Cũng chỉ vì quá thương cháu ốm mãi không khỏi nên bà vú mới nhanh chóng giã tỏi đắp vào chân cho bé 7 tháng.
Những ngày rét mùa đông, trẻ thường mắc các bệnh về đường hô hấp dẫn tới ho, sổ mũi khiến các bậc cha mẹ lo lắng. Chính vì thế mà lâu nay, trong các nhóm hội mẹ bỉm sữa thường truyền tai nhau phương pháp dân gian đắp tỏi vào chân để trị ho, sổ mũi cho trẻ.
Tuy nhiên cách làm này không được các chuyên gia, bác sĩ ủng hộ, thậm chí còn gây ra rất nhiều tai nạn đáng tiếc cho các bé. Mới đây, câu chuyện của một em bé tiếp tục khiến cư dân mạng xôn xao, xót xa.
Nhiều mẹ vẫn tin dùng phương pháp đắp tỏi vào chân cho con mà không biết nó cực kì nguy hiểm. Ảnh minh họa
Theo chia sẻ của chị L. ở Thái Bình, vào ngày 15 mới đây, con gái chị, bé C. mới 7 tháng tuổi phải nhận hậu quả đáng tiếc vì được người lớn đắp tỏi vào lòng bàn chân.
"Gần đây bé C. có bị nhiễm lạnh nên húng hắng ho, mũi dãi chảy. Có lần bà vú trông C. bàn với bà nội giã tỏi để đắp vào chân cho bé nhưng chồng chị biết chuyện nên ngăn lại.
Thế nhưng vì quá sốt ruột, thấy cháu mãi không khỏi nên bà vú đã tự ý giã tỏi và đắp vào chân của C" - chị L cho biết.
Sự việc được chị L phát hiện khi buổi đêm ngủ cứ thấy con quấy khóc không chịu bú, nằm không chịu nằm, bế mà cứ ưỡn người lên và chỉ chịu bế vắt lên vai.
"Mình tưởng con nóng nên cởi bộ body suit ra, soi đèn xem con có đau ở đâu không thì tá hỏa phát hiện ra hai vết phồng rộp lớn ở chân con. Lúc đầu mình còn tưởng kiến ba khoang cắn nhưng kiểm tra cả người con không thấy gì, soi khắp màn khắp giường cũng không thấy con kiến nào.
Kiểm tra lại bộ body con mặc thì có hai vết ố nước ở đúng phần chân. Gọi điện hỏi bà vú thì bà bảo có đắp tỏi nhưng đắp một tí. Một lúc sau có vết đỏ thôi, bé cũng quấy khóc nhưng bà chủ quan" - chị L. nhớ lại.
Bé C. bị phồng rộp chân vì được đắp tỏi, quấy khóc cả ngày vì đau. Ảnh L.
Vợ chồng chị L. tức tốc đưa con gái 7 tháng tới bệnh viện điều trị. Bác sĩ khám cho bé C. cũng chỉ biết lắc đầu vì trước đó có rất nhiều vụ việc tương tự xảy ra.
Sau 2 ngày được bác sĩ điều trị theo phương pháp chích vết rộp và đắp thuốc lên, bé C. hiện đã dần bình phục. Chị L. cũng xin bác sĩ cho con về nhà điều trị ngoại trú, thay băng hàng ngày và theo dõi tại nhà.
"Con cũng ổn hơn rồi, không còn quấy khóc nữa. Hôm trước con đau khóc lóc, bác sĩ chích nước con khóc mẹ cũng khóc theo.
Trẻ sơ sinh da còn yếu thì đắp một tí cũng là nguy hiểm. Huống chi da C. còn thuộc da nhạy cảm. Sự việc xảy ra cũng xuất phát từ việc bà vú quá thương C. nhưng lại làm không đúng cách.
Mùa này bé húng hắng ho mà vẫn chơi, ăn và ngủ tốt thì chỉ là phản ứng bình thường của cơ thể khi có vi khuẩn xâm nhập vào. Thường thì chị chỉ theo dõi tại nhà, nghe tiếng ho của con để xem xét tình hình thôi. Nếu thấy ho nặng tiếng thì đưa đi bệnh viện khám để điều trị theo bác sĩ chứ đừng tự ý áp dụng mấy mẹo chữa bệnh truyền miệng, rất nguy hiểm cho con" - chị L. dành lời khuyên cho các mẹ.
Khi nhắc đến phương pháp đắp tỏi vào chân trẻ, bác sĩ Nguyễn Văn Lân – Viện Y học Cổ truyền Quân đội cho biết: "Việc các mẹ truyền thông tin dùng hành tăm trị ho, sổ mũi cho con, tôi không đồng ý. Theo tôi, một người đưa lên trên mạng không có nghiên cứu tốt nhất các mẹ không nên làm theo. Hành có tác dụng thông dương như ai bị phong hàn có thể ăn bát cháo hành. Nếu đúng phong hàn thì hành tăm có tác dụng còn nếu sổ mũi do phong nhiệt hay viêm phổi, viêm họng thì không nên. Các bé rất nhạy cảm nên khi bé ngạt mũi hay sổ mũi các mẹ nên massage mũi cho con là lành nhất. Đó là phương pháp rất nhẹ nhàng, các mẹ chỉ cần rửa tay thật sạch sẽ rồi xoa ấm tay mình và xoa vào mũi, mặt, ngực cho con ấm lên nhằm thông khí. Có thể tất cả các loại lá, gia vị đều là thuốc nhưng thuốc dùng không đúng đều có thể gây ra chuyện". |