Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi không thể tự xì mũi, khạc đờm ra ngoài nên cần được hút mũi. Hướng dẫn cách hút mũi cho trẻ sơ sinh an toàn tại nhà bằng các dụng cụ và máy hỗ trợ.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên xảy ra các vấn đề về đường hô hấp như ngạt mũi, sổ mũi, có đờm gây khó thở, các chất nhầy chứa trong các khoang đường thở gây nghẹn... Vì vậy, hút mũi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là cần thiết.
Có nên hút mũi cho trẻ sơ sinh không?
Trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch còn non yếu, dễ mắc các bệnh cảm lạnh, cảm cúm dẫn đến sổ mũi, nghẹt mũi. Khi trẻ sơ sinh bị tắc nghẽn đường thời bé sẽ khó chịu, thở khò khè, chán ăn và ngủ kém. Vì vậy, bố mẹ cần làm thông thoáng đường thở cho bé.
Có nên hút mũi cho trẻ sơ sinh không? Trẻ sơ sinh chưa tự biết xì mũi để đẩy chất nhầy ra ngoài vì vậy để làm thoáng khoang mũi của bé thì bố mẹ nên hút mũi cho bé.
Tuy nhiên, bố mẹ chỉ nên hút mũi cho trẻ sơ sinh khi con bị ốm, bị nghẹt mũi, khó thở.
Hút mũi cho bé sơ sinh là cách giúp thông đường thở của bé (Ảnh minh họa)
Hút mũi cho trẻ sơ sinh ngày mấy lần?
Khi trẻ có các dấu hiệu sốt 38 - 39 độ, ngạt mũi, khó thở, ho có đờm xanh, đờm đặc khó lấy, viêm mũi dị ứng tăng tiết đờm, được bác sĩ chỉ định hút đờm, chất nhầy từ trong mũi ra thì bố mẹ nên hút mũi cho trẻ.
Tuy nhiên, hút mũi cho trẻ sơ sinh không hút nhiều hơn quá 3 - 4 lần/ ngày vì lực từ dụng cụ hút mũi sẽ làm kích ứng niêm mạc mũi của bé. Đồng thời, không sử dụng nước muối sinh lý quá 4 ngày liên tiếp vì theo thời gian chúng có thể làm khô mũi bên trong và làm cho tình trạng viêm mũi trở nên tồi tệ hơn.
Cách hút mũi cho trẻ sơ sinh tại nhà an toàn đúng cách
Chuẩn bị dụng cụ trước khi hút mũi:
- 1 lọ nước muối sinh lý
- Chọn 1 trong 3 dụng cụ hút mũi: ống bơm, dụng cụ hút mũi chữ U, máy hút mũi cho trẻ.
1. Cách hút mũi cho trẻ sơ sinh bằng ống bơm
Bước 1: Mẹ đặt bé nằm trên 1 chiếc gối có độ cao vừa phải, đặt bé nằm hơi nghiêng.
Bước 2: Mẹ nhỏ 2 - 3 giọt nước muối sinh lý vào mũi bé để làm ẩm mũi cũng như giúp dịch nhầy loãng hơn ra khi hút dễ dàng hơn và tránh làm tổn thương niêm mạc mũi.
Bước 3: Mẹ cầm dụng cụ hút mũi bằng cách đặt ngón tay cái ở dưới đáy, ngón trỏ, ngón giữa giữ ở trên đầu. Sau đó dùng ngón cái ấn bóp bình đẩy không khí từ trong bình ra ngoài để tạo môi trường chân không. Mẹ vẫn giữ nguyên vị trí tay.
Bước 4: Mẹ giữ đầu bé nằm yên, sau đó đặt ống hút vào 1 bên mũi, mẹ nhả ngón cái ra để tạo lực hút hút dịch nhầy.
Bước 5: Bỏ ống hút ra ngoài, bóp mạnh đầu bình để dịch nhầy ra khỏi ống. Sau đó rửa sạch ống hút.
Bước 6: Lặp lại quá trình trên với bên mũi còn lại.
2. Cách hút mũi cho trẻ sơ sinh bằng dụng cụ hình chữ U
Bước 1: Mẹ nhỏ 2 -3 giọt nước muối sinh lý vào 1 bên mũi của bé để chất nhầy loãng bớt.
Bước 2: Đặt bé nằm ngừa và hơi nghiêng người bé về 1 bên. Một người giữ chặt bé để bé không cử động, để đầu vòi lớn của dụng cụ vào trước mũi của bé, đầu thon được nối với ống để đựng chất nhầy.
Bước 3: Đặt đầu thon vào miệng của mình và hút để tạo lực hút hút dịch nhầy ra ngoài. Lực hút của mẹ càng mạnh thì dịch nhầy được lấy ra nhiều và sâu hơn. Mẹ không cần lo lắng dịch nhầy bị hút vào miệng bởi thiết kế của dụng cụ này dịch nhầy sẽ chảy vào 1 bình nhỏ không dây được ra ngoài.
Bước 4: Mẹ hút với lực hút tương tự với bên mũi còn lại.
Hút mũi xong mẹ làm sạch dụng cụ hút mũi bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn.
3. Cách hút mũi cho trẻ sơ sinh bằng máy
Bước 1: Mẹ đặt bé nằm ngửa trên gối có chiều cao vừa phải, nhỏ 2 - 3 giọt nước muối sinh lý vào mũi cho bé.
Bước 2: Cho 1 đầu ống hút mũi vào một bên mũi và bật công tắc hút mũi của máy hút. Tiếp tục hút bên còn lại.
Bước 3: Mẹ đặt bé nằm thêm 1 lúc nữa sau khi hút mũi xong vì chất nhầy sót lại có thể chảy xuống cổ họng làm bé ói hoặc sặc.
Một số lưu ý khi hút mũi cho trẻ sơ sinh
- Mẹ không hút mũi cho bé sơ sinh quá nhiều tránh làm tổn thương niêm mạc mũi cho bé.
- Mẹ không hút mũi cho bé khi vừa ăn xong vì dễ khiến bé ói mửa. Thời gian hút mũi lý tưởng nhất cho bé là sau khi ăn 30 phút và lúc bé đang ngủ.
- Mẹ không hút mũi cho trẻ sơ sinh bằng miệng, bé dễ bị lây nhiễm virus vì hệ miễn dịch còn non yếu.
- Nếu mẹ hút mũi đờm cho bé 3 ngày không khỏi thì cần đưa bé đi gặp bác sĩ.
- Dụng cụ hút mũi cho bé phải được làm sạch trước và sau khi hút.