Theo Ths. Bs Nội trú Nguyễn Tiến Hải, trẻ sơ sinh bị nấc, cha mẹ có thể giúp bé ợ hơi bằng cách giữ thẳng người bé, đặt cằm bé lên vai bạn rồi từ từ vuốt lưng xuôi xuống.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Ths. BS Nội trú Nguyễn Tiến Hải. |
Ths. BS Nội trú Nguyễn Tiến Hải. |
1. Nấc là gì?
Nấc là 1 phản xạ do kích thích dây thần kinh hoành gây ra sự co thắt đột ngột của cơ hoành ngoài ý muốn tự chủ, tạo nên sự thay đổi áp lực khí đột ngột trong buồng phổi đẩy lên qua thanh đới bằng luồng khí mạnh tạo nên tiếng kêu.
2. Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị nấc
Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị nấc hay gặp nhất đó là do các tư thế và cách cho bú sai làm em bé nuốt nhiều không khí vào trong dạ dày, làm kích thích dạ dày. Phản xạ nấc đa số những trường hợp này sẽ tự hết.
Tuy nhiên, những trường hợp nấc kéo dài lâu, nhiều ngày có thể gặp nguyên nhân do tổn thương bệnh lý và bố mẹ cần cho bé đi khám mới rõ được nguyên nhân.
3. Tại sao trẻ sơ sinh hay bị nấc?
Trẻ sơ sinh hay bị nấc vì dạ dày trẻ nhỏ, bé hay nuốt không khí vào làm dạ dày căng lên gây kích thích lên cơ hoành và tạo ra phản xạ nấc mỗi khi cơ này bị kích thích.
4. Trẻ sơ sinh bị nấc phải làm sao?
Khi trẻ sơ sinh bị nấc, thông thường bố mẹ cũng không nhất thiết phải làm gì vì đa sốt nấc sẽ tự hết sau vài phút khi hết phản xạ kích thích. Ngoài ra, bố mẹ có thể cho con bú 1 ít sữa, phản xạ nấc sẽ hết dần.
5. Cách chữa nấc đơn giản nhưng cực hiệu quả cho trẻ
Thông thường cách đơn giản và khá hữu hiệu đó là bố mẹ thi thoảng có thể vỗ ợ hơi cho trẻ bằng cách giữ thẳng người bé, đặt cằm bé lên vai bạn rồi từ từ vuốt lưng xuôi xuống. Khi vỗ ợ hơi, trẻ sẽ ợ bớt hơi trong dạ dày và làm giảm kích thích dạ dày gây nấc. Ngoài ra, việc này còn giúp trẻ giảm nôn trớ và ăn uống tốt hơn.
Trong trường hợp trẻ bị nấc khi đang ăn, hãy cho trẻ nghỉ và tiếp tục ăn khi đã hết nấc. Để ngăn ngừa nấc thường xuyên, cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, điều này có thể giúp giảm đau bụng.
Nếu cho con bú bình, cha mẹ cần đảm bảo cho bé ợ hơi 2-3 phút giữa các bữa ăn.
Trẻ bị nấc, bố mẹ có thể vỗ ợ hơi cho trẻ bằng cách giữ thẳng người bé, đặt cằm bé lên vai bạn rồi từ từ vuốt lưng xuôi xuống. (Ảnh minh họa)
6. Xử trí khi trẻ sơ sinh bị nấc và trớ
Trẻ sơ sinh bị nấc, bố mẹ không cần quá lo lắng, và không cần dùng thuốc điều trị cho con, đặc biệt là thuốc không rõ nguồn gốc.
Lưu ý, khi trẻ bị nấc, trẻ sẽ dễ bị nôn trớ nên bố mẹ cần lưu ý để con không bị sặc khi con trớ.
7. Trẻ sơ sinh có hay bị nấc cụt?
Nấc cụt và nấc là một và là phản xạ của bé dưới 4 tháng tuổi khi dạ dày bị căng. Đây là một hiện tượng khá phổ biến ở trẻ sơ sinh. Nếu làm cho bé hít vô lâu hơn hoặc giữ hơi thở lại sẽ giúp bé hết nấc cụt như cho bé uống nước, bú, chọc cho bé cười. Phản xạ này sẽ hết khi bé lớn hơn.
8. Trẻ sơ sinh bị nấc cụt nhiều phải làm sao?
Nếu bé bị nấc thường xuyên, sau mỗi lần ăn hoặc 2-3 lần trong vài giờ, cha mẹ hãy đưa bé đi khám bác sĩ.
Nấc thường xuyên cũng có thể là dấu hiệu chỉ báo rối loạn hô hấp hoặc có thể là dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản hay đau bụng nên cha mẹ cần chú ý.