Sau vụ trẻ tử vong vì hóc thạch, bạn bè tôi dặn dò nhau cho con tránh xa thạch như ‘thuốc độc’.Theo tôi: Không cần.
Thời gian gần đây trường hợp bé trai 4 tuổi ở Bình Dương tử vong vì hóc thạch quả thật đã làm xôn xao dư luận và hội các bà mẹ đang nuôi con nhỏ của bạn bè tôi cũng vậy. Họ bắt đầu nhìn những viên thạch rau câu với con mắt "hình viên đạn" và vứt hết những túi thạch ra khỏi tủ lạnh gia đình.
Trên thực tế theo tôi được biết, không phải đến lúc này mới có trẻ đầu tiên bị tử vong vì thạch rau câu. Đã có rất nhiều trường hợp thương tâm như vậy xảy ra. Thậm chí, từ năm 2004, Liên minh châu Âu và FDA - Cục Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu các loại thạch viên được sản xuất chủ yếu tại các nước Đông Nam Á vì lý do nguy hiểm hóc thạch. Tuy nhiên ở Việt Nam, khi những viên thạch rau câu vẫn còn được bày bán tràn lan. Thì việc con bị tử vong do ăn thạch có lẽ lại là lỗi của người mẹ.
Chúng ta không thể kiểm soát trẻ 24/24, không thể lúc nào cũng ở bên trẻ đi theo dõi nhất cử nhất động của trẻ. Việc để bé bị hóc thạch, nếu trách cứ người mẹ tại thời điểm này, có lẽ là nhẫn tâm. Nhưng nó là bài học để cho chúng ta nhìn vào và cẩn trọng hơn trong việc chăm sóc trẻ.
Thạch là một món ăn được người lớn và cả trẻ nhỏ vô cùng yêu thích. Trong gia đình tôi, thạch là món ngon giải nhiệt trong trời hè được cả nhà từ ông bà, bố mẹ đến cu Tí “hâm mộ”. Hiện nay trên thị trường đồ ăn cho trẻ con, thạch là loại thực phẩm được bán rất chạy vì nhắm vào đúng thói “hảo ngọt” của con trẻ. Đi siêu thị thì ôi thôi trên trời dưới biển đủ các loại thạch màu sắc hình thù, hương vị thì phong phú. Mỗi lần cho cu Tí đi siêu thị đến gian hàng bánh kẹo đồ ngọt, nhìn thấy các túi thạch màu mè hấp dẫn, cu cậu luôn nhảy nhót xung quanh đòi mẹ mua bằng được cho một gói. Và theo quan sát của tôi, trường hợp các bé giống cu Tí không phải là ít. Trẻ con bao giờ cũng có xu hướng thích ăn đồ ngọt, đặc biệt là thạch - điều này hết sức bình thường.
Khi ở nhà, tôi thường tự tay làm những món thạch hoa quả như thạch cam, thạch dừa, thạch xoài… cho bé ăn để đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn. Sau mỗi giấc ngủ trưa dậy, tôi đều cho bé thưởng thức món thạch mát lành giúp bé cảm thấy khoan khoái, tỉnh táo và tràn đầy năng lượng vui chơi trong cả buổi chiều. Ngoài ra, thạch còn là một phương thức cung cấp vitamin C hoa quả cho bé bên cạnh những cách chế biến như sinh tố, nước ép để bé không bị nhàm chán. Cu Tí nhà tôi mê thạch lắm, hôm nào ngủ dậy không có thạch cho cu cậu ăn là thể nào cũng có một bài dài ê a nhõng nhẽo đòi mẹ làm cho ăn. Ngắm con ăn trong ngon lành, tôi nghĩ không người mẹ nào có thể chối từ.
Nếu bảo không cho con ăn thạch siêu thị vì sợ không đảm bảo vệ sinh an toàn, tôi có phần đồng ý. Nhưng, nếu bảo không cho con ăn thạch vì sợ ảnh hưởng đến tính mạng bé như những trường hợp thương tâm đã đau lòng xảy ra, thì tôi xin phép nêu quan điểm của mình là tôi thực sự không đồng tình. Nó giống như sợ chết đuối mà không cho trẻ đi biển bơi vậy.
Làm sao cấm mãi được trẻ không ăn thạch? (ảnh minh họa)
Trước hết theo tôi, nếu chúng ta có thể cho con ăn thêm 1 dạng thức ăn ngon lành, bổ dưỡng thì điều đó không có gì là sai. Chọn một nhãn hàng uy tín, hoặc tự tay làm thạch cho con ăn giống tôi vẫn hay làm đều là các lựa chọn an toàn. Thứ hai, hành động cấm đoán trẻ ăn thạch như vậy liệu có đảm bảo con ban sẽ “an toàn”? Xin thưa là Không.
Ví như trường hợp bé 14 tháng tuổi ở Bắc Giang vừa may mắn thoát khỏi vòng tay tử thần do ăn thạch cũng là vì sang nhà hàng xóm chơi được bón thạch cho ăn. Như vậy có nghĩa là chúng ta có thể cấm con ở nhà, nhưng liệu khi con đi chơi nhà hàng xóm, bạn bè, có chắc con sẽ “kháng cự” lại được sức hấp dẫn của thạch khi mới nhìn bé đã thòm thèm? Có những bé ngoan, biết nghe lời mẹ không ăn thạch thì còn biết từ chối lần một lần hai, nhưng nhìn chúng bạn xung quanh ăn tóp tép, liệu bé có còn có thể nói Không? Rồi khi trẻ lớn lên, ai dám đảm bảo sau lưng chúng ta bé không lén mua thạch về ăn một mình khi càng cấm thì bé càng thèm? Và ăn “âm thầm” như vậy, liệu sẽ an toàn hay nguy hiểm hơn là dưới sự kiểm soát của bố mẹ?
Cá nhân tôi, tôi chọn con đường cho phép con ăn thạch, và ăn dưới sự chỉ dẫn của bố mẹ. Khi ăn thạch, bao giờ tôi cũng xắn cho con từng miếng nhỏ tuỳ theo độ tuổi của con. Đặc tính thạch trơn, dễ hóc, nên tôi không bao giờ cho con mút cả cái. Ngoài ra, tôi cũng dặn bé khi người lớn cho ăn thạch, con phải cầm nguyên gói về mẹ cho ăn, hoặc nếu mọi người xúc cho ăn thì con không được ăn - vì tôi rất sợ sự chủ quan có thể vô tình làm hại bé. Cu Tí rất tin tưởng mẹ và hiểu rằng không phải mẹ cấm mình ăn mà chỉ là khi ăn phải có mẹ, nên bé răm rắp nghe lời tôi. Các cô hàng xóm mỗi khi gặp tôi cũng thường trêu: “Con mày khôn quá đấy, ai cho gì ăn cũng không chịu, đòi mang về cho mẹ ăn cùng.” Mọi người biết đâu là bé đã nghe lời mẹ dặn, ăn gì - không chỉ là thạch cũng phải để mẹ bón.
Đảm bảo an toàn cho con là điều quan trọng nhất người mẹ cần làm. Nhưng ngoài ra, hiểu được rõ những gì con có thể làm và không thể làm, hiểu những điều có thể tránh và không thể tránh thì mẹ mới có thể tạo được những ranh giới Được và Không được cho con.
Tôi mong mỗi người mẹ trong số chúng ta đều tìm được giải pháp nuôi dạy và định hướng cho trẻ một cách an toàn và hiệu quả.
Theo chia sẻ của độc giả Nguyễn Hồng Hạnh (Thanh Xuân, Hà Nội)