Dịp Tết, sự xáo trộn trong việc sinh hoạt và ăn uống khiến không ít trẻ phải vào viện vì bị rối loạn tiêu hóa. Để khắc phục tình trạng này, các bậc cha mẹ có thể tham khảo lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng dưới đây.
Cha mẹ cần điều chỉnh lại chế độ ăn cho trẻ sau thời gian xáo trộn trong sinh hoạt và ăn uống dịp Tết. Ảnh: T.L
Mệt mỏi vì đứa tiêu chảy, đứa lại táo bón
Gia đình chị Bùi Minh An (ở Hà Nội) vừa rồi khổ sở vì các con rơi vào cảnh “đứa tiêu chảy, đứa lại táo bón” sau những ngày nghỉ Tết. Mấy năm không về quê ăn Tết, năm nay cả nhà chị quyết định về nhà ông bà nội ăn Tết. Thấy con cháu về ăn Tết cùng, hai ông bà rất vui mua sắm rất nhiều thứ.
Trong những ngày Tết, vợ chồng chị bận cỗ bàn rồi đi thăm hỏi họ hàng nên hai đứa trẻ giờ giấc ăn uống thất thường, không kiểm soát. Ông bà nội lại lo hai cháu sụt cân nên suốt ngày ép cô cháu gái 5 tuổi và cháu trai 3 tuổi ăn hết món này sang món khác, rồi nước ngọt thì uống tẹt ga. Vì toàn món khoái khẩu nên hai đứa con của chị ăn uống vô tổ chức. Sau kỳ nghỉ Tết, lũ trẻ cứ ậm ạch, đứa đi ngoài 4-5 lần/ngày, đứa thì vài ba ngày vẫn chưa thể đi nổi.
Tình trạng rối loạn tiêu hóa sau Tết lại khiến bé Gia Bảo 16 tháng con chị Nguyễn Thị Thảo (ở Hà Nam) sút gần 2kg chỉ sau vài ngày. Ăn Tết được hai ngày, con chị cho gì vào miệng cũng nôn ra, xì xoẹt cả ngày. Ban đầu thấy con nôn ói 3-4 lần/ngày, chị Thảo cho con uống men tiêu hóa mà tình trạng không thuyên giảm. Người bé cứ ủ rũ, lả lướt, chị tìm đủ mọi cách theo mách bảo để “cầm” tiêu chảy cho con mà không được. Theo dõi 3 ngày, chị đưa con đi Bệnh viện Nhi TƯ khám và dùng thuốc mới dứt được tiêu chảy.
BS Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, trẻ mắc phải rối loạn tiêu hóa là phổ biến trong và sau những ngày Tết. Nguyên nhân xuất phát từ thói quen ăn uống, sinh hoạt bị “lệch giờ”. Thay vì các bữa ăn đúng giờ giấc với đủ các thành phần dinh dưỡng tinh bột, đạm, chất béo, rau xanh như ngày thường vào ngày Tết, trẻ thường được thả phanh ăn uống khiến bộ máy tiêu hóa quá tải. Số khác, vì bố mẹ bận mà không quan tâm đến vấn đề ăn uống của trẻ để chúng bị thiếu hụt bữa. Trẻ ăn vặt khi cái kẹo, lúc cái bánh, nước ngọt, các loại hạt… khiến bụng trẻ lúc nào cũng lưng lửng.
Sự thay đổi này làm thay đổi nhịp làm việc của bộ máy tiêu hóa, gây ảnh hưởng đến việc hấp thu thức ăn khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa triền miên, đi ngoài phân sống uống đủ loại men không khỏi. Rối loạn tiêu hóa ở đây không chỉ là đi ngoài, đi ngoài phân sống mà trẻ thường có cảm giác ăn không ngon miệng, bị đầy bụng, chướng hơi, ăn không ngon, hay táo bón…Các bậc cha mẹ cần chú ý để xử lý sớm.
Khắc phục tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ
PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, sau Tết trẻ gặp rối loạn tiêu hóa chủ yếu từ việc giờ giấc ăn uống không được khoa học. Bởi vậy, điều cần làm là chỉnh lại chế độ ăn cho trẻ. Nên cho trẻ ăn đúng nhu cầu, phù hợp lứa tuổi. Trẻ có thể sẽ ăn ít hơn nhưng không được ép khiến trẻ sợ. Thường sau vài ngày trẻ biếng ăn sẽ quay lại chế độ ăn bình thường. Để bé không ngang dạ, có cảm giác thèm ăn không nên cho bé ăn vặt giữa các bữa sẽ kích thích tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
Bên cạnh đó, chế biến thức ăn dễ tiêu hóa, mềm, chế biến thực phẩm kỹ hơn để đường tiêu hóa của trẻ được nghỉ ngơi, phục hồi lại. Có thể lựa chọn ăn cháo thay cơm giúp dễ ăn, tiêu hóa tốt giúp giải tỏa tích hơi trong dạ dày. Một số món cháo giúp dễ tiêu như cho trẻ ăn thêm cà rốt ở dạng cháo súp, cháo đậu xanh, cháo trắng, cháo tía tô… Bữa ăn tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, quả tươi sẽ giúp thức ăn di chuyển dễ dàng qua đường tiêu hóa, hạn chế táo bón, ngăn ngừa và điều trị hiệu quả các chứng đầy bụng, khó tiêu của trẻ. Bổ sung thêm men tiêu hóa giúp đường ruột khỏe mạnh. Khi đường ruột khỏe mạnh, tình trạng rối loạn tiêu hóa cũng giảm đi.
Theo BS Nguyễn Văn Tiến, khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa cha mẹ cần chú ý không được kiêng khem quá mức. Kể cả khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa, thậm chí tiêu chảy cấp, vẫn nên cho trẻ dùng đa dạng đầy đủ chất. Chẳng hạn như kiêng dầu mỡ ảnh hưởng quá trình hấp thu vitamin tan trong dầu ở trẻ gây nguy cơ thiếu hụt vitamin kéo dài, giảm nguồn cung cấp năng lượng cho trẻ, tăng nguy cơ suy dinh dưỡng ở trẻ. Hay như quan niệm kiêng đồ tanh trong khi khoa học dinh dưỡng cho thấy đạm từ cá khiến trẻ dễ hấp thu hơn so với đạm khác…
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, việc bổ sung men tiêu hóa cho trẻ là tốt nhưng nếu lạm dụng lại rất nguy hiểm. Với những trẻ có chỉ định dùng men tiêu hóa cần tuyệt đối tuân thủ thời gian dùng cũng như liều lượng dùng. Không nên dùng kéo dài thời gian men quá 15 ngày. Trẻ dưới 6 tháng tuổi không nên uống men tiêu hóa vì trẻ ở độ tuổi này hệ tiêu hóa chưa ổn định dễ dẫn tới tiêu chảy nếu dùng không dung cách, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ về sau.
Trường hợp trẻ bị táo bón, cha mẹ cũng không nên tự ý điều trị hay thụt tháo cho trẻ. Cách làm này có thể làm trẻ mất phản xạ đi ngoài hay thụt tháo không đúng cách khiến trẻ rách hậu môn, trực tràng.
Với những trẻ bị tiêu chảy, hơn 90% trường hợp có thể xử trí tại nhà. Quan trọng nhất khi phát hiện là cần bổ sung nước, chất điện giải cho trẻ. Tuy nhiên các bậc phụ huynh chú ý cho trẻ uống ít và chia làm nhiều lần không nên uống nhiều cùng 1 lúc trẻ dễ bị nôn. Nếu trẻ rối loạn tiêu chảy ở mức thông thường biểu hiện đi ngoài 3 lần, phân lỏng thì có thể điều trị ở nhà bằng cách cho con uống nước điện giải Oresol. 3 ngày con không đỡ cha mẹ cần đưa trẻ tới viện.