Giữa một 'rừng' sữa công thức cho trẻ, mẹ sẽ làm thế nào để chọn được loại tốt nhất, phù hợp nhất cho bé yêu?
Nguyên tắc cơ bản khi chọn sữa công thức cho trẻ
Đứng trước một rừng khổng lồ các nhãn hiệu sữa trong siêu thị, nhãn hiệu nào cũng quảng cáo những lợi ích tuyệt vời nhất cho bé yêu: tăng cường sức đề kháng, dễ tiêu hóa, giúp bé phát triển tối ưu,..., chắc hẳn cha mẹ có con lần đầu nào cũng thấy “choáng” và không biết phải bắt đầu từ đâu.
Một điều mà các bậc cha mẹ nên lưu ý, dù sữa công thức bạn chọn là loại nào thì nó cũng không thể bằng với sữa mẹ. Sữa mẹ luôn luôn là sự lựa chọn hoàn hảo nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, tất cả các loại sữa công thức đều phải tuân thủ, đáp ứng được những yêu cầu, tiêu chuẩn cần thiết cho sự phát triển của em bé. Đối với một em bé khỏe mạnh bình thường, không mắc vấn đề đặc biệt về sức khỏe thì nhãn hiệu sữa đắt hay rẻ không quan trọng bằng việc bé hấp thụ sữa đó có tốt không, có dễ dàng hay không.
Dưới đây là bản liệt kê các loại sữa công thức cho trẻ và ưu nhược điểm cũng như công dụng của từng loại để bố mẹ cân nhắc và tìm ra được loại sữa phù hợp nhất cho con yêu:
Các loại sữa công thức cho trẻ
Phân loại theo dạng kết cấu của sữa
- Sữa pha sẵn
Sữa pha sẵn là loại sữa công thức tiện lợi nhất vì không cần phải pha chế hay đong đếm, chỉ cần mở nắp và cho bé uống trực tiếp được. Khi bạn không chắc chắn được nguồn nước dùng để pha sữa có sạch hay không, đây sẽ là loại sữa sạch và phù hợp nhất cho trẻ. Tuy nhiên, đây cũng là loại sữa có giá thành cao nhất trong 3 loại sữa pha sẵn, sữa cô đặc và sữa bột.
Sữa pha sẵn dùng được trong khoảng thời gian rất ngắn – 48 tiếng đồng hồ kể từ ngày mở nắp.
- Sữa cô đặc
Loại sữa công thức này cần pha chung với nước. Sữa cô đặc thường ít đắt tiền hơn so với sữa pha sẵn và chiếm ít diện tích chỗ để hơn. Giá thành của sữa cô đặc vẫn đắt hơn sữa bột nhưng cách pha nhanh và tiện lợi hơn sữa bột.
- Sữa bột
Mỗi một loại sữa công thức đều có ưu điểm, nhược điểm, công dụng riêng để phù hợp với từng loại thể trạng của các bé. (Ảnh minh họa)
Sữa bột là lựa chọn kinh tế nhất cũng như thân thiện với môi trường nhất trong 3 loại sữa. Loại sữa này cũng tốn ít diện tích khi di chuyển hoặc khi lưu trữ trong nhà. Tuy nhiên, sữa bột sẽ mất nhiều thời gian hơn để pha khuấy, trộn tỷ lệ sữa bột và nước chính xác theo hướng dẫn sử dụng. Sữa bột để được 1 tháng kể từ ngày mở nắp.
Lưu ý: Chất hóa học bisphenol A (BPA) thường có trong vỏ hộp sữa. Sữa cô đặc đóng hộp vẫn chứa một lượng nhỏ BPA. Sữa bột được xem là lựa chọn an toàn hơn cả trong 3 loại sữa vì chứa rất ít BPA.
Phân loại theo thành phần có trong sữa:
- Sữa công thức có nguồn gốc sữa bò (Cow Milk Based Formula)
Sữa bò là thành phần chính được tìm thấy trong hầu hết các loại sữa công thức ngày nay và thích hợp với hầu hết các em bé. Loại sữa công thức có nguồn gốc từ sữa bò chứa hàm lượng carbohydrate, protein và chất béo cân đối, phù hợp với nhu cầu của trẻ.
- Sữa công thức có nguồn gốc từ đậu nành (Soy Based Formula)
Đối với những bé bị dị ứng với sữa bò, các bé có thể sử dụng sữa có nguồn gốc từ đậu nành. Loại sữa công thức này chứa nguồn đạm thực vật, dễ tiêu hóa hơn so với sữa bò. Bố mẹ cũng có thể dùng loại sữa này với những bé không dung nạp đường lactose vì sữa công thức có nguồn gốc đậu nành chứa carbohydrate dưới dạng sucrose hoặc glucose chứ không phải lactose.
- Sữa dành cho bé không dung nạp lactose (Lactose-Free Formula)
Nếu bé yêu nhà bạn mắc chứng bất dung nạp đường lactose, các bác sĩ sẽ khuyên mẹ sử dụng loại sữa này cho bé. Trong loại sữa này, đường lactose được thay thế bằng loại đường khác phù hợp với trẻ.
- Sữa đặc biệt dành cho trẻ sinh non
Trẻ sinh non, nhẹ cân được bác sĩ khuyên dùng loại sữa chuyện dụng riêng. Sữa này chứa nhiều protein, calories hơn và các chất béo dễ tiêu hóa hơn, giúp các bé sớm đạt được cân nặng chuẩn như các bạn đồng trang lứa.
- Sữa công thức thủy phân (Hydrolyzed Formula)
Đây là sữa dành cho các bé bị dị ứng hoặc khó hấp thụ chất dinh dưỡng. Trong loại sữa này, protein bị bẻ gãy thành nhiều mảnh nhỏ, giúp bé dễ tiêu hóa so với phân tử protein lớn. Bác sĩ dinh dưỡng cũng có thể tư vấn việc dùng sữa thủy phân cho bé hay nôn trớ.
- Sữa tăng cường sắt
Được ghi chú rõ ràng trên hộp sữa. Dòng sữa này phù hợp cho bé không bú mẹ liên tục nên cần được bổ sung sắt.
- Sữa giúp chuyển hóa tốt (Metabolic Formula)
Nếu bé mắc một bệnh nào đó hoặc có nhu cầu đặc biệt về dinh dưỡng, bác sĩ có thể cho bé dùng sữa giúp chuyển hóa tốt.