Mẹ Việt chia sẻ kho công thức hàng chục món sữa hạt ngon bổ

Ngày 19/02/2016 00:06 AM (GMT+7)

Để bổ sung thêm dinh dưỡng cho con thời kì ăn dặm, mẹ Sóc đã tận dụng nguồn các loại hạt sen, đậu, vừng,... vừa rẻ vừa ngon làm thành sữa cho con uống.

Là mẹ của một bé trai 18 tháng tuổi, chị Vũ Thị Thanh Hương (hiện đang sống tại TP Hồ Chí Minh) luôn quan tâm đến vấn đề làm sao để chăm sóc cho con có chế độ dinh dưỡng tốt nhất. Sau 6 tháng đầu cho con bú mẹ hoàn toàn, chị Hương bắt đầu cho con ăn dặm theo phương pháp Baby Led Weaning và tìm hiểu thêm về các loại sữa cho con uống.

Lo ngại chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh hay hormone tăng trưởng trong đó nên thay vì sử dụng sữa bò, chị Hương đã tìm đến nguồn các loạt hạt, củ sạch từ thiên nhiên như hạt sen, vừng, đậu đỏ, đậu xanh, khoai tím, ngô,... rất dễ kiếm, dễ làm, lại an toàn và có hương vị thơm ngon, hấp dẫn các bé ăn ngon chóng lớn.

Đến nay, chị đã sở hữu một kho công thức sữa gồm hàng chục món có thành phần hoàn toàn từ thực vật, vừa thơm ngon, mát lành lại bổ dưỡng, được đông đảo các bà mẹ khác ủng hộ, chia sẻ và học tập theo.

Mẹ Việt chia sẻ kho công thức hàng chục món sữa hạt ngon bổ - 1

SỮA HẠT SEN VÀ KHOAI LANG MẬT: Công thức cho 1 lít sữa: 100gr hạt sen, 200gr khoai lang mật. Ngâm hạt sen 45'-60' trước khi nấu, khoai lang gọt vỏ, cắt khoanh nhỏ, sau đó cho hạt sen cùng 1 lít nước nấu trước, đến khi sôi khoảng 15' thì cho khoai lang vào nấu chung.Đến khi hơi mềm thì tắt bếp và cho hết vào máy xay xay nhuyễn. Sữa có vị ngọt bùi của khoai lang, rất dễ uống. Sóc uống 1 hơi hết 200ml mà chưa đã thèm.

Mẹ Việt chia sẻ kho công thức hàng chục món sữa hạt ngon bổ - 2

SỮA YẾN MẠCH: Sóc rất thích món sữa này, một ngày tu ti hết 500ml sữa yến mạch, món này lại dễ làm nhất trong các loại sữa thảo mộc nữa vì không phải nấu. Công thức cho 1l sữa:  100g yến mạch cán nguyên hạt, 1l nước đun sôi còn ấm. Ngâm yến mạch qua đêm với nước đun sôi để nguội, thay nước 1-2 lần (nếu là loại yến mạch cán mỏng, vụn thì chỉ cần ngâm khoảng 4 tiếng), sau đó rửa vài lần với nước đun sôi để nguội luôn cho bớt nhớt, do sữa này không cần nấu nên dùng nước đã đun rồi rửa cho sạch. Sau khi rửa xong thì cho vào máy xay sinh tố cùng 1l nước ấm, xay nhuyễn, mịn và uống.

Mẹ Việt chia sẻ kho công thức hàng chục món sữa hạt ngon bổ - 3

SỮA BẮP NGỌT VÀ MÈ TRẮNG - Mè trắng 20g, ngâm 6 tiếng (hoặc qua đêm). Bắp bóc vỏ, bỏ râu, bào hạt. Cho hạt bắp, cùi bắp và mè vào nấu chung. Khi nào sôi thì hạ nhỏ lửa, đun tới khi bắp chín, sau đó vớt cùi bắp ra và cho vào máy xay, cho thêm nước vào xay nhuyễn. Lọc bã và cho thêm xíu đường vào uống.

Mẹ Việt chia sẻ kho công thức hàng chục món sữa hạt ngon bổ - 4

SỮA HẠT SEN, BÍ NGÔ - Nguyên liệu: bí ngô, hạt sen tươi, một khoanh dứa và vài hạt kỷ tử. 100gr hạt sen, 100gr bí ứng với 500ml nước. Ngâm hạt sen trước khi nấu 45-60phút. Sau đó cho vào nồi ninh tất cả cho đến khi bí và hạt sen mềm. Khi ninh xong chỉ xay bí và sen, dứa và kỷ tử vớt bỏ.Cho thêm đường tuỳ khẩu vị (dùng đường thốt nốt hoặc đường phèn thì uống có vị ngọt thanh, ngon hơn).

Xin trích một số chia sẻ của chị Hương về kinh nghiệm làm món sữa hạt bổ dưỡng cho các bé:

Kinh nghiệm làm sữa hạt cho bé của mẹ Sóc (trích)

THỜI ĐIỂM BẮT ĐẦU CHO BÉ UỐNG SỮA HẠT

Sóc nhà mình bắt đầu uống sữa hạt từ lúc hơn 6 tháng, 6 tháng đầu bé bú mẹ hoàn toàn (và đến bây giờ thì bé vẫn còn bú mẹ), khi tròn 6 tháng thì mình cho bé ăn dặm theo phương pháp BLW (ăn dặm tự chỉ huy), bé ăn thô ngay từ đầu và tự chủ trong ăn uống, có lẽ nhờ vậy mà nhiều loại sữa mình làm đặc hay không lọc bã thì bé đều uống tốt.

CHO BÉ UỐNG SỮA GÌ?

Loại sữa đầu tiên mình chọn cho bé là sữa hạt sen, lần đầu tiên mình làm rất loãng, kiểu như giống nước nhưng có thêm màu và chút vị hạt sen, bé uống ngon lành luôn, kế đó là mình bắt đầu phối hợp hạt sen với bí đỏ, khoai lang.Ban đầu mình chỉ làm ít, đủ uống trong ngày chứ không trữ qua đêm, vì giai đoạn này hệ tiêu hoá của bé bắt đầu làm quen với thức ăn nên cần được ăn ấm, uống ấm.

Một loại sữa khác cũng thích hợp để bắt đầu cho bé là sữa yến mạch, sữa này dễ uống và ko nồng vị.
Thời gian đầu thì 1 tuần cho bé uống 1-2 lần, mỗi lần uống ít thôi (tuỳ vào bé uống được bao nhiêu chứ không nên ép bé), nếu bé hợp tác tốt thì các mẹ tăng liều lượng và tăng độ thường xuyên lên.

Các loại sữa như sữa bắp (tránh chọn bắp Mỹ vì toàn là GMO), sữa mè, sữa kê, sữa đậu xanh, đậu đỏ, đậu phộng đều thích hợp cho bé dưới 1 tuổi.

Các loại hạt như: hạnh nhân, hạt điều, hạt bí, macca, óc chó, hồ đào,... thì trên 1 tuổi mới nên cho bé dùng là tốt nhất.

Giai đoạn dưới 10 tháng thì các loại sữa nên lọc bã, sau đó thì có thể tuỳ theo bé mà lọc hoặc không lọc.
Và dĩ nhiên là dưới 1 tuổi thì không nên nêm nếm gì vào đồ ăn hay đồ uống của bé, nếu các mẹ thích thêm vị ngọt thì có thể nấu cùng với mía hoặc các loại trái cây có vị ngọt tự nhiên (như táo, lê, mít...).

Còn khi bé trên 1 tuổi, nếu các mẹ muốn thêm đường thì có thể dùng các loại đường nguyên chất, tránh dùng đường cát trắng tinh luyện.

LOẠI MÁY XAY

Các mẹ có thể dùng máy làm sữa đậu nành để làm thì sẽ tiết kiệm thời gian hơn, vì máy nấu, xay và lọc luôn, tuy nhiên chỉ làm được dung lượng ít, nếu bỏ nhiều nguyên liệu thì máy bị quá tải và dễ bị cháy.

Giờ thì mình làm bằng máy xay sinh tố. Loại máy mình chọn là máy dung tích 1,5L, cối thuỷ tinh, công suất 500W, xay được đá cục.
Và nói chung thương hiệu máy xay sinh tố thì nhiều, các mẹ tuỳ ý chọn lựa, chỉ cần chọn loại công suất 500W trở lên là được, xay sẽ nhuyễn và mịn hơn.

BẢO QUẢN SỮA

Sữa hạt làm xong có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh được 2-3 ngày (có sữa để được 4-5 ngày như sữa hạnh nhân).

Tuy nhiên, mình thấy uống ngon nhất là trong vòng 2 ngày. Mình thường làm 1 lít và uống trong 2 ngày, bé uống không hết thì mẹ uống.

Sữa nên để trong chai thuỷ tinh hoặc nếu chai nhựa thì dùng loại BPA free và được chế biến để chịu được nhiệt (nếu có bị lạnh quá hay nóng quá thì thực phẩm trong chai không bị biến chất, gây độc).

Một điều quan trọng nữa là thực phẩm nào dùng nhiều cũng không tốt, vì vậy 1 loại sữa các mẹ nên cho bé uống liên tục tối đa là 1 tuần, sau đó nên thay đổi đa dạng để bé có thể hấp thu nhiều nguồn dinh dưỡng và không bị ngán.

                                                                                                                           Vũ Thị Thanh Hương

Gia Thành
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Món ngon cho bé