quý lại ngồi vào một góc, gục đầu xuống rên ư hử. Xung quanh chiếc cũi này bốc mùi hôi khó chịu, bà Thường giải thích là do con bà đi vệ sinh không tự chủ nên phải 2-3 ngày mới dọn được.
Bà Thường bên chiếc cũi nhốt con trai.
“Do vợ chồng tôi có 6 người con nên cuộc sống khó khăn, nhiều khi chẳng có gạo mà ăn nên không thể cho các con đi ăn học được như người ta, đành phải đi làm từ sớm. Quý vốn sinh ra bình thường như mọi đứa trẻ khác, lớn lên cũng không có biểu hiện gì, thậm chí còn hiền lành nhất nhà. Vậy mà không ngờ giờ lại ra nông nỗi này”, bà Thường thở dài.
Năm 2004, khi anh Quý tròn 17 tuổi thì trong một buổi đi làm về giữa trời nắng bất ngờ bị ốm. Đối với một thanh niên đang ở độ tuổi khỏe nhất, mọi người trong nhà cũng chỉ nghĩ rằng Quý nằm nghỉ mấy hôm sẽ khỏe. Không ngờ rằng từ đó, người con trai hiền lành bỗng nhiên thay tính, đổi nết, không thích giao tiếp với người lạ, không tự kiểm soát hành vi, nhiều lần đập phá tài sản của gia đình và người dân trong bản.
“Lúc nó đang nằm ngủ trong giường, bỗng nhiên thức dậy rồi xuống bếp cầm một con dao đi ra giữa sân, tự chặt đứt ngón tay rồi lại chạy vào nhà nhờ mọi người đi tìm tay. Thời điểm đó chúng tôi vô cùng hoảng sợ, cứ nghĩ Quý bị ma quỷ nhập nên mời thầy về trừ”, bà Thường kể. Thấy tình trạng của con ngày càng nguy kịch, bà Thường liền đưa con đi khám thì mới hay anh Quý có dấu hiệu của bệnh tâm thần phân liệt.
Anh Quý được đưa vào bệnh viện Tâm thần Nghệ An chữa trị nhưng không thuyên giảm, không những vậy số tiền nhỏ dành dụm lâu nay của vợ chồng bà đã cạn kiệt. Bà Thường buộc lòng đưa con về nhà, thâm tâm vẫn tin rồi con sẽ khỏe mạnh bình thường trở lại, sẽ là cậu con trai ngoan hiền, khỏe mạnh như trước. Vậy nhưng người mẹ ấy phải đối diện với sự thật đau lòng là bệnh tình của con ngày càng trầm trọng, thường xuyên hành hung bố mẹ và đập phá tài sản, sẵn sàng gây gổ với bất cứ ai.
Chị Lương Thị Ly (39 tuổi, chị gái anh Quý) nhớ lại: “Không chỉ đập phá đồ đạc trong nhà, mỗi khi bệnh trở nặng Quý còn bỏ đi khiến mọi người phải bỏ hết công việc đi tìm kiếm khắp nơi. Có lần, Quý phá nát kính của mấy chiếc xe ô tô, nếu không phải là người mắc bệnh tâm thần thì chắc phải bán nhà mà đền rồi. Sợ nhất là Quý cầm dao búa rồi đứng trước nhà, khi thấy ai đi qua thì đuổi theo đòi chém. Cũng may người trong bản hiền lành, họ biết được bệnh tình của Quý nên không chấp. Nhưng họ cũng đề nghị gia đình coi trông chặt, nếu xảy ra tình trạng này nữa sẽ báo công an”.
Sau khi mọi người trong nhà bàn bạc đủ mọi cách, cuối cùng tất cả thống nhất phải nhốt anh Quý lại, để tiện chăm sóc cũng để đảm bảo an toàn. Chồng bà Thường đã dùng gỗ đóng thành chiếc cũi đặt sau vườn rồi nhốt anh Quý vào. Kể từ đó đến nay đã gần 15 năm trôi qua, cuộc sống của một người đàn ông loanh quanh chiếc cũi rộng chưa đến 2m2 này.
Gần 15 năm chưa có giấc ngủ yên
Cuộc sống vốn đã vất vả nay càng khốn khó hơn khi vào năm 2010, chồng bà bị tai biến phải nằm liệt giường suốt 5 năm rồi mất. Cuộc sống vốn đã vất vả khi chỉ dựa vào mấy vạt rẫy, nay lại phải chạy chữa thuốc thang cho chồng khiến gia đình hoàn toàn kiệt quệ. Những đứa con của vợ chồng ông bà sau khi khôn lớn cũng dần rời nhà đi làm ăn xa. Giờ chồng đã mất, căn nhà thêm trống trải khi chỉ có một mình bà chăm sóc anh Quý.
Dù muốn đưa con chữa trị tại bệnh viện tâm thần nhưng bà Thường cũng đành bất lực vì không có tiền. Hằng ngày, mọi sinh hoạt như tắm rửa, ăn uống, vệ sinh cá nhân của anh đều chỉ gói gọn trong chiếc cũi ấy. Thế nhưng cuộc sống của bà cũng chỉ loanh quanh ngôi nhà cấp 4 cũ, từ bếp ra vườn chứ không dám đi đâu xa. “Cứ đến bữa ăn, tôi lại nấu cơm rồi đưa ra cho con. Hôm nào trời nắng thì tôi dùng nước xối vào cũi, vừa tắm cho con vừa vệ sinh xung quanh. Trời mưa thì tôi chạy ra hạ tấm bạt xuống cho con đỡ bị ướt”, bà kể.
Gần 15 năm nay, bà chưa có nổi một giấc ngủ trọn giấc bởi những tiếng la hét, khóc lóc rồi chửi bới thất thanh mỗi đêm của anh Quý. Bệnh tình của anh Quý đang ngày càng thêm nặng, thế nhưng sức khỏe của bà cũng mỗi ngày mỗi kém. Bà Thường lo có lúc về với tổ tiên thì không biết ai sẽ chăm sóc con mình. “Các con của tôi đều có gia đình riêng, nhưng cuộc sống cũng vô cùng vất vả. Mỗi tháng các con đều chung tiền để mua thức ăn cho tôi và Quý, ngoài ra còn tiền hỗ trợ của nhà nước nữa nên cũng không sợ đói. Tôi cũng ăn ít, ở nhà nên cũng không cần tiêu gì”, bà Thường nói.
Bà Thường muốn chăm con những năm cuối đời.
Có một vài lần, những người con của bà Thường bàn với mẹ là gửi anh Quý vào trung tâm bảo trợ nào đó, để có cơ hội được chăm sóc tốt hơn. Thế nhưng bà Thường không muốn rời xa con, nên còn chưa dám quyết định. Bà tâm sự, cũng chẳng sống được mấy nữa nên muốn tự tay chăm sóc cho con, khi nào bà không còn làm được nữa thì mới suy nghĩ phương án trên.
Khi được hỏi, trưởng bản Lương Văn Thái không khỏi nén cơn thở dài: “Chuyện bà Thường nhốt con vào cũi tất cả mọi người ở đây đều biết. Chẳng ai muốn làm việc đó với con cả, nhưng không còn cách nào khác. Chúng tôi thấy thương vô cùng, nên thỉnh thoảng chạy qua động viên bà Thường. Mỗi năm đến ngày Tết, hay có quà tặng nào của địa phương thì chúng tôi đều ưu tiên cho gia đình bà Thường”.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn cho biết, hiện anh Lương Văn Quý đang hưởng chế độ dành cho người tâm thần. “Đây là một gia đình đặc biệt khó khăn, hoàn cảnh rất éo le. Nhiều năm qua, chính quyền địa phương cũng rất quan tâm đến gia đình, đã vận động các tổ chức, đoàn thể song cũng chỉ mức độ có hạn. Chúng tôi cũng nghe đến việc gia đình có nguyện vọng đưa anh Quý đến trung tâm bảo trợ xã hội, khi nào gia đình quyết định và gửi đơn thì chúng tôi lập tức báo cho phòng LĐ-TB&XH huyện để làm hồ sơ”, ông Long nói.