Nhìn con gái yêu bụ bẫm nằm ngủ ngon lành, mẹ xót xa nhớ lại lời bác sĩ: “Con gái béo phì cấp độ 2 rồi nhé!”
Bố và mẹ yêu nhau được 5 năm rồi quyết định cưới. Hai bố mẹ đã lập kế hoạch với nhau là cưới xong sẽ sinh em bé luôn vì mẹ rất thích trẻ con. Trớ trêu thay, 3 năm sau ngày cưới, bố mẹ vẫn chưa được gặp con. Họ hàng hai bên sốt ruột một thì mẹ sốt ruột mười. Có bao nhiêu loại thuốc bổ, bao nhiêu mẹo dân gian được mẹ áp dụng hết mà vẫn không thành công. Những tưởng đã hết hi vọng, mẹ quyết định buông xuôi và không cố gắng nữa. Kì diệu thay, ngay lúc mẹ chán nản nhất thì những dấu hiệu đầu tiên xuất hiện. Mẹ vội đi thử máu kiểm tra và vỡ òa sung sướng khi biết con gái cuối cùng đã đến bên mẹ.
Khỏi phải nói cả nhà đã hạnh phúc như thế nào. Suốt 9 tháng có bầu, mẹ luôn cố gắng ăn uống kiêng khem đầy đủ và đạt được kết quả “mỹ mãn” là cô con gái xinh xắn nặng 3 cân 7.
Thật không may, hi vọng bao nhiêu thì mẹ lại thất vọng khi mình không đủ sữa cho con bú. Cố gắng mãi mà có ngày mẹ chỉ vắt được 50ml sữa. Cực chẳng đã, bố mẹ đành cho con ăn sữa công thức. Hồi đó mẹ bị ám ảnh bởi hình ảnh những em bé bụ bẫm, có da có thịt. Sợ không được bú sữa mẹ con sẽ còi nên loại sữa nào đắt tiền và giúp con tăng cân tốt nhất đều được mẹ tích góp để mua cho con. Đến khi con được 4 tháng, sợ con không đủ chất vì ăn sữa ngoài, mẹ lại mua thêm các thực phẩm dinh dưỡng đóng lọ để con làm quen và tiếp thu thêm tinh bột. Mẹ còn bổ sung cả bột pha sữa của Pháp vào sữa cho con bú để con ăn được nhiều hơn. Thấy con có vẻ hứng thú món váng sữa, mẹ liền chiều theo và trữ sẵn 1 thùng ở nhà cho con ăn dần. Cứ khi nào thấy con có vẻ muốn ăn là mẹ đáp ứng ngay. Thời gian ấy, cứ mỗi 2 tiếng con lại ăn một bữa, mẹ cứ nghĩ như thế là bình thường. Và kết quả là, được 6 tháng nhưng con đã nặng gần 10 cân và nhìn lớn hơn hẳn các bạn cùng tháng. Khi thử cân cho con, mẹ ngu ngốc đến nỗi cảm thấy hãnh diện về số cân nặng đó mà không biết rằng mình đang ngầm hại con.
Mọi chuyện cứ thế tiếp diễn khi con biết ăn dặm. Con mẹ ăn được, mà lại thích ăn, nên mẹ tích cực mua nào là pho mát trứng tôm của Nga, ruốc cá hồi của Nhật, thịt bò của Úc … về nấu cháo cho con. Một ngày con ăn được 3 bữa cháo, chưa kể đến váng sữa, pho mát viên hoa quả và các bữa sữa công thức. Nhìn con càng bụ bẫm, bao nhiêu, mẹ lại càng có động lực để nấu cho con bấy nhiêu. Con gái mẹ còn rất thích xem ti vi, vậy là cứ khi nào muốn, mẹ lại bật ti vi cho con xem thoải mái, có hôm, vì xem ti vi mà con ăn được những 1 bát ô tô cháo đầy trong vòng chưa đầy 5 phút.
Có lẽ cả nhà mình đều trông “đẫy đà” một chút nên cả ông bà nội ngoại cũng thấy cân nặng của con là bình thường. Thậm chí còn đi khoe khắp xóm và tự hào so sánh cân nặng với mấy đứa bé nhà bên cạnh. Lúc ấy mẹ còn tỏ ra thích thú vì mình “chăm con giỏi”.
Mọi chuyện chỉ chấm dứt khi nhà mình có ông trẻ ở Mĩ về thăm. Ông đã nghe kể về con nhiều, nên nhân dịp về nước, ông nhất định phải đến “mục sở thị” đứa cháu yêu. Trái lại với sự háo hức muốn khoe con của cả nhà, ông nhìn cháu và mắng mẹ sao lại để con béo thế này? Mẹ mới ngỡ ngàng không hiểu tại sao ông nói thế, vì mẹ thấy, trẻ con càng bụ bẫm càng đáng yêu. Khi biết con hơn một tuổi và nặng 18 cân, ông trẻ liên tục phàn nàn và bắt mẹ đi khám dinh dưỡng cho con. Một phần vì nể ông, một phần vì muốn chứng minh cân nặng của con hoàn toàn bình thường, mẹ mới cho con đi khám và tá hỏa khi bị bác sĩ mắng sao lại để con thừa cân nhiều thế này.
Làm sao mẹ nỡ để một đứa bé hai người đút cháo một lúc mới kịp phải ăn kiêng đây (ảnh minh họa)
Sau một buổi khám, mẹ hốt hoảng khi biết mình sẽ phải cho con ăn kiêng. Làm sao mẹ nỡ để một đứa bé hai người đút cháo một lúc mới kịp phải ăn kiêng đây? Đi khám về, nhìn con gái yêu bụ bẫm nằm ngủ ngon lành, mẹ xót xa nhớ lại lời bác sĩ: “Con gái béo phì cấp độ 2 rồi nhé!”
Bây giờ mẹ thật sự hối hận vì đã nuôi con thiếu khoa học để con phải chịu khổ. Giá như mẹ có thể làm lại từ đầu…