Chia sẻ "độc" từ bà mẹ khéo dạy con đọc

Ngày 07/01/2014 10:55 AM (GMT+7)

Mới 24 tháng con tôi đã biết hàng trăm thẻ từ và hát đủ các bài hát thiếu nhi.

Bản thân tôi là người rất mê đọc sách nên có mong muốn sau này có con nhất định tôi sẽ rèn cho bé có thói quen đọc sách từ sớm. Ngay từ lúc mang thai ở tháng thứ 6, tôi bắt đầu mua truyện cổ tích về đọc cho con nghe. Có lẽ nhiều chị em sẽ cười tôi bảo bản thân “ham hố” dạy con sớm quá. Thực tế từ tuần thứ 20 trở đi, thai nhi đã bắt đầu nhận biết các tín hiệu âm thanh ở bên ngoài được rồi, chính vì vậy tôi mong bé có thể sớm làm quen với âm thanh ngôn ngữ và giọng nói của mẹ.

Hàng ngày ngoài việc cho bé nghe các bài hát có giai điệu nhẹ nhàng, du dương như các bài hát ru, bài hát ca ngợi quê hương đất nước, nhạc thính phòng tôi luôn dành 10-15 phút đọc sách cho con nghe. Tôi đọc to thành tiếng một cách diễn cảm từng đoạn hội thoại để bé cảm nhận một cách chính xác văn cảnh của câu chuyện.

Có lần mẹ chồng nhìn từ ngoài vào trong phòng thấy tôi đang đọc truyện cho bé nghe mà cười nhẹ nhàng bảo: “Chắc sau này cháu bà sẽ trở thành nhà ngôn ngữ hoặc danh nhân nổi tiếng mất thôi”.Tôi không có ý định ngay từ sớm sẽ biến con mình thành một ai đó tài giỏi mà đơn giản chỉ muốn truyền cho con tình yêu với những con chữ và những quyến sách.

Đến khi sinh bé xong, hàng ngày tôi vẫn luôn trò chuyện và đối thoại cùng con. Con gái tôi tuy sinh ra được 2,9 kg những cháu rất khỏe mạnh và nhanh nhẹn, hoạt bát. Ngoài 3 tháng trở ra, tôi mua một số sách tranh ảnh thiếu nhi có màu sắc sinh động, hình ảnh to, rõ nét để mỗi lúc bé hóng chơi sẽ chỉ dần cho con kết hợp cùng việc vẫn duy trì đọc sách và cho con nghe nhạc trong thời kỳ này.

Bé nhà tôi có đặc điểm là có cái lưỡi dài và nhọn mà theo lời các cụ là biết nói sớm, nói sõi nhưng tôi lại cho rằng muốn trẻ nói sớm và nói tốt, không nói ngọng phụ thuộc rất nhiều vào cách giáo dục, uốn nắn. 8 tháng tuổi, bé nhà tôi đã bắt đầu bập bẹp cách từ đơn giản như “mẹ”, “ba”, “bế”,“măm”, “nước”…

Để con có thể nói câu đúng, câu chuẩn tôi luôn dạy bé phải nói cả câu, rõ nghĩa như: “ Mẹ ơi, mẹ bế con lên.” “ Con muốn uống nước”. Điều đó không phải là đơn giản và dễ dàng vì các bé chưa thể thích nghi được với các câu dài, nhiều khi nói với con tôi có cảm giác là mình nói thế là thừa. Tuy nhiên, tôi không bỏ cuộc và vẫn từ tốn dạy bé. Đến khi bế tròn 1 tuổi, cháu đã có thể nói khá tốt và dần tập đi được rồi.

Chia sẻ quot;độcquot; từ bà mẹ khéo dạy con đọc - 1
Tôi không có ý định ngay từ sớm sẽ biến con mình thành một ai đó tài giỏi mà đơn giản chỉ muốn truyền cho con tình yêu với những con chữ và những quyến sách. (ảnh minh họa)

Khi bé được 1 tuổi rưỡi, tôi quyết định cho con đi nhà trẻ để cháu tiếp xúc với môi trường mới một cách tự lập và học hỏi thêm nhiều điều mới. Chỉ một thời gian ngắn đi học cháu về nhà đã có thể hát và biết đọc thơ một cách trôi chảy, tự tin. Lần đầu tiên nhìn con vừa e dè nhìn mẹ lại nắm tay hồi hộp đọc bài thơ “Con yêu mẹ” mà tôi thấy lòng hạnh phúc, vui sướng:

Mẹ đi làm

Từ sáng sớm

Dậy thổi cơm

Mua thịt cá

Em kề má

Được mẹ thơm

Mẹ ơi! Con yêu mẹ


Ngoài việc cho con nghe các chương trình ca nhạc thiếu nhi một cách có chọn lọc và theo khung giờ nhất định. Tôi còn dẫn cháu đi nhà sách để cháu tự lựa chọn một số truyện tranh và dụng cụ dành cho trẻ mẫu giáo mà cháu rất thích thú như truyện cổ tích có hình minh họa, truyện tranh thiếu nhi, các thẻ học nhận biết đồ vật, dụng cụ trong gia đình, động vật, hoa quả, con số.Hiện nay, cháu đã hơn 2 tuổi và đã thuộc được rất nhiều bài hát thiếu nhi đáng yêu. Điều khác biệt của cháu so với các bạn cùng tuổi ở giai đoạn này là cháu biết nói chuyện một cách từ tốn, lễ phép có đủ chủ ngữ, vị ngữ, nói chuyện dõng dạc và tự tin.

Mỗi buổi tối tôi và cháu dành ra 1 tiếng đồng hồ cùng nhau vừa học vừa chơi với các thẻ bài nhận biết từng chủ đề. Hiện nay cháu đã biết được hàng trăm các thẻ học một cách nhanh nhẹn, chính xác. Cháu có tính tò mò và luôn muốn được mẹ giải đáp các thắc mắc như: “Con này là con gì?”, “Cái gì đây mẹ?” tôi kiên nhẫn để giải đáp cho con một cách cặn kẽ, tỉ mỉ về cách tính năng, cách sử dụng của đồ vật đó cho con nghe.

Trong quá trình dạy và hướng dẫn con nhận biết, tiếp thu và đánh giá các hiện tượng, sự vật trong cuộc sống hàng ngày tôi luôn lồng ghép giữa việc học và chơi cùng con để con tiếp thu một cách nhanh chóng và không gây cho con áp lực mình “đang phải học”.  Quan niệm giờ học là giờ vui khiến con và mẹ cùng thoái mái nô đùa nhưng qua đó trẻ học và tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích.

Theo chia sẻ của Mẹ Bống

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giáo dục