Công thức làm bánh gato được trình bày dưới đây sẽ giúp các chị em không cần phải có lò nướng vẫn có thể làm ra được những mẻ bánh gato thơm ngon, mềm, xốp cho bé yêu.
Bánh gato là một trong những loại bánh kem phổ biến nhất hiện nay. Không chỉ có độ mềm, xốp, bánh còn có vị ngọt, ngậy, béo. Nhờ đó sẽ giúp kích thích vị giác của trẻ và khiến trẻ thèm ăn mỗi khi ngửi thấy mùi thơm từ bánh. Thực tế, bánh gato không hề khó thực hiện, điều quan trọng nhất đó là phải tạo ra được cốt bánh gato thật đẹp mắt, đảm bảo độ mềm, xốp và đồng đều.
Ưu điểm của cách làm bánh gato bằng nồi cơm điện
Việc sử dụng nồi cơm điện để làm bánh gato chắc chắn sẽ không thể bằng được so với lò nướng thông thường. Bánh sẽ khó có độ xốp hoàn hảo, không có mùi thơm,... Tuy vậy, việc sử dụng nồi cơm làm bánh vẫn mang đến một số ưu điểm như sau:
- Giúp các mẹ tiết kiệm thời gian làm bánh hơn so với nướng bằng các loại lò chuyên dụng.
- Giúp cốt bánh có độ chín đồng đều và đẹp mắt hơn. Bởi vì trong lò nướng, nhiệt độ khá cao sẽ khiến mặt dưới và xung quanh bánh sẽ có độ chín khác nhau.
- Các mẹ sẽ tiết kiệm được thời gian, tiền bạc để làm bánh gato với nồi cơm điện, hơn là việc bỏ tiền để mua một chiếc lò nướng chuyên dụng để sử dụng.
Cách làm bánh gato bằng nồi cơm điện
Sau đây, các mẹ có thể tham khảo cách để tạo nên một chiếc bánh gato đẹp mắt, ngon miệng, tơi xốp cho bé yêu của mình.
1. Nguyên liệu cần có
- Máy đánh trứng, rây bột và nồi cơm điện.
- 4 quả trứng gà (nhiệt độ phòng và tách riêng lòng trắng, lòng đỏ ra 2 bát nhé)
- 35gr sữa tươi không đường
- 35gr dầu ăn
- 50gr bột mì
- 50gr bột ngô
- 1/2 quả chanh nhỏ vắt lấy nước cốt, bỏ hạt.
- 1 nhúm muối nhỏ (chừng 1/3 thìa sữa chua)
- Khoảng 100-120gr đường xay mịn.
2. Cách làm cốt bánh gato bằng nồi cơm điện
- Bước 1: Lòng trắng trứng cho vào bát to, sâu lòng (để trứng đánh bông không bị trào ra ngoài). Sau đó cho muối vào đánh chừng 1 phút, đến khi trứng nổi bọt to thì cho tiếp nước cốt của ½ quả chanh. Lúc đầu đánh chậm, sau tăng dần.
- Bước 2: Tiếp đến, các mẹ chia số đường ra làm 3 phần, cho vào chỗ lòng trắng trứng, vẫn để máy đánh trứng chạy, cứ 20 giây lại cho đường vào đến lúc hết nhé. Máy đánh trứng được xoay trong bát theo chiều kim đồng hồ. Các mẹ đánh đến lúc trứng bông, nhỏ xuống có thóp nhọn là được nhé.
- Bước 3: Các mẹ cho trực tiếp từng lòng đỏ vào bát lòng trắng đã đánh bông cho đến khi hết 4 quả trứng. Sau đó cho sữa tươi và dầu ăn đã được hòa lẫn vào. Ta sẽ có 1 hỗn hợp màu vàng, sền sệt.
- Bước 4: Lấy ra khoảng 50g bột mì, 50g bột ngô trộn lẫn, sau đó đem rây cho mịn. Mỗi lần rây một ít, rây trực tiếp bột vào bát hỗn hợp ở trên. Chú ý đảo tránh làm vỡ bọt khí thì bánh mới mềm, xốp được.
- Bước 5: Làm nóng nồi cơm điện (bằng cách nấu một chút gạo đến khi chín, múc cơm ra bát và ta sẽ có nồi còn nóng nguyên). Cắt tờ giấy A4 thành hình vòng tròn để lót dưới đáy nồi cơm. Từ từ đổ hỗn hợp bột sau khi đã trộn xong vào nồi. Dàn đều trên mặt, lắc nhẹ, đập đập nhẹ xuống bàn cho các bọt khí to vỡ ra.
- Bước 6: Nhấn nút làm bánh trên nồi cơm điện. Nếu như không có nồi đa chức năng, các mẹ có thể nhấn nút nấu cơm như bình thường nhé.
- Bước 7: Vì nồi đã nóng sẵn, nên chỉ cần làm bánh trong khoảng 12-15 phút là nồi cơm sẽ chuyển sang trạng thái Warm (ủ ấm) rồi. Các mẹ lưu ý rằng, sau khi nồi cơm nhảy về chế độ Warm thì hãy để yên trong 15 phút. Sau đó lại bật lại nút nấu ban đầu nhé. Lặp lại 3 lần như thế. Tuyệt đối không được mở vung cho đến lúc bánh đã chín hoàn toàn.
- Bước 8: Cốt bánh gato sau khi chín sẽ trông gần giống như với ảnh trên. Các mẹ có thể kiểm tra xem cốt bánh chín hay chưa bằng việc xiên tăm, nếu tăm rút ra khô không dính bột thì tức là bánh đã chín nhé.
Thành quả đạt được sau khi các mẹ áp dụng cách làm bánh gato bằng nồi cơm điện theo như hướng dẫn ở trên.
Nguyên nhân khiến bánh gato không được ngon khi chế biến
Nếu như các mẹ đã áp dụng cách làm bánh gato bằng nồi cơm điện mà vẫn không thể làm cốt bánh đẹp mắt và ngon miệng được. Rất có thể các mẹ đang gặp phải một số nguyên nhân sau:
- Tùy thuộc vào loại nồi cơm điện mà các mẹ đang sử dụng, khoảng cách về thời gian chuyển sang chế độ Warm sẽ có sự khác biệt vì có sự khác nhau về công suất của nồi. Vì thế mà bánh dễ bị cháy nếu như các mẹ không để ý đến sự khác biệt này.
- Trong quá trình làm bánh, các mẹ có thể bị trộn sai tỷ lệ bột và trứng, mở nồi cơm quá sớm, việc đánh trứng chưa đúng kỹ thuật,... Tất cả điều đó sẽ khiến bánh không được tơi xốp, dễ bị xẹp và dễ bị chưa chín hoàn toàn.
- Nồi cơm của các mẹ đã cũ, bị mất đi khả năng chống dính. Tuy nhiên nhiều mẹ lại quên không bôi ít dầu ăn hoặc bơ để tăng khả năng chống bám dính của nồi. Từ đó khiến cho bánh bị dính vào thành nồi, bị cháy, hỏng kết cấu.
Từ những hướng dẫn về cách làm bánh gato bằng nồi cơm điện này, hy vọng bánh sau khi được làm ra sẽ nở xốp, mềm và vô cùng thơm ngon. Chúc các mẹ có thể thực hiện món bánh gato cho con và cho cả gia đình một cách thành công nhé!!!