Mẹ Nhật Nam: Từng viết thư gửi cô giáo lớp 1 để mong giữ nếp thuận tay trái cho con

Ngày 13/08/2018 15:31 PM (GMT+7)

Chị Phan Hồ Điệp đã có những chia sẻ về những bí kíp của bản thân để cha mẹ có thể đồng hành cùng con, biết cách truyền cho con nguồn năng lượng trong năm học mới, giúp con giải tỏa áp lực, nhận ra việc học không phải là cuộc chiến.

Chỉ còn gần 1 tháng nữa, hàng triệu học sinh trong cả nước sẽ chính thức bước vào năm học mới 2018-2019. Tuy nhiên, việc trở lại trường học để các con thích nghi và cảm thấy hứng thú sau hơn một tháng nghỉ hè không phải là điều dễ dàng.

Hiểu được điều đó, chị Phan Hồ Điệp - mẹ của cậu bé "thần đồng" Đỗ Nhật Nam đã có những chia sẻ kinh nghiệm cho các bậc phụ huynh trong việc truyền nguồn năng lượng năm học mới, giúp con giải tỏa áp lực học hành, nhận ra việc học tập không phải là một cuộc chiến trong hội thảo “Trao con niềm vui năm học mới".

Mẹ Nhật Nam: Từng viết thư gửi cô giáo lớp 1 để mong giữ nếp thuận tay trái cho con - 1

Chị Hồ Điệp là giảng viên khoa giáo dục đặc biệt, Đại học Sư phạm Hà Nội.

Theo chị Điệp, niềm vui năm học mới dành cho con xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài, bất kỳ cha mẹ nào cũng có thể thực hiện được mà không cần phải là nhà giáo dục cao siêu.

1. Yếu tố bên ngoài

- Cha mẹ hãy nói chuyện với con về trường lớp, về thầy cô giáo nhiều

Cha mẹ không chỉ nói tất cả những điều con nhìn thấy mà nên nói chuyện về khía cạnh mới mẻ của ngôi trường sau một thời gian nghỉ học. Bố mẹ nên gợi mở như “Con xem ở trường có khu nào mới được xây dựng thêm không?” hoặc “Con để ý xem cây trong trường bây giờ như thế nào?”…

Bố mẹ nên nói những điều khác biệt hoặc nguyên tắc của nhà trường vì tất cả các bạn nhỏ rất cần sự chuẩn bị về điều đó, đặc biệt những bạn nhỏ bước vào lớp 1. Bố mẹ hãy nói về việc con sẽ được học một cô gáo và được học theo từng tiết, mỗi tiết kéo dài 30-45 phút, phải ngồi thật nghiêm túc. Bố mẹ nên nhớ nhấn mạnh rằng “Vì con đã lớn rồi” bởi tâm lý của các bạn nhỏ rất mong muốn trở thành người lớn.

Trong tất cả cuộc nói chuyện để khơi gợi niềm vui trong năm học mới, bố mẹ hãy cố gắng nhấn mạnh về việc thay đổi về thể chất lẫn tinh thần, tri thức để con thấy rằng con có bước thay đổi nhảy vọt và lớn rồi.

- Thực hiện việc làm đơn giản của bố mẹ dành cho con

Trước một năm học mới, mình và bố Nam sẽ đi mua đồ dùng học tập cho con để Nam thấy được việc học của con rất quan trọng với bố mẹ và bố mẹ thực sự lưu tâm điều đó.

Khi đi mua về, mình để riêng 10 quyển vở để bọc cho con và cầu kỳ trong việc chọn bìa. Nam thích món ăn nên mình lấy bìa từ tạp chí ẩm thực của nước ngoài rồi sau đó bọc bên ngoài. Mỗi một nhãn vỡ mình lại vẽ hình khác nhau như bông hoa, ô tô để mong muốn ngày nào con đến trường cũng sẽ nhìn thấy dấu ấn của bố hoặc mẹ. Đến bây giờ việc làm này vẫn duy trì khi Nam đi học ở Mỹ. Đó như một nghi lễ của gia đình trong đầu năm học mới của con mặc dù mua trên mạng rẻ và tốt nhưng gia đình mình vẫn muốn thực hiện điều đó.

- Chuẩn bị về mặt quần áo, đồ dùng cho con

Mặc dù con mặc đồng phục hết nhưng bố mẹ có thể mua thêm phụ kiện trên đồng phục của con. Đặc biệt, ngày khai giảng năm học mới, bố mẹ đừng quên bóng bay, cờ vì trẻ con rất thích điều đó.

Mẹ Nhật Nam: Từng viết thư gửi cô giáo lớp 1 để mong giữ nếp thuận tay trái cho con - 2

Cha mẹ hãy nói chuyện với con về trường lớp, về thầy cô giáo nhiều trước mỗi một năm học mới.

2. Yếu tố bên trong

- Tìm hiểu về những giáo viên dạy con

Điều này đặc biệt quan trọng với những bạn tiểu học vì cô giáo có vai trò to lớn là cả một bầu trời.

Bố mẹ cũng cần tìm hiểu cô giáo thuộc tuýp người nào: nghiêm khắc hay dịu dàng để có cách trò chuyện với con được tốt hơn.

Tìm hiểu giáo viên không chỉ giúp cho con mà còn giúp bố mẹ có cách nhìn nhận. Nhiều người ít tiếp xúc với giáo viên hay chỉ gặp ngày lễ tết, điều đó không nên vì giáo viên cũng rất cần sự hỗ trợ từ phía phụ huynh và chờ đợi kênh giao tiếp từ phía phụ huynh.

Vào năm Nam học lớp 1 vì con thuận tay trái, không đi học trước như các bạn và mình muốn giữ tay thuận cho con nên đã viết thư cho cô giáo. Đến bây giờ cô giáo vẫn giữ vì đó là lần đầu tiên cô nhận lá thư dài từ phía phụ huynh. Kênh giao tiếp của mình với cô giáo thường là viết thư thay vì gặp trực tiếp.

Lưu ý các phụ huynh là khi muốn phàn nàn về giáo viên không nên nói trước mặt con vì điều đó chỉ làm con chán học chán trường, lớp mà hãy luôn xây đắp cho con nhìn ra điểm tích cực của trường, cô giáo.

- Bố mẹ hãy tương tác với giáo viên

Đây là cách tốt nhất để làm con hiểu, mọi hoạt động của con ở trường đều có sự hiểu biết và giám sát của bố mẹ. Điều này sẽ giúp con tập trung hơn trong quá trình học.

- Bố mẹ đừng bỏ lỡ những hoạt động trong nhà trường và hoạt động cộng đồng của con

Nếu được, bố mẹ hãy tham gia để con cảm thấy được bố mẹ có vị trí, vai trò như thế nào.

- Không nên chỉ hỏi điểm số và thành tích trong quá trình trò chuyện với con

Trẻ còn muốn mẹ hiểu quá trình chơi của con, nhóm bạn của con và cả nỗi buồn của con mỗi khi đến lớp nữa. Vì thế, bố mẹ hãy cố gắng hỏi nhiều hơn.

Bố mẹ cũng không nên quá tập trung những điểm tiêu cực của con ở trường. Bố mẹ hãy nhìn thứ trẻ làm được trước rồi hãy nhìn thứ trẻ không làm được để trẻ không bị sợ dẫn đến việc nói dối.

Mình có nghi thức, con đi học về ngồi chờ xe sẽ làm bài tập tối thiểu nhất trong khoảng thời gian đó. Khi đi học về, con đặt cặp xuống là 2 mẹ con ngồi trò chuyện với nhau. Mình dành 10 phút ngồi đối diện trò chuyện với con để đọc cảm xúc thông qua nét mặt, đôi mắt.

15 phút sau, con cùng mẹ làm bếp và nói chuyện về trường lớp. Ngày nào cũng vậy, thậm chí, tối hai mẹ con đi dạo cũng nói về trường. Mình hỏi câu tỉ mỉ như ra chơi hết tiết con chơi trò gì, với bạn nào, ai thua ai thắng, con có mệt không? Hay cô giáo hôm nay mặc váy gì, có giống váy của mẹ không?

Trẻ con quan sát rất giỏi, điều đó tốt cho việc quan sát và phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Thông qua trò chuyện, quan sát, miêu tả, môn văn của con sẽ tốt hơn.

Mẹ Nhật Nam: Từng viết thư gửi cô giáo lớp 1 để mong giữ nếp thuận tay trái cho con - 3

Cùng con tham gia các hoạt động ở trường cũng là cách giúp con tạo niềm vui năm học mới.

- Bố mẹ hãy luôn là người hiểu biết về nhà trường của con, không phải thờ ơ đứng ngoài.

- Bố mẹ giúp con cảm nhận được niềm vui của học hành

 Vì sao trẻ con mê chơi game vì game hấp với dẫn hình ảnh màu sắc hấp dẫn, chơi theo đúng trình độ. Vì vậy, bố mẹ muốn con học mà vui thì hãy game hóa học. Trẻ con rất cần thời gian biểu và thực hiện sớm càng tốt. Đặc biệt, cha mẹ hãy tạo con thời gian biểu khoa học, mẹ riêng, con riêng để không chạy theo con và làm kiên nhẫn.

Game hóa việc học bằng việc cho con chọn môn học mình thích hay còn gọi là học buffet, thực hiện thông qua hình thức khác nhau. Ngoài ra, cha mẹ cố gắng biến nhiệm vụ học tập trở nên thú vị hơn thông qua nhiều trò chơi như bingo đọc sách, bingo làm toán, bingo viết văn. Khi con làm được 5 hàng dọc hay 5 hàng ngang, phần thưởng là sẽ được đi mua sách để con thấy học rất vui, hay ho, không phải giúp bố mẹ hay trách nhiệm của con.

- Ngoài ra, bố mẹ cho con tham gia các cuộc thi kiểm tra bản thân không có tính cạnh tranh cao, để con luôn vui vẻ, không quan trọng điểm số.

Mẹ Nhật Nam: Từng viết thư gửi cô giáo lớp 1 để mong giữ nếp thuận tay trái cho con - 4

Không bao giờ được nói xấu trường lớp trước mặt con.

- Bố mẹ không nên cố gắng trở thành người thầy của con, hãy để con làm thầy vì đứa trẻ rất mong muốn được trưởng thành. Đôi khi việc cha mẹ không biết hay tỏ ra không biết lại kích thích sự tìm hiểu của trẻ. Và khi kiểm tra sản phẩm hãy nhận xét cả một quá trình của con.

Bố mẹ cũng không nên nói câu “Đến giờ học rồi, đi học bài đi” mà hãy diễn đạt bằng cách khác để con thoải mái hơn khi ngồi bàn học như “Nam ơi liệu hôm nay em học đến mấy giờ xong? Nam ơi, có nhiều bài tập cần phải làm không, có khi mình làm bây giờ là phù hợp ấy nhỉ?”

Tuy nhiên, khi con muốn tìm hiểu đời sống xung quanh, bố mẹ hãy đóng vai trò một người thầy để định hướng, dẫn dắt con.  

Mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam chia sẻ cách để con không say mê thiết bị điện tử
Chị Phan Hồ Điệp - mẹ thần đồng Nhật Nam đã có những chia sẻ liên quan đến câu hỏi "có nên cho con dùng điện thoại thông minh, iPad không?
Hồng Nhung
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Con vào lớp 1