Đôi khi yêu thương con thôi là chưa đủ mà cha mẹ còn phải hiểu con, đặt mình vào vị trí của con để nghĩ cho con.
Năm nay con tôi sẽ vào lớp 1, tôi có cho con đi học trước vì thấy bé chỉ thích chơi chứ không thích học như anh Hai, sợ bé không theo kịp chương trình. Học được mấy ngày, cô giáo nói bé không tập trung, lại nhìn rất gần quyển vở. Về nhà cũng vậy, mỗi lần bắt bé ngồi vào bàn học bé cứ khóc. Lúc này tôi mới cương quyết nói với chồng phải cho con đi khám mắt.
Đến bệnh viện mắt thứ nhất, bác sĩ nói bé bị cận rất nặng, mắt trái cận 4 độ, mắt phải loạn 3 độ, bé phải mang kính liên tục trừ lúc tắm và đi ngủ, bác sĩ còn nói phải hạn chế cho bé xem tivi, không chơi game… Sau đó, vợ chồng tôi quyết định cho con đi khám lại tại một bệnh viện mắt khác, vì không tin con mình cận nặng đến vậy. Sau khi đo khúc xạ, kiểm tra thị lực, bác sĩ gọi hai vợ chồng vào phòng nói chuyện: “Anh chị về mua cho bé cái laptop hay cái iPad nhé! Con anh chị bị nhược thị, mắt trái cận 5 độ, loạn 0,75 độ, mắt phải loạn 3 độ, khi che mắt phải lại mắt trái bé hoàn toàn không thấy gì, bây giờ bé buộc phải đeo kính là chắc chắn rồi, ngoài ra anh chị phải cho bé xem tivi, chọn các trò chơi game làm tăng thị lực của bé. Nếu không kiên trì tập luyện, có thể mắt trái của bé sẽ vĩnh viễn không thấy luôn!” Vợ chồng tôi chết lặng.
Đôi khi yêu thương con thôi là chưa đủ mà cha mẹ còn phải hiểu con, đặt mình vào vị trí của con để nghĩ cho con. (Ảnh minh họa).
Về đến nhà, tôi bắt đầu vào Google tìm kiếm thông tin về bệnh nhược thị, các phương pháp điều trị, luyện tập để làm tăng thị lực… Sau hai tháng cùng con tập luyện cả ở trường và ở nhà, khi tái khám thị lực của bé trở lại bình thường, mặt dù bé phải mang kính suốt ngày.
Chúng tôi vẫn chưa an tâm vì thấy bé vẫn lơ là chuyện học và quá nghịch, lúc nào cũng loay hoay tìm cái này cái khác để chơi. Nghi ngờ bé bị bệnh tăng động giảm chú ý, vợ chồng tôi quyết định đưa con đến bệnh viện khám tâm lý. Để được khám bệnh này, chúng tôi phải đăng ký rất lâu vì có quá nhiều người đăng ký khám cho con.
Bác sĩ cho chúng tôi điền hết các thông tin về gia đình, rồi cả hai vợ chồng tôi và bé cùng bác sĩ tâm lý và cô trợ lý vào một phòng cách biệt với bên ngoài, không có tiếng ồn, kể cả điện thoại cũng không được mở vì sợ bé mất tập trung. Vợ chồng tôi cùng con và bác sĩ phối hợp làm những bài test, những trò chơi, vẽ cùng bé, chơi cùng bé… để qua đó nhận ra con mình khiếm khuyết ở chỗ nào, non kém những điểm gì…
Ngày đầu tiên kiểm tra, chúng tôi biết ngay là con mình không chịu tuân thủ theo luật nào hết, bé chỉ thích làm theo ý mình. Bác sĩ giải thích, ở độ tuổi của con tôi, bé phải biết tuân theo luật mới hoà nhập với xã hội và trường học, ví dụ đến giờ ăn thì bé phải ăn, đến giờ ngủ thì phải ngủ, học thì phải học… Bác sĩ còn đưa chúng tôi một loạt câu hỏi để cô giáo và gia đình nhận xét xem bé sẽ ứng xử thế nào trong từng tình huống. Về nhà chúng tôi phải vẽ, phải chơi đá banh, nhảy dây, chơi cờ, đọc truyện… cùng bé, lần khám sau chúng tôi đem những bài vẽ, và kể lại cho bác sĩ biết trong lúc chơi như vậy thì bé có những biểu hiện, thái độ gì.
Qua những lần đi khám tâm lý cho bé, chúng tôi đi từ hối hận này đến hối hận khác. Hai vợ chồng tôi cứ nghĩ làm ba mẹ thì thương yêu và lo lắng cho các con như vậy là tốt rồi. Trong những năm đầu đời, khi bé tập tễnh bước những bước đầu tiên, nói những từ đầu tiên cho đến khi bé vào lớp một, thay vì ở bên cạnh con, dạy con nhận biết từng món đồ vật, chơi với con, chỉ cho con biết những điều cơ bản nhất thì chúng tôi chỉ biết la rầy khi bé không làm tốt các việc này. Trước kia, tôi luôn nghĩ khi con lớn lên, mấy cái đó con sẽ tự biết, đó là một sai lầm. Có những điều tưởng rất đơn giản, nhưng nếu chúng ta không dạy cho bé các nguyên tắc và cách nhận thức thì đến lớn lên bé sẽ khó khăn hoặc chậm hơn các bạn khi hoà nhập xã hội.
Vợ chồng tôi rất mừng là bác sĩ kết luận con chúng tôi không bị bệnh tăng động, mà do bé mới tập đeo kính nên chưa tập trung vào việc học được. Tôi rất tâm đắc câu nói này của bác sĩ tâm lý: “Khi có con, cha mẹ phải tự mình nhỏ lại bằng con thì mới hiểu con mình muốn gì”.
Cao Nguyên (Gò Vấp, TP.HCM)