"Điều không hoàn hảo nhất của mẹ là cố gắng trở thành 1 người mẹ hoàn hảo" - điều đó hoàn toàn đúng.
Thậm chí từ khi mới có ý định sinh con, mẹ đã tâm niệm sẽ trở thành 1 người mẹ thật hoàn hảo để là tấm gương cho bé noi theo. Thế nhưng, đôi khi mẹ vẫn phải tự dằn vặt mình vì đã mắc phải những sai lầm, hay không làm được những điều tốt nhất cho con. Tuy nhiên, mẹ đừng quá nặng nề điều đó, bởi thực tế là không bao giờ tồn tại khái niệm “Người mẹ hoàn hảo” cả, đơn giản vì chẳng có ai thực sự như vậy.
Vì thế, nếu mẹ vẫn đang tràn đầy quyết tâm trở nên như vậy, hãy xem 7 lý do sau để có thể ngừng sự phấn đấu đó lại:
1. Tạo cơ hội cho bé nỗ lực
Khi mẹ đang cố gắng làm tất cả mọi thứ một cách tốt nhất để hướng tới sự hoàn hảo, vô hình chung, mẹ đã gây ra một áp lực nào đó với con. Bé cũng sẽ nhìn mẹ mà phấn đấu theo sự hoàn hảo đó. Nhưng mẹ đừng vội mừng, bởi cũng như mẹ, bé sẽ rất sợ mắc phải sai lầm và đương nhiên, sự tự tin của con rất thấp.
Đó là lý do mẹ nên tha thứ cho bản thân khi mắc phải sai lầm, đừng bao giờ bám víu vào những thất bại mà nặng nề hóa điều đó. Bởi không ai luôn luôn làm đúng tất cả mọi việc, hơn nữa, mỗi lần mắc phải sai lầm, đó thực sự là một bài học, 1 cơ hội để mẹ nhìn nhận lại vấn đề và đưa ra giải pháp hợp lý hơn. Ngay cả với trẻ nhỏ, bài học từ những sai lầm đôi khi mới thực sự hữu ích cho con. Vì thế, hãy trẻ có cơ hội thể hiện bản thân một cách tự tin, thoải mái nhất; thay vì nơm nớp lo lắng rằng mình có thể làm sai khiến mẹ mắng.
2. Chỉ nên làm mọi việc tốt nhất
Mẹ hãy nói với bé rằng, mẹ hoàn toàn không mong đợi sự hoàn hảo đối với bất cứ điều gì con làm. Tuy nhiên, mẹ hi vọng con có thể làm điều đó tốt nhất. Như thế, bé sẽ tự tin hơn để cố gắng làm mọi việc thay vì tỏ ra lo lắng trước khi bắt tay thực hiện bất cứ điều gì. Tất nhiên, mẹ hãy làm gương trước cho con bằng cách ngừng cố gắng để trở thành người mẹ hoàn hảo. Hãy phép bản thân mắc phải một số khiếm khuyết, để bé hiểu rằng đôi khi mắc phải sai lầm không hẳn là đáng chê trách, quan trọng nhất là con đã làm hết mình vì bất cứ điều gì mà thôi.
3. Người mẹ hoàn hảo không tồn tại
Không ai là hoàn hảo và người mẹ hoàn hảo không cũng không hề tồn tại. Khi mẹ đang cố gắng để trở thành một người mẹ hoàn hảo, tức là mẹ đang nhắm đến một điều gì đó là không tưởng. Mẹ hoàn toàn có thể là một người mẹ tuyệt vời, nhưng không hoàn hảo. Hãy nhìn nhận điều đó và cảm nhận niềm hạnh phúc nhất của mình, đó là được trở thành một người mẹ. Điều đó tuyệt vời hơn nhiều so với chuyện lãng phí thời gian để phấn đấu làm một người mẹ hoàn hảo.
Không cần phải trở thành một người mẹ lý tưởng, bé vẫn sẽ luôn yêu mẹ. (Ảnh minh họa)
4. Mẹ đang khiến cho không khí gia đình trở nên nặng nề
Phấn đấu cho sự hoàn hảo là một mục tiêu rỗng mà mẹ không bao giờ có thể đạt được. Khi mẹ hay bất cứ thành viên trong gia đình đang cố gắng trở nên hoàn hảo, nó có thể gây ra những tác động không mấy vui vẻ cho những người còn lại. Lý do là mỗi người đều có những điểm tốt và những khiếm khuyết riêng, nên họ sẽ không tìm được tiếng nói chung ở những người luôn mong sự hoàn hảo. Nó còn có thể gây ra nhiều sự hiểu lầm, thậm chí là tranh cãi nữa khiến cho không khí gia đình mất đi sự vui vẻ, thoải mái. Vì thế, mẹ hãy nhớ điều quan trọng nhất với mỗi người là có một gia đình hạnh phúc, chứ không phải mẹ hay bất cứ ai trở nên hoàn hảo.
5. Mẹ đang tự gây áp lực cho mình
Phấn đấu cho sự hoàn hảo là vô cùng căng thẳng và làm mẹ mệt mỏi. Nó khiến mẹ không thể tận hưởng niềm hạnh phúc khi có con của mình, vì cứ phải "chăm chăm" vào những suy nghĩ xem làm sao thực hiện tốt việc này, việc kia. Mẹ hãy nhớ rằng, sự hoàn hảo có thể làm cho người ta đau khổ. Vì vậy, hãy chỉ nên làm một người mẹ tốt thôi, hãy dành nhiều thời gian, tình cảm cho bé cũng như tự tin về vai trò làm mẹ của mình.
6. Mất thăng bằng
Nếu mẹ chỉ tập trung vào một vai trò nào đó của cuộc sống để cố gắng "hoàn hảo hóa" nó, mẹ có thể bị mất thăng bằng. Điều đó chẳng tốt chút nào, bởi ngoài vị trí quan trọng được ưu tiên hàng đầu là một người mẹ, bạn còn là một người vợ, người em, con gái,... hay một nhân viên nữa. Đừng bao giờ quên những vai trò khác của mình để giúp cuộc sống cân bằng hơn.
7. Làm một người mẹ tiến bộ
Thay vì cố gắng là một người mẹ hoàn hảo, mẹ cố gắng để đạt tiến bộ trong mọi lĩnh vực khác. Một lần nữa, mẹ hãy nhớ rằng những sai lầm không hẳn là không tốt và mẹ không nên quá khắt khe với chính mình. Hơn nữa, mẹ không cần phải là một người mẹ lý tưởng, bé vẫn sẽ yêu thương mẹ vô điều kiện. Vì thế, hãy dành nhiều thời gian cho bé, cho gia đình và cả những "trọng trách" khác của mình để cuộc sống hài hòa hơn.