Bé Bảo Ngọc "buồn ra mặt" khi bị bạn học phân biệt gia cảnh giàu nghèo.
Trẻ nhỏ đến một độ tuổi nhất định, nhất là khi con bắt đầu đi học, nhận thức của bé về vật chất, tiền bạc sẽ ngày càng rõ ràng hơn. Nhiều bố mẹ hoặc người lớn sẽ cảm thấy rất bất ngờ trước tình huống con biết phân biệt gia cảnh, giàu nghèo và hỏi bố mẹ những câu phổ biến như "nhà mình giàu hay nghèo",... Mới đây trên trang cá nhân, Lê Dương Bảo Lâm đã chia sẻ một đoạn video với nội dung cô con gái thứ hai của mình - bé Bảo Ngọc đi học bị bạn chê nghèo "nhà giàu đi học mà không có tiền" đã thu hút nhiều lượt tương tác từ cộng đồng mạng.
>>XEM VIDEO: Con gái Lê Dương Bảo Lâm đi học bị bạn chê gia cảnh.
Theo đó, lời nói của cô bạn đã khiến cho ái nữ nhà nam diễn viên "buồn ra mặt". Có thể thấy dù chỉ mới ở độ tuổi lên 4 nhưng bé Bảo Ngọc đã hình thành được những hiểu biết về gia cảnh, đó là lý do mà khi bị bạn chê thì nhóc tỳ liền rầu rỉ, cúi gằm mặt xuống và im lặng không nói gì. Được biết, đoạn video Lê Dương Bảo Lâm đăng tải được cô giáo chủ nhiệm ở lớp mẫu giáo của con gái quay lại.
Sau khi sự việc xảy ra, cô giáo đã khéo léo giải quyết vấn đề nên bé Bảo Ngọc cũng đã vui vẻ trở lại. Mặc dù diễn biến toàn bộ câu chuyện không có gì quá căng thẳng, nhưng cộng đồng mạng đã để lại nhiều ý kiến. Trong đó nổi bật nhất là một số phụ huynh đã lên tiếng về vấn đề nhiều đứa trẻ tuy còn nhỏ nhưng đi học đã nói chuyện tiền nong, giàu nghèo.
Ái nữ nhà Lê Dương Bảo Lâm tỏ rõ vẻ buồn bã.
"Giờ các bé hay nói chuyện tiền nong thế nhỉ. Bé đã nói giàu nghèo các kiểu rồi", "Trẻ con mà biết phân biệt giàu nghèo rồi", "Con nít bây giờ ghê lắm, biết phân biệt giàu nghèo, còn nhỏ mà đã thích tiền rồi", "Giờ Hàn Quốc con nít cũng phân biệt nghèo giàu giống Việt Nam", "Con nít mới lớn mà nói chuyện nghèo với giàu... còn gì nữa cái thơ ngây của trẻ con" - một số bình luận cộng đồng mạng đã tương tác dưới bài đăng.
Trên thực tế, trẻ em ngày nay đều được phát triển trong một môi trường xã hội hiện đại hơn so với trước đây. Chính vì thế mà sự tương tác xung quanh cuộc sống cũng tăng lên, làm cho nhiều đứa trẻ trở nên "già dặn" trước tuổi. Trẻ dần hiểu nhiều và biết nhiều thứ hơn là bố mẹ nghĩ. Đó là lý do mà bố mẹ cần chuẩn bị những hành trang thiết thực cho con, để tránh tình huống bé rơi vào hoàn cảnh bị tổn thương.
Và chủ đề về gia cảnh, tiền bạc cũng là một trong những bài học vỡ lòng bố mẹ ngày nay cần phải dạy con càng sớm càng tốt.
Vậy bố mẹ cần dạy con về tiền bạc như thế nào?
Robert Kiyosaki từng nói: "Cha mẹ không dạy dỗ con cái thì sau này tự nhiên sẽ có người dạy dỗ, người đó có thể là kẻ trục lợi, cảnh sát, kẻ nói dối". Vì vậy, vì tương lai của con cái, cha mẹ nên tự mình dạy dỗ chúng và giúp con hình thành quan điểm đúng đắn về tiền bạc ngay từ khi còn nhỏ.
- Hiểu được giá trị của đồng tiền
Thay vì nói với con rằng: "Cái này đắt quả, mẹ không đủ tiền mua" hay "gia đình mình nghèo, không có tiền", cha mẹ nên dạy con hiểu đúng về tiền và hiểu công dụng cũng như giá trị của đồng tiền.
Ví dụ, tiền chỉ là một công cụ có thể trao đổi được những gì chúng ta muốn. Công cụ này khi sử dụng tốt có thể khiến cuộc sống của chúng ta hạnh phúc hơn, nhưng khi sử dụng không đúng cách có thể gây rắc rối. Vì vậy, chúng ta cần biết giá trị của đồng tiền.
- Để trẻ tự quản lý tiền của mình
Sau khi đứa trẻ tròn 6 tuổi, chúng phải có ý thức tự quản lý tiền bạc của mình. Ví dụ, mỗi tuần hãy cho con bạn một khoản tiền tiêu vặt nhất định và để con mua dụng cụ học tập, đồ ăn nhẹ, đồ chơi,... bằng tiền của mình.
Nếu trẻ không dùng hết số tiền, chúng có thể bỏ vào heo đất của mình. Nếu hết tiền sớm, chúng phải học cách chờ đợi tiền tiêu vặt tuần kế tiếp. Ngay cả khi cảm thấy những gì con mình mua là không hợp lý, cha mẹ cũng không nên can thiệp. Bởi vì nếu không có kinh nghiệm như vậy, làm sao trẻ có thể nhận ra mình không nên tiêu tiền vào cái gì.
- Trau dồi trí tuệ tài chính ngay từ khi còn nhỏ
Godfrey đã viết trong cuốn sách "Tiền không mọc trên cây" rằng, trẻ nên dần dần nắm vững kiến thức về tiền bạc trước 12 tuổi.
Chẳng hạn, lúc 8 tuổi, trẻ đã biết lao động có thể kiếm tiền và có ý thức tiết kiệm tiền. Trẻ cần có khả năng lập kế hoạch mua sắm từ năm 9 tuổi, biết so sánh giá cả khi mua đồ và đưa ra lựa chọn hợp lý. 10 tuổi, trẻ cần biết tiết kiệm tiền để mua những món đồ mình muốn. Một đứa trẻ 11 tuổi có thể nhận ra sự thật từ các quảng cáo mua sắm thay vì bị thôi thúc mua sắm một cách bốc đồng. Trẻ 12 tuổi có thể lập kế hoạch chi tiêu dài hạn và kiểm soát thu chi hợp lý.
Nếu một đứa trẻ có thể hình thành quan niệm đúng đắn về tiền bạc, chúng sẽ giàu có về mặt tinh thần, độc lập tài chính, không bị cám dỗ bởi tiền bạc.
Vậy trong tình huống con bị chê bai, phân biệt gia cảnh giàu nghèo thì bố mẹ nên dạy con ứng phó như thế nào?
Để giúp con ứng phó với những tình huống này, bố mẹ cần trang bị cho con những kỹ năng và thái độ đúng đắn nhằm xây dựng lòng tự tin và khả năng đối phó một cách tích cực.
Trước hết, bố mẹ nên tạo môi trường gia đình ấm áp và yêu thương, nơi con cảm thấy được tôn trọng và chấp nhận vô điều kiện. Giải thích cho con hiểu rằng giá trị con người không nằm ở tài sản hay vật chất, mà ở nhân cách và hành động của mỗi cá nhân. Hãy khuyến khích con tự hào về bản thân và gia đình, dù hoàn cảnh có thế nào đi chăng nữa.
Khi con bị chê bai hoặc phân biệt, bố mẹ cần dạy con cách giữ bình tĩnh và không phản ứng bằng cách tức giận hay bạo lực. Hướng dẫn con sử dụng những cụm từ tích cực và tự tin để trả lời, chẳng hạn như: "Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng điều quan trọng là chúng ta biết trân trọng và yêu thương lẫn nhau". Giúp con hiểu rằng việc phản ứng một cách điềm tĩnh, và lịch sự sẽ thể hiện sự trưởng thành và bản lĩnh của mình.
Đồng thời, bố mẹ cũng nên giúp con xây dựng kỹ năng giao tiếp và giải quyết xung đột. Trẻ cần biết cách bày tỏ cảm xúc của mình một cách rõ ràng và tôn trọng, chẳng hạn như nói: "Mình cảm thấy buồn khi bạn nói như vậy, nhưng mình tự hào về gia đình mình". Dạy con rằng việc chia sẻ cảm xúc có thể giúp người khác hiểu và thay đổi cách cư xử của họ.
Ngoài ra, bố mẹ cần khuyến khích con kết bạn với những người bạn tích cực, những người biết tôn trọng và chia sẻ giá trị tốt đẹp. Giải thích cho con rằng những người bạn chân thành sẽ không đánh giá con dựa trên hoàn cảnh gia đình, mà dựa trên tình bạn và sự chân thành.
Cuối cùng, bố mẹ nên là tấm gương tốt trong việc đối xử với mọi người xung quanh. Hãy thể hiện sự tôn trọng và lòng nhân ái với mọi người, không phân biệt giàu nghèo. Trẻ em học rất nhiều từ cách cư xử của bố mẹ, và việc làm gương tốt sẽ giúp con hình thành những giá trị tích cực và biết ứng phó một cách thông minh khi đối diện với sự chê bai hay phân biệt.
Qua những cách giáo dục và hướng dẫn trên, bố mẹ không chỉ giúp con vượt qua những tình huống bị chê bai hay phân biệt mà còn giúp con phát triển sự tự tin, và khả năng đối phó với mọi thử thách trong cuộc sống.