Đờm nhiều trong họng và mũi trẻ sơ sinh sẽ khiến bé khó thở, khó chịu, ngủ không sâu giấc. Vì vậy việc làm sạch đờm cho bé là hết sức quan trọng.
Do hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh còn non yếu cho nên bé thường bị cảm cúm khi thời tiết thay đổi dẫn đến cổ họng và mũi có nhiều đờm. Tình trạng đờm nhiều trong cổ họng và mũi có thể khiến bé thở khò khè, khó chịu, biếng ăn, khó ngủ.
Vì vậy cách làm hết đờm cho trẻ sơ sinh được nhắc đến dưới đây sẽ giúp bé dễ thở, thoải mái và ăn uống ngon miệng hơn.
1. Nguyên nhân gây ra đờm ở trẻ sơ sinh
Cảm cúm là nguyên nhân phổ biến gây đờm ở trẻ sơ sinh. (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển đờm trong cổ họng bé sơ sinh là do các loại bệnh nhiễm trùng bao gồm cảm lạnh và cảm cúm. Ngay cả khi bé đã khỏi viêm họng thì đờm vẫn tồn tại trong vài tuần. Đó là lí do việc thở khò khè phổ biến ở những bé bị ho.
Một số nguyên nhân khác gây ra đờm trong cổ họng ở bé sơ sinh là do phản ứng dị ứng theo mùa.
2. Cách làm hết đờm ở trẻ sơ sinh
Đờm trong cổ họng và mũi có thể khiến bé khó thở, biếng ăn, ngủ không sâu giấc. Vì vậy mẹ có thể thực hiện một số biện pháp sau để làm hết đờm cho bé.
- Sử dụng nước muối sinh lý
Nếu bé có đờm trong mũi mẹ có thể nhỏ nước muối sinh lí để giúp làm lỏng chất đờm. Sau đó mẹ dùng dụng cụ hút đờm chuyên dụng để làm sạch đờm trong mũi bé.
- Làm ẩm không khí
Việc sử dụng máy làm ẩm là cách tốt nhất để làm ẩm đường thở của bé và làm lỏng chất nhầy trong cổ họng giúp bé thở bình thường. Máy làm ẩm sẽ tạo ra hơi nước làm ẩm mũi giúp bé ho ra chất nhầy.
Bú mẹ thường xuyên là cách giúp trẻ hết đờm nhanh nhất. (Ảnh minh họa)
- Sử dụng tinh dầu
Để sử dụng tinh dàu làm sạch đờm trong cổ họng bé, mẹ cần hỏi ý kiến bác sĩ trước về các loại tinh dầu an toàn. Việc sử dụng tinh dầu thảo dược sẽ giúp bé thở dễ dàng hơn. Các loại tinh dầu thích hợp là tinh dầu bạch đàn, thông. Mẹ hãy nhỏ vài giọt tinh dầu vào máy làm ẩm không khí. Chúng sẽ giúp làm dịu và giảm tắc nghẽn đường hô hấp của bé.
- Bú mẹ thường xuyên
Khi bé bị đờm, ho do cảm cúm, mẹ cần cho bé bú nhiều sữa mẹ. Sữa mẹ sẽ cung cấp chất dinh dưỡng và tăng cường sức đề kháng của bé.
- Cho bé nằm gối đầu
Mẹ có thể kê một chiếc gối vừa phải để bé nằm khi ngủ. Như vậy bé sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
Theo BS.CKI. Trần Quốc Long cho biết trên báo Sức khỏe và Đời sống, có thể vỗ rung long đờm cho bé. Trường hợp bé ho có đờm, bằng cách vỗ rung, khum bàn tay lại rồi vỗ đều vào vùng lưng bé, phần giữa hai bả vai, làm nhịp nhàng liên tục và nên để bé nằm hoặc ngồi với tư thế đầu hơi dốc xuống.
Sau động tác này, bé có thể sẽ ho nhiều và nôn, khạc ra đờm, cần làm lúc bé đói, tốt nhất là buổi sáng ngủ dậy, khi bé chưa ăn gì.
Với những bé không tự khạc được đờm, mẹ có thể kích thích cho bé nôn, có thể bằng cách dùng khăn mỏng sạch lau nhẹ nhàng khoang miệng, lưỡi, kích thích nhẹ vào họng…
Bên cạnh cách làm hết đờm ở trẻ sơ sinh được nói ở trên, bố mẹ cần theo dõi diễn biến bệnh, nếu trẻ có dấu hiệu bệnh nặng như ho kèm sốt, đờm xanh hay vàng, khó thở, mệt nhiều, lờ đờ, bỏ bú, bỏ ăn,… cần đưa bé tới bệnh viện để được khám và kê đơn thuốc điều trị phù hợp.
Mời độc giả gửi những video ngộ nghĩnh của các bé trong độ từ 0-10 tuổi kèm thông tin cơ bản về hòm mail: lamme@eva.vn. Ban biên tập sẽ lựa chọn những clip hay nhất để chia sẻ trên chuyên mục Làm mẹ. |