Trẻ phản kháng, không hợp tác với yêu cầu, cha mẹ Nhật luôn có thái độ nghiêm khắc.
Lập gia đình và sinh sống bên Nhật nên có nhiều khó khăn, bỡ ngỡ trong cuộc sống nhưng chị Phượng Lê (sống tại Kyushu, Nhật Bản) luôn cảm thấy may mắn vì được chồng và bố mẹ chồng quan tâm.
Chị biết rằng người Nhật có những cách nuôi và dạy con khác với người Việt, chính vì thế, ngay từ những ngày đầu mới làm mẹ, chị thường tìm hiểu nhiều sách báo của người Nhật về cách nuôi dạy con để ứng dụng với 2 con Thỏ (20 tháng tuổi) và Sóc (3 tháng tuổi).
Chị Phượng Lê và 2 con Thỏ, Sóc. Ảnh NVCC
Không những thế chị còn tham gia nhiều lớp học để hiểu về cách chăm sóc trẻ sơ sinh như thế nào, cho con ăn dặm ra sao và làm thế nào để dạy con những kỹ năng sống trong những năm tháng đầu đời.
Trẻ ương bướng là phát triển bình thường
Trong lớp học dành cho cha mẹ Nhật, chị Phượng Lê ấn tượng nhất với chủ đề ứng phó giai đoạn "thích phản kháng, bướng bỉnh, không chịu nghe lời" của trẻ.
Theo chị, với trẻ ở độ tuổi lên 2, lên 3, bé đã bắt đầu biết "chống đối" lại một số yêu cầu của cha mẹ. Trên thực tế, một số biểu hiện đã xuất hiện ở Bé Thỏ, con gái đầu lòng của chị nhưng chưa nhiều nên chị đặc biệt quan tâm.
Chị kể, khi nhắc đến chủ đề này các mẹ lần lượt đưa ra những ví dụ cụ thể về sự phản kháng, thích chống đối hay làm theo ý mình của các con.
Có mẹ than phiền rằng con luôn nói "Con không, không thích, không muốn" khi mẹ đưa ra bất cứ yêu cầu nào. Có mẹ thì nói con mình hay tranh đồ chơi với bạn, tranh xong rồi lại vứt đó không chơi. Có bạn thì luôn làm ngược lại những gì bố mẹ yêu cầu.
Có mẹ thì bất lực khi con làm sai, mắng nhiều lần, quát nhiều nhưng con vẫn không sợ... và vô cùng nhiều các ví dụ về độ tuổi "ẩm ương" này của các bé.
Từ sự phân tích của giáo viên, chị Phượng Lê hiểu được rằng thái độ hay chống đối hoặc phản kháng của trẻ là minh chứng cho sự phát triển não bộ của bé. Khi này, bé nhận thức được mọi thứ xung quanh mình, bắt đầu đưa ra những suy nghĩ cũng như đánh giá của riêng mình.
Đôi khi bé đơn giản chỉ nói ra suy nghĩ của riêng mình nhưng với bố mẹ, đó là hành động phản kháng.
"Cho nên bố mẹ hãy nghĩ rằng đây là giai đoạn phát triển cần thiết của trẻ chứ không phải là con hư hay con hay thích cãi... để có thể kiên nhẫn và bình tĩnh giúp con qua giai đoạn này", chị Phượng Lê khuyên các bậc phụ huynh.
Trẻ ương bướng là thể hiện sự phát triển bình thường, cha mẹ không nên quá lo lắng. Ảnh NVCC
Cách người Nhật ứng phó với tính ương bướng của trẻ
Theo lời khuyên của người Nhật thì bố mẹ nên phân biệt và dứt khoát thực hiện kỷ luật mềm mỏng với bé ngay từ giai đoạn này.
Việc này bao gồm "mắng con" và "giải thích", "thuyết phục" con.
- Bắt buộc phải mắng con nếu con làm bị thương chính mình hoặc người khác. Mẹ hãy nhìn thẳng vào mắt bé, nói chậm và chắc rằng việc con vừa làm là không đúng.
Khi bé làm mình hay người khác bị thương thì mẹ cần mắng nghiêm khắc để bé biết đó là hành động sai và không có bất kỳ lý do nào để giải thích cho việc này. Nếu mẹ chỉ giải thích nhẹ nhàng qua loa trong trường hợp này rất có thể bé sẽ lặp đi lặp lại, dần dần hình thành xu hướng bạo lực của trẻ.
Bình thường mẹ hãy nhẹ nhàng, kiên nhẫn với bé để tới khi bé mắc lỗi như trên, mẹ mắng một cách nghiêm khắc, bé sẽ nhận ra sự khác biệt so với bình thường, bé sẽ sợ.
Nếu lúc nào mẹ cũng mắng thì bé quen và không sợ nữa, từ đó dẫn tới tình trạng bé cứ nghịch ngợm và mẹ cứ quát mắng, bé không biết được mình sai ở đâu và mẹ thì stress.
- Trừ hai trường hợp trên thì mẹ hãy giải thích nhẹ nhàng và kiên nhẫn thuyết phục trẻ.
Ví dụ bé không chịu đi giày khi ra ngoài, thay vì mắng và bắt bé phải đi giày mẹ hãy giải thích là nếu không đi giày thì chân sẽ đau, cần thiết mẹ lấy cả mấy viên sỏi nhỏ, cho bé dẫm lên đó để tự bé cảm nhận được sẽ bị đau nếu không đi giày.
Ngoài ra mẹ hãy thấu hiểu tâm lý của trẻ nhỏ. Thay vì bắt con phải làm những việc này, việc kia, mẹ hãy cho con thực hiện một cách tự nhiên và tự nguyện bằng cách chính bố mẹ, ông bà, người trong gia đình cũng thực hiện những điều đó.
Như con gái Thỏ của chị từ khi biết nói, chị đã ngầm tập cho bé bắt chước thói quen tốt của mọi người trong gia đình.
Bé Thỏ gần 2 tuổi. Ảnh NVCC
"Khi có khách tới nhà, tất cả mọi người đều cúi chào theo phong tục người Nhật, mình cho bé đứng cạnh mình và chào khách.
Mình hỏi bé con có chào được không? Những lần đầu bé chỉ đứng im hoặc núp sau lưng mẹ, nhưng sau đó mình thấy bé nhìn cách mọi người chào và bắt chước.
Bây giờ khi khách tới nhà hoặc khi khách về, bé đều cúi gập người để chào".
Dạy con tự lập để... ngăn chặn bướng bỉnh
Theo chị Phượng Lê để ngăn chặn tối đa sự bướng bỉnh của trẻ, mẹ nên dạy cho con tính tự lập từ sớm. Trẻ biết tự lập sẽ hiểu được việc gì mình nên và phải làm, từ đó con sẽ không còn bướng bỉnh trước những lời nói của mẹ.
Đối với bé Thỏ, chị dạy con tự lập từ những việc hết sức đơn giản trong cuộc sống hàng ngày, bắt đầu bằng việc tự vệ sinh cá nhân.
Trẻ con hay thích bắt chước người lớn nên mẹ hướng dẫn con cách đánh răng, rửa mặt, cách đi vệ sinh bằng cách cho bé cùng làm với mình.
Ví dụ như khi mẹ đánh răng thì sẽ cho con đứng cạnh đánh răng cùng, bé tự đánh tăng bằng bàn chải nhỏ, ban đầu vụng về, chưa đúng cách. Mẹ có thể hướng dẫn bé cách làm đúng, hôm nào cũng thực hành vào một giờ nhất định trong ngày. Dần dần bé sẽ quen.
Mẹ cũng có thể nhờ bé làm cùng các việc đơn giản như lấy cái này cái kia, vứt vỏ, hộp rỗng vào thùng rác, cùng mẹ nhặt rau, cùng lau nhà... và không quên dành nhiều lời khen ngợi cho bé. Hãy động viên bé tự đứng lên khi bị vấp ngã, bê khay đồ ăn sau khi ăn xong vào bếp cho mẹ... đương nhiên ban đầu bé sẽ làm đổ vỡ khá nhiều, nhưng không sao cả, dần dần bé sẽ làm thuần thục hơn.
Nhờ những gợi ý, lời khuyên từ thầy giáo trong lớp học giáo dục kỹ năng dạy trẻ mà chị Phượng Lê thành công và yên tâm hơn trong hành trình cùng con trưởng thành.
Tham khảo thêm: 5 mẹo chăm con lười ăn, hay khóc đêm của chị Phượng Lê gây sốt mạng |