"Đời làm con gái ở xứ mình bị miệt thị ghê gớm ai ơi"

Ngày 06/03/2019 15:30 PM (GMT+7)

Sinh ra là con gái, trong nhờ đục chịu. Từ tấm bé, con trai được cưng nựng bao nhiêu thì con gái bị bỏ bê bấy nhiêu.

amp;#34;Đời làm con gái ở xứ mình bị miệt thị ghê gớm ai ơiamp;#34; - 1

Một chiều nọ, khi tôi đến thăm cậu bạn vừa mới có con, chưa kịp chúc mừng thì cậu đã thở dài đánh thượt rồi bảo: “Con gái anh ạ! Đời em vậy là bắt đầu khổ rồi!”. Tôi đã phùng mang trợn mắt định mắng mà thấy mắt cậu rớm lệ nên tôi nuốt lại câu mắng mà từ tốn hỏi: Sinh con gái sao lại khổ?

Nhà cậu độc đinh từ thời ông cố nội. Ông nội cậu là con trai duy nhất trong 13 người con. Rồi đến bố cậu cũng là con trai duy nhất trong 7 đứa con. Đời bố cậu không may mắn hơn, chỉ sinh được mỗi cậu rồi mẹ cậu không đẻ được nữa (hay bố cậu không chừng).

Cả dòng họ trên 200 người đều chăm chăm nhìn vào cậu. Ngày cậu cưới, thay vì chúc mừng hạnh phúc đôi trẻ, lời chúc, lời cầu nguyện vợ cậu sớm sinh con trai nhiều gấp trăm lần. Ai cũng mong vợ cậu sẽ đẻ cả đàn con trai cũng được. Các cô dì cậu bác thậm chí còn treo thưởng đến cả ngàn mét đất khắp mọi nơi nếu vợ cậu sinh được con trai.

Áp lực lớn thế nên khi vợ cậu thông báo có bầu, cả họ tổ chức linh đình tiệc cúng vái khắp nơi. Đến ngày siêu âm ra con gái, cậu đã rất buồn rồi nhưng vẫn hy vọng siêu âm sai. Nhưng hôm nay, vợ đẻ ra một cô con gái, cả họ tộc hơn 200 người không một ai thèm vào thăm. Một lời chúc mừng cũng không có. Bố cậu tuyên bố: Chừng nào đẻ ra con trai mới nói chuyện. Vợ này không đẻ ra con trai thì cưới vợ khác. Cưới 10 lần cũng được. Đẻ 10 con cũng được. Miễn là phải có con trai. Bằng không từ mặt luôn. “Anh thấy nhà ai như nhà em chưa? Anh thấy đời ai buồn như đời em chưa?”.

amp;#34;Đời làm con gái ở xứ mình bị miệt thị ghê gớm ai ơiamp;#34; - 2

Bố cậu tuyên bố: Chừng nào đẻ ra con trai mới nói chuyện. Ảnh minh họa

Không cho tôi được phản ứng, cậu bắt đầu kể tiếp lý do tại sao cậu nói đời cậu bắt đầu khổ từ khi sinh con gái. Rằng các cô, các bác, các bà… những người phụ nữ trong họ tộc nhà cậu đã phải sống khổ như thế nào dù họ, có nhiều người rất giỏi giang. Đặc biệt là những cô, những bác, những bà đi lấy chồng cũng không sinh được con trai cho nhà chồng.

Rồi cũng chính những cô, những bác ấy lại chính là những người cay nghiệt nhất khi nói với cậu việc sinh con gái sẽ là bất hiếu ra sao. “Đời làm con gái ở xứ mình bị miệt thị ghê gớm anh ạ”. Sinh ra là con gái, ngày bé chẳng được ai nhớ tên. Họ chỉ gọi “Con gái ông A”. Lớn lên đi lấy chồng, cũng chẳng ai nhớ tên. Họ chỉ gọi “Vợ ông B”. Sinh ra con, làm mẹ, cũng chẳng ai nhớ tên. Họ chỉ gọi “Mẹ thằng C”. Rồi lên làm bà thì cũng lại vẫn như thế. Phụ nữ Việt nhiều người mất tên riêng như thế.

Sinh ra là con gái, trong nhờ đục chịu. Cùng sức học như nhau, con trai được đầu tư đủ thứ. Con gái thì ai cũng bảo: Ôi dào, học nhiều mà làm gì, cũng lại đi lấy chồng sinh con cho nhà người ta thôi mà. Từ tấm bé, con trai được cưng nựng bao nhiêu thì con gái bị bỏ bê bấy nhiêu. Thứ mà họ dạy con gái luôn là nết ăn nết ở để không làm xấu mặt gia đình sau này khi đi làm dâu. Thứ mà họ dạy con gái là “Đàn bà hơn nhau ở tấm chồng”. Mà gặp phải những gã chồng hoi, họ lại bảo “Lấy chồng lãi nhất đứa con”. Cuộc đời phụ nữ quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là “Làm sao để chồng yêu”, “Việc nhà”. Cậu lại nhắc đến chuyện cái ông thẩm phán nọ trong phiên toà xử ly dị vợ chồng tỷ phú cà phê: “Đấy, học thức như ông ấy mà còn bảo phụ nữ nên lui về hậu phương nữa là”.

Không! Anh đừng nói gì. Hãy để em nói cho hết”. Phụ nữ là để yêu thương cái mốc xì gì chứ! Đấy anh xem, vợ em này! Mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày khổ cực xiết bao. Mấy phen bị doạ sảy thai mặt cắt không còn hột máu. Nó khóc điên đảo khiến em cứ đứt từng khúc ruột mà chẳng biết phải làm sao.

Giá kể em vác bụng bầu thay nó được thì đã tốt. Nhiều đêm, bụng to vượt mặt nghiêng bên nào cũng khó khăn. Đã thế còn phải đi làm xa, đường xá thì điên loạn. Nhiều ông đàn ông thấy phụ nữ bầu đã không chịu nhường đường còn bấm còi inh ỏi, chửi bới ầm ĩ, lạng lách đánh võng trước đầu xe vợ em.

Em đã bảo nghỉ việc đi em nuôi thì không chịu, bảo: Anh nuôi em lỡ đến ngày anh chán em, anh đá em đi thì em lấy tiền đâu ra sống và nuôi con? Em phải lo cái thân em trước đã. Nó nói đúng quá còn gì? Phụ nữ nhiều người nghe chồng ngon ngọt ở nhà phục vụ chồng con đến khi đàn ông nó đá ra khỏi cửa thì tay trắng cả lượt.

amp;#34;Đời làm con gái ở xứ mình bị miệt thị ghê gớm ai ơiamp;#34; - 3

Vợ cậu ta từng đấu tranh để được đi làm khi mang bầu. Ảnh minh họa

Em phải doạ nạt mãi nó mới chịu cho em đưa nó đi làm, đón nó về. Vì vợ em nghe thiên hạ nói về nữ quyền rằng phụ nữ độc lập đừng để lệ thuộc vào đàn ông nên nó từ chối hết những gì em chăm sóc. Chưa kể ở công ty, nó được giám đốc cất nhắc lên chức trưởng phòng, nó vui lắm nhưng lại về khóc tu tu vì mấy bà, mấy chị ở công ty kháo nhau rằng cái bầu của nó là của ông giám đốc nên nó mới được cất nhắc lên trưởng phòng.

Phụ nữ với nhau mà sao nhiều người ác miệng thế kia chứ! Rồi lên trưởng phòng, đi làm sớm hơn, về nhà muộn hơn. Lại cơm cơm nước nước. Em đã bảo để em nấu nướng cho nhưng nó không chịu. Bởi nó thừa biết cái nhìn của ông bô em, cái nhìn của bà bô em. Em phải nhân chuyện vợ siêu âm ra con gái để lấy cớ dọn ra ngoài sống là thế.

“Sinh ra con gái, đời em bắt đầu khổ rồi anh ạ! Là khổ cho vợ em rồi. Là khổ cho con gái của em rồi. Chứ cái đời đàn ông của em thôi thì cũng vứt đi từ đây rồi anh ạ!”. Tôi không biết nói sao với cậu nữa. Nhìn cậu khóc tu tu như đứa trẻ mà tôi chỉ biết thở dài. Bởi trong inbox Facebook của tôi cũng chẳng hiếm những lời than thở như thế.

Mỗi bài viết bảo vệ phụ nữ của tôi cũng nhận được cơ man nào là những lời nghiêm khắc có, tục tĩu có, rủa xả có của những gã đàn ông mắng tôi “đội vợ lên đầu”, của những bà mẹ chồng mắng tôi “dạy hư phụ nữ” của chính những người phụ nữ cay nghiệt kêu tôi “bám váy phụ nữ- nịnh bợ phụ nữ”… Có lẽ, tôi cũng nên khóc cùng cậu vậy…

amp;#34;Đời làm con gái ở xứ mình bị miệt thị ghê gớm ai ơiamp;#34; - 4

Hãy cho con được quyền thất bại!
Hãy cho con được quyền thất bại! Tôi nghĩ, đó cũng là một món quà giá trị mà cha mẹ có thể mang đến cho con mình, dành tặng cho con mình.
Hoàng Anh Tú
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ngày Quốc tế Phụ nữ