Cư xử lạ lùng, thay đổi thói quen ăn uống, gặp vấn đề về giấc ngủ, kết quả học tập giảm sút... là những dấu hiệu cho thấy có thể con đang bị bắt nạt ở trường.
Trẻ bị bắt nạt nhiều lần gây ra những tổn hại nghiêm trọng về mặt cảm xúc, có thể ăn mòn lòng tự trọng và sức khoẻ tinh thần.
Trẻ đi học và bị bạn bè bắt nạt, cô lập là hiện tượng dường như xuất hiện ở hầu hết các trường học.
Theo trang Character, trên thực tế, có khoảng 160.000 trẻ em trên thế giới bỏ học hằng ngày vì chúng sợ bị bắt nạt hay đe doạn bởi các học sinh khác. Các báo cáo cũng xác nhận rằng việc bắt nạt xảy ra ở tất cả các độ tuổi, đặc biệt là những đứa trẻ vẫn còn ít tuổi. Mức độ, hành vi bắt nạt sẽ càng tàn nhẫn theo độ tuổi.
Cho dù việc bắt nạt là bằng lời nói, thể xác hay quan hệ, những ảnh hưởng của nó sẽ kéo dài mãi. Thậm chí đã có nhiều trường hợp trẻ tự tử vì căng thẳng tinh thần do mỗi lần bị bắt nạt.
Việc bắt nạt lặp đi lặp lại gây ra những tổn hại nghiêm trọng về mặt cảm xúc, có thể ăn mòn lòng tự trọng và sức khoẻ tinh thần của đứa trẻ (Ảnh minh họa)
Nhiều trẻ em bị bắt nạt mà phụ huynh của họ không hề hay biết. Đa số chúng không dám chia sẻ với bố mẹ, cố giấu giếm về những nỗi đau mình phải chịu đựng do sợ bị trả thù, tẩy chay hoặc không đủ tin tưởng rằng mọi người sẽ giúp đỡ bé.
Trong trường hợp này, phụ huynh cần gần gũi con để phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo trẻ có thể đang bị bắt nạt ở trường, giúp con có giải pháp tháo gỡ khó khăn của mình.
Dưới đây là một số biểu hiện cảnh báo trẻ có thể đang bị bắt nạt:
1. Bị hỏng hoặc mất đồ chơi, dụng cụ học tập, quần áo, đồ ăn, tiền bạc mà không rõ lí do
2. Có những vết bầm tím, vết xước, cào... trên cơ thể mà không rõ lý do
Nếu thấy con có những vết xước, bầm tím trên người cha mẹ nên hỏi han con rõ ràng. Ảnh minh họa
3. Không muốn đi học hoặc không muốn tham gia các hoạt động khác với bạn bè
4. Sợ phải đi học bằng xe bus đón đưa của trường
5. Sợ bị bỏ lại một mình, hay bất thình lình nép chặt vào người bố mẹ, níu kéo bố mẹ ở lại khi bố mẹ đưa trẻ đến trường
6. Bột nhiên buồn rầu, ủ rũ và lẩn tránh những hoạt động đông người
Ảnh minh họa
7. Có những thay đổi rõ nét trong hành vi ứng xử hoặc tính cách
8. Tâm trạng thất thường, hay buồn, tức giận, lo lắng hoặc chán nản. Tâm trạng đó thường kéo dài mà không rõ nguyên nhân
9. Thường thu lu một góc trong phòng rồi khóc
10. Không muốn tương tác nhiều với bố mẹ hoặc các thành viên trong gia đình như trước đây. Trẻ thường đi thẳng vào phòng của mình sau giờ ăn
11. Thường xuyên phàn nàn về vấn đề thể chất như đau đầu, đau bụng, hay phải đến phòng y tế của trường
12. Khó ngủ, hay gặp ác mộng, thường khóc rất lâu rồi chìm vào giấc ngủ, tè dầm khi ngủ
Ảnh minh họa
13. Thay đổi trong thói quen ăn uống
14. Bắt đầu bắt nạt lại em nhỏ hơn trong gia đình hoặc những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn ở bên ngoài (Một số trẻ bị bắt nạt có thể trở thành những kẻ đi bắt nạt người khác).
15. Trẻ thường phải đợi đến khi về nhà mới dám đi vệ sinh (Nhà vệ sinh nơi công cộng như trường học, công viên thường là những nơi vắng vẻ, không có sự giám sát của người lớn nên dễ xuất hiện các hành vi bắt nạt).
16. Đột nhiên trẻ có ít bạn bè hơn hoặc không muốn tham gia vào các nhóm bạn bè như trước.
17. Về nhà trong tình trạng vô cùng đói (Những kẻ bắt nạt tại trường học thường có trò cướp đồ ăn hoặc tiền mua đồ ăn của nạn nhân).
18. Kết quả học tập bất ngờ tụt giảm (Bị bắt nạt có thể khiến trẻ khóa tập trung vào việc học).
19. Trẻ luôn tự nhận lỗi về mình trong mọi chuyện và luôn cảm thấy mình “không đủ tốt”
20. Trẻ thường nói về cảm giác bất lực, muốn bỏ trốn hoặc thậm chí nghiêm trọng hơn là muốn tự sát.
Chuyên mục Làm mẹ - Nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về chăm, nuôi và dạy con, các căn bệnh liên quan đến trẻ nhỏ. Mời độc giả gửi những thắc mắc, tâm sự, chia sẻ liên quan đến chủ đề này về địa chỉ lamme@eva.vn để được sẻ chia, nhận tư vấn từ chuyên gia. |