Ai nấy đều bày tỏ sự xót xa khi nhìn đôi bàn tay nhỏ xinh của Destiny lại bị ảnh hưởng của bệnh.
Mặc dù không chính thức công khai diện mạo con gái nhưng khoảng thời gian gần đây, nữ diễn viên Nhã Phương chia sẻ nhiều về bé Destiny hơn. Nếu như lúc trước là hình ảnh hai bố con Trường Giang có diện mạo lúc nhỏ giống y chang nhau thì mới đây, bà mẹ sinh năm 1990 một lần nữa lại tỏ ra khá ghen tỵ khi con gái rất quấn bố.
Đặc biệt những lúc Destiny bị bệnh lại càng quấn bố nhiều hơn. "Khi em bé bệnh cũng bám ba, về khoản giữ chân này thì mẹ thua bé nhen" - Nhã Phương hài hước nói.
Kèm theo đó là hình ảnh Destiny bám chặt lấy cánh tay bố Trường Giang, đôi bàn tay nhỏ xíu của bé đặt lồng lên bàn tay to vạm vỡ của bố trông thật ấm áp, tình cảm. Những hành động ngọt ngào đến tan chảy của con gái chắc chắn khiến Nhã Phương Trường Giang không thể nào đi xa.
Thế nhưng cũng chính từ những hình ảnh, người hâm mộ bày tỏ sự xót xoa dành cho con gái Nhã Phương Trường Giang. Cụ thể đôi bàn tay của bé Destiny chi chít các vết mụn nhỏ li ti, có nốt mụn đang mọc lên những cũng có những vết thương đã lành. Nhiều bà mẹ bỉm có kinh nghiệm tinh ý nhận ra rằng chắc chắn Destiny đã mắc bệnh tay chân miệng - một căn bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Ai nấy đồng loạt gửi lời chúc cho bé Destiny nhanh chóng bình phục để Trường Giang Nhã Phương bớt lo lắng.
Dấu hiệu khỏi bệnh tay chân miệng của trẻ
Bệnh chân tay miệng có thời gian ủ bệnh khoảng từ 3-7 ngày. Khi mới bắt đầu phát bệnh ở trẻ sơ sinh và trẻ em có các dấu hiệu như cảm cúm thông thường: đau họng, sốt nhẹ, mệt mỏi... Sau 2 ngày, các triệu chứng này cũng bắt đầu giảm đi, các dấu hiệu của bệnh chân tay miệng mới bắt đầu xuất hiện.
Trẻ sẽ có những mụn nước mọc trên da, trong khoang miệng (lưỡi, má trong), lòng bàn chân và lòng bàn tay. Mụn nước này cũng có thể xuất hiện ở quanh hậu môn và mông. Nổi mụn nước là một trong những triệu chứng rõ rệt nhất của bệnh này.
Khi mới bắt đầu xuất hiện, những nốt ban này nổi lên giống như vết sẹo nhỏ, hơi đỏ và phẳng. Sau đó, dần dần chúng phồng rộp lên và chứa nước bên trong như những bóng nước hình bầu dục, hồng ban, màu xám, khi lành không gây sẹo. Các nốt này không đau và gây ngứa (phân biệt với thủy đậu thường gây ngứa và đau nhức, khó chịu).
Một số dấu hiệu khỏi bệnh tay chân miệng của bé được thể hiện như:
- Bé đang sốt cao nhưng sau đó hạ sốt dần dần và tiếp theo là hết sốt.
- Những mụn nước không tiếp tục nổi lên thêm và khô dần.
- Dù những triệu chứng đã giảm nhưng bố mẹ vẫn cần theo dõi các biến chứng như sốt cao liên tục, run chân tay, hay giật mình chới với.
- Chỉ khi nào đủ 7-10 ngày mới là thời gian an toàn và không có biến chứng ở trẻ.
Nhìn chung, bệnh tay chân miệng sẽ tự phục hồi từ 7-10 ngày và sẽ không còn khả năng lây bệnh sau 10 ngày. Các triệu chứng liên quan đến mụn nước và sốt cũng không có giá trị cho việc hết bệnh hoặc hết lây. Phụ huynh chỉ nên cho trẻ đi học sau 10 ngày phát bệnh, dù không sốt, mụn nước đã khô nhưng nếu chưa đủ 10 ngày thì cơ thể bé vẫn có khả năng phát tán virus ra môi trường xung quanh và lây cho những bé khác.
Ảnh minh họa
Một số biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng ở trẻ
Nếu trẻ bị chân tay miệng mà không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Bệnh có thể gây lở loét trong miệng, cổ họng, khiến cho việc ăn uống của trẻ trở nên đau rát và khó khăn hơn. Các biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh tay chân miệng ở trẻ em bao gồm:
- Viêm màng não do virus: Đây là một trong các bệnh nhiễm trùng và viêm hiếm gặp ở màng não, dịch não tủy bao quanh não và tủy sống.
- Viêm não: Một trong những bệnh nghiêm trọng có khả năng đe dọa đến tính mạng, biến chứng cũng rất hiếm gặp.
- Viêm cơ tim: Là biến chứng có thể xảy ra mặc dù tỷ lệ rất thấp.
Cách chăm sóc khi trẻ bị tay chân miệng
Sau khi đã tìm hiểu dấu hiệu khỏi bệnh tay chân miệng, cha mẹ cũng cần biết cách điều trị căn bệnh này ở trẻ. Hiện nay, tay chân miệng chưa có thuốc đặc trị, bác sĩ thường dựa vào tình hình thực tế để đưa ra các phác đồ điều trị thích hợp.
Đối với những bé xuất hiện tình trạng sốt cao, phụ huynh có thể cho bé dùng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của các bác sĩ. Những nốt phỏng nước được xử lý bằng cách sử dụng thuốc giảm đau và thuốc bôi sát khuẩn tại các vị trí bị vỡ mụn nước. Nếu như những nốt phỏng rộp trong khoang miệng đã bị vỡ ra, bé cần được sát khuẩn bằng loại nước muối sinh lý 0,9%.
Cha mẹ có thể hòa dung dịch sát khuẩn như chè xanh hoặc lá trầu không cùng nước để vệ sinh cơ thể cho bé. Đó là những loại nước có khả năng hạ nhiệt và sát khuẩn rất tốt, hỗ trợ hạn chế tình trạng viêm nhiễm của các nốt phỏng trước đã bị vỡ ra.
Tuy nhiên, phụ huynh không nên dùng lá chè hoặc lá trầu không chà lên những nốt phỏng bởi như vậy có thể khiến tình trạng của trẻ nặng thêm.
Các vết loét trong khoang miệng có thể gây nên tình trạng đau rát và làm trẻ khó khăn khi ăn. Bởi vậy, cha mẹ nên dùng những loại thức ăn dạng lỏng, dễ nuốt, thuận tiện cho việc tiêu hóa để giúp trẻ cảm thấy ăn một cách thoải mái nhất, hạn chế tình trạng đau rát trong quá trình ăn.