Xuân đã về ngập phố nhưng đâu đó vẫn còn những hoàn cảnh éo le đương đầu với bệnh tật.
Những ngày áp Tết, nhà nhà, người người hối hả hoàn tất những công việc cuối năm để chuẩn bị đón Tết Giáp Ngọ. Thế nhưng, vẫn có những gia đình phải tạm quên hương vị Tết để chăm sóc con ở bệnh viện. Đối với họ, niềm hạnh phúc lớn nhất là được nhìn thấy con khỏe mạnh để trở về vui đùa và đi học cùng chúng bạn.
Mặc dù chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên Đán nhưng không khí làm việc tại Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung Ương vẫn hết sức khẩn trương. Màu bích đào đặt ở sảnh vào và các tầng dường như đưa chút xuân đang gõ cửa từng gia đình đến với mọi người, giúp bệnh nhân và người nhà thấy ấm lòng hơn.
Khoa Nhi của Viện Huyết học và Truyền máu Trung Ương là nơi có nhiều em bé nhỏ tuổi đang chiến đấu với bệnh tật, không ít trong số đó là những trường hợp bị ung thư máu phải giành giật sự sống từng ngày. Những ánh mắt âu sầu của phụ huynh, vẻ mặt mệt mỏi của các bé sau khi truyền hóa chất hay tiếng khóc nức nở của một em nhỏ khi lấy ven truyền khiến nhiều người thắt lòng. Đau đớn hơn cả, khổ tâm hơn hết chính là bố mẹ các em. Sinh con ra ai chẳng mong con cái được khỏe mạnh nhưng mọi thứ như tai họa ập xuống khi các em bị mắc phải căn bệnh ung thư quái ác.
1 năm đồng hành cùng con
Gần 1 năm qua, vợ chồng anh Tạ Đình Đạo (Từ Sơn, Bắc Ninh) ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà để chăm sóc cậu con trai Tạ Thanh Duy (6 tuổi) bị mắc bệnh bạch cầu cấp thể L2. Khi chúng tôi đến bên giường bệnh, bé Duy với gương mặt nhợt nhạt, trên đầu chỉ lơ thơ tóc, đó là ảnh hưởng của những đợt truyền hóa chất. Đôi mắt Duy khá mệt mỏi nhưng từ trong sâu thẳm vẫn ánh lên niềm hi vọng, trong sáng và thơ ngây. Trong khi những bạn bè cùng trang lứa đang tung tăng chạy nhảy thì Duy phải can đảm để trải qua những đợt điều trị dài ngày. Với người lớn đó đã là thử thách đáng sợ trong khi Duy lại là một đứa trẻ còn một chặng đường đời ở phía trước.
Bé Thanh Duy đang phải tiếp tục đợt điều trị do bệnh bạch cầu cấp tính thể L2 bị tái phát
Ánh mắt tiều tụy của bố mẹ Duy nhìn con trai đang héo mòn từng ngày khiến nhiều người không cầm nổi nước mắt. Can đảm, vững vàng để đồng hành cùng con trong những tháng ngày điều trị ở Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, anh Đạo không kìm được xúc động. Lấy tay quệt vội giọt nước mắt lăn dài trên má, đôi mắt anh đỏ hoe khi nói về căn bệnh mà bé Duy đang mắc phải. Gia đình cùng các bác sĩ đã nỗ lực rất nhiều nhưng tiên lượng không thực sự được khả quan. Đã có giai đoạn, bệnh của Duy ổn định nhưng nay lại bị tái phát trở lại.
Duy khóc òa khi chúng tôi hỏi chuyện, bé đưa đôi tay quệt giọt nước mắt lăn dài
Bé Duy bị mắc bệnh từ năm 2012 với triệu chứng ban đầu là mỏi chân. Với tình hình bệnh của Duy, Tết Giáp Ngọ này, vợ chồng anh Đạo sẽ phải đón Xuân mới trong bệnh viện.
Một năm qua, vợ chồng anh Đạo bỏ quê hương theo con lên Hà Nội chữa bệnh. Nhà cửa và việc chăm sóc cậu con trai lớn đang học lớp 5 trông cậy vào ông bà nội. Hoàn cảnh gia đình trông vào mấy sào ruộng nên chi phí chữa trị cho Duy phải chạy vạy vay mượn họ hàng.
Vợ chồng anh Đạo xót xa khi thấy đứa con tội nghiệp phải giành giật sự sống từng ngày
Theo lời anh Đạo, mặc dù đã được bảo hiểm chi trả nhưng chi phí thuốc men, sinh hoạt mỗi tháng hết hàng chục triệu đồng. Hơn 1 năm qua, số tiền chữa trị đã lên đến hàng trăm triệu đồng.
Bản thân anh Đạo không ngờ con trai lại mắc phải căn bệnh hiểm nghèo như vậy, bởi trước khi phát bệnh, Duy hoàn toàn khỏe mạnh. Khi cầm kết quả của bác sĩ chẩn đoán bé bị bạch cầu cấp thể L2, đó thực sự là cú sốc quá lớn. Nhưng rồi vợ chồng anh Đạo gắng gượng, với suy nghĩ “còn nước còn tát” đưa con đi chữa trị.
Người bố nấc nghẹn khi nhắc đến đứa con tội nghiệp, Duy còn quá bé để phải trải qua những thử thách quá lớn
Trong suốt cuộc trò chuyện, đôi mắt ngấn lệ của anh nhìn lại đứa con với nét mặt nhợt nhạt ở góc giường khiến tiếng nấc thêm nghẹn ngào. Thậm chí, khi nhắc đến Tết, tiếng anh như đứt quãng, bởi anh từng trải qua một năm đón Tết trong bệnh viện và hiểu đó là điều không ai mong đợi. Thậm chí, trong lúc con đang bị bệnh nặng, lòng anh và vợ chỉ còn biết cầu mong làm sao bé Duy sớm ổn định sức khỏe.
“Con tiêm, truyền hóa chất như vậy tôi xót xa lắm. Chỉ mong cháu sớm khỏe để được về nhà, vì năm nay là năm thứ 2 cháu phải đón Tết xa nhà rồi”, anh Đạo chia sẻ.
Dường như bé Duy hiểu được nỗi đau đớn mà bố mẹ đang phải trải qua khi chứng kiến con bị mắc bệnh hiểm nghèo. Đôi mắt của Duy rơm rớm nước mắt và khi chúng tôi định hỏi chuyện, bé bật khóc nức nở. Khi anh Đạo ôm cậu con trai tội nghiệp vào lòng, dường như bao nhiêu cảm xúc trong Duy vỡ òa. Đưa đôi tay bé nhỏ lên mắt lau giọt nước mắt đang trào ra, người bố đặt tay lên vai con mà nghẹn ngào.
Còn cháu Nguyễn Thị Thùy Dung (4 tuổi, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) cũng đón Tết trong bệnh viện khi đang điều trị bệnh ung thư máu. Trò chuyện với chúng tôi, chị Liễu (mẹ bé Dung) cho biết, để có kinh phí chữa trị cho con, gia đình chị cũng phải “giật gấu vá vai”, vay mượn khắp nơi.
Cháu Thùy Dung và mẹ cũng sẽ đón Tết ở bệnh viện
Hơn 4 tuổi nhưng vóc dáng của Dung dường như nhỏ hơn các bạn cùng trang lứa. Mặc dù, còn nhỏ tuổi nhưng bé rất ngoan ngoãn ngồi truyền thuốc vào cơ thể.
Tết cận kề ngoài cửa, màu xuân thấp thoáng trên từng góc phố, con đường nhưng bé Dung vẫn đang âm thầm gác lại tất cả những chuyện đi chợ Tết, mua quần áo mới để chữa trị bênh ung thư. Biết bao hi vọng được người mẹ trẻ đặt lên đứa con gái bé bỏng tội nghiệp. Chị Liễu tâm sự, Tết đến, ai cũng mong được sum họp, chờ đợi giây phút cả nhà quay quần nhưng tất cả vì con.
“Đón Tết trong bệnh viện là điều không ai mong muốn nhưng tất cả vì sức khỏe của con. Tết này chồng tôi cũng lên đây đón Tết cùng mẹ con nên được an ủi phần nào”, chị Liễu nói thêm.
Chờ từng ngày được về quê ăn Tết
May mắn hơn những trường hợp phải ở lại chữa trị trong những ngày Tết, chị Nguyễn Thị Hương (Tam Nông – Phú Thọ) mấy ngày nay trông ngóng từng giờ từng phút để lên xe về quê kịp đón Tết. Cô con gái Bùi Kim Ngân (3 tuổi, con gái chị Hương) cũng đang mang trong mình căn bệnh ung thư máu. Gia đình chị sốc khi con gái mắc phải căn bệnh hiểm nghèo. Bởi, chính bản thân chị Hương chưa bao giờ biết về chuyện trẻ em bị ung thư và thậm chí nơi gia đình đang sinh sống cũng không có trường hợp nào mắc phải căn bệnh này.
May mắn hơn, chị Hương và cháu Ngân sẽ được về nhà đón Tết
Chị Hương rơm rớm nước mắt chia sẻ: “Mỗi năm có mấy ngày Tết, hạnh phúc nhất là được về quê quây quần cùng gia đình. Có thể vật chất không có nhiều nhưng được động viên về mặt tinh thần. Gia đình mong cháu sớm khỏi bệnh để mọi người được sống cùng nhau”.
Tuy nhiên, việc lo lắng về bệnh tình của con là một phần, khoản nợ mà gia đình chị Hương vay để chạy chữa cho bé Hương vẫn còn đè nặng trên đôi vai cả hai vợ chồng. Được biết, gia đình chị Hương trông vào mấy sào ruộng và tiền công từ công việc đi xây của chồng. Từ tháng 6/2013 khi bé Ngân bị bệnh, chị Hương lên Hà Nội chăm con, tất cả gia đình chỉ còn biết trông vào số tiền ít ỏi kiếm được của chồng.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trần Thu Thủy (Bác sĩ Điều trị, Khoa Nhi, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương) cho biết, trong dịp Tết Giáp Ngọ năm nay, khoa Nhi có 50 cháu ở lại bệnh viện. Các cháu ở lại phần lớn là nặng, đang điều trị hóa chất, bạch cầu giảm dẫn đếnkhả năng nhiễm trùng cao nên tốt nhất ở lại bệnh viện để tránh nhiễm trùng, hoặc có cháu bị thiếu máu, thiếu tiểu cầu cần ở lại để truyền máu, truyền tiểu cầu hoặc các cháu nhiễm trùng nặng, thâm nhiễm. Còn các cháu mắc bệnh lành tính hơn sẽ cố gắng cho về nhà trước Tết. Với những trường hợp bệnh nhân ở lại, Viện trưởng sẽ cùng bác sĩ sẽ đi tặng quà Tết. Theo bác sĩ Thủy, với những trường hợp bị bệnh ác tính và lành tính phải điều trị dai dẳng, trước khi bị bệnh gia đình các cháu không mấy dư dả. Mặc dù đã được bảo hiểm thanh toán chi phí điều trị 100% hoặc 80% nhưng chi phí chăm sóc vẫn rất lớn so với kinh tế gia đình nên nhiều hoàn cảnh gặp khó khăn. Tuy nhiên, nhìn chung các phụ huynh ở đây rất nỗ lực để chăm sóc con cái. "Triệu chứng dễ nhận biết khi trẻ mắc bệnh về máu là da đang bình thường trở nên xanh xao, trẻ có chấm xuất huyết trên da. Có những trường hợp chỉ biểu hiện kém ăn, kém chơi. Đặc biệt, với ung thư máu cấp thể L2 có cháu chỉ biểu hiện đau xương. Triệu chứng dễ nhận biết bệnh ung thư máu là xuất huyết, thiếu máu và nhiễm trùng với sốt dai dẳng hoặc sốt cao hay sốt cách nhật. Trên trẻ em đặc biệt các cháu nhỏ tuổi có khi không biểu hiện cả 3 triệu chứng, các triệu chứng xuất hiện ở mỗi bệnh nhân với tần suất và mức độ khác nhau. Khi xuất hiện các triệu chứng nói trên cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa", bác sĩ Thủy lưu ý |