Theo Ths. Bs Nội trú Nguyễn Tiến Hải, khi trẻ sơ sinh bị sổ mũi, trẻ sẽ bị nghẹt mũi, hắt hơi và bắt đầu chảy mũi trong.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Hải chia sẻ về cách điều trị sổ mũi cho trẻ sơ sinh.
Sổ mũi là một triệu chứng rất phổ biến ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, thường là không nghiêm trọng. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh bị sổ mũi không chỉ gây khó chịu, khiến trẻ quấy khóc, kém ăn mà còn dễ dẫn tới biến chứng viêm họng, viêm phế quản, viêm tai giữa nếu không điều trị dứt điểm ngay khi trẻ mới chớm có triệu chứng.
Sổ mũi không nghiêm trọng nhưng sẽ khiến cho trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ sơ sinh khó chịu, quấy khóc. (Ảnh minh họa)
Dưới đây, Ths. Bs Nội trú Nguyễn Tiến Hải sẽ chia sẻ về cách trị sổ mũi cho trẻ sơ sinh tại nhà.
1. Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị sổ mũi
Ths.Bs Nội trú Nguyễn Tiến Hải. |
Trẻ sơ sinh bị sổ mũi nguyên nhân hay gặp có thể là do con nằm điều hòa hoặc lây cảm cúm của các bé khác, người thân trong gia đình, những người đến chơi, thăm nom.
2. Biểu hiện trẻ sơ sinh bị sổ mũi
Khi trẻ sơ sinh bị sổ mũi, trẻ sẽ bị nghẹt mũi một xíu, hắt hơi và bắt đầu chảy mũi trong.
Thông thường, đa số những trường hợp trẻ sơ sinh bị sổ mũi hay gặp như vậy.
Ngoài ra, một số trường hợp khác ở trẻ sơ sinh có thể gặp là chảy mũi xanh một chút hoặc mũi đặc xanh. Một số trường hợp bé nhiễm khuẩn ở mũi có thể gặp mủ hoặc mũi xanh đặc.
3. Cách trị sổ mũi cho trẻ sơ sinh
Khi trẻ sơ sinh bị ốm, sổ mũi, việc điều trị khó hơn trẻ lớn, đặc biệt là việc dùng thuốc uống cho trẻ sẽ gây ra các vấn đề rối loạn tiêu hóa nhiều hoặc nôn trớ. Chính vì vậy, khi trẻ bị sổ mũi, việc đầu tiên cha mẹ nên làm là chăm sóc mũi của con và hút mũi của con.
Việc rửa mũi rất quan trọng để làm sạch sâu lỗ mũi cho trẻ, làm sao rửa hết dịch mũi phía trước và dịch mũi phía sau khi trẻ bị sổ mũi. (Ảnh minh họa)
Mũi của trẻ có 2 lỗ mũi, lỗ mũi bên phải và lỗ mũi bên trái. Ngoài dịch mũi chảy ra mũi phía trước, ở phía sau mũi còn có rất nhiều dịch mũi. Đó chưa kể, một số trường hợp dịch mũi chảy ra ở phía sau mà không chảy ra phía trước. Chính vì vậy, việc rửa mũi rất quan trọng để làm sạch sâu lỗ mũi cho trẻ, làm sao rửa hết dịch mũi phía trước và dịch mũi phía sau (Xem video cách hút cho trẻ sơ sinh phía dưới).
Với những mẹ chỉ nhỏ nước muối một bên mũi và hút luôn bên đó thì chỉ hút được dịch mũi phía trước mà không hút được dịch mũi phía sau. Điều này vẫn khiến dịch mũi phía sau chảy xuống họng, khiến trẻ ho, khò khè, khọt khẹt, lúc nào cũng có cảm giác có đờm mà không ra được.
4. Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị sổ mũi bố mẹ nên làm gì?
Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị sổ mũi bố mẹ cũng không nên lo lắng nếu trẻ bị chảy trong thì mẹ nên rửa mũi. Còn nếu trẻ chảy mũi xanh hoặc đục, cha mẹ nên cho con đi khám sớm.
5. Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi bị sổ mũi phải làm sao?
Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi bị sổ mũi, bố mẹ cũng không nên lo lắng và xử trí như trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị sổ mũi. Lưu ý, bố mẹ không nên dùng miệng hút mũi cho con vì điều này dễ lây bệnh cho con. Mặc dù, mẹ không biểu hiện bệnh nhưng nhiều khi lại mang nguồn bệnh lây cho con.
6. Trẻ sơ sinh bị sổ mũi có nên tắm không?
Trẻ sơ sinh bị sổ mũi bố mẹ vẫn nên tắm cho con bình thường, không cần phải kiêng khem tắm rửa. Điều quan trọng khi trẻ sơ sinh bị sổ mũi, bố mẹ chăm sóc mũi của con và hút mũi của con đầu tiên.
7. Trẻ bị sổ mũi kéo dài nên chữa trị ra sao?
Trẻ bị sổ mũi kéo dài, ngoài việc bố mẹ cần vệ sinh rửa mũi tích cực cho trẻ, bố mẹ nên cho trẻ đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân viêm của bé và điều trị. Mũi chảy kéo dài ngoài gây ho còn hay gây viêm tai ở trẻ.
8. Cách hút mũi cho trẻ sơ sinh
Video cách hút mũi cho trẻ sơ sinh của mẹ Tây do bác sĩ Hải chia sẻ lại.
Khi hút mũi, cha mẹ nên kiểm tra mũi con có thông không. Nếu mũi con đã thông rồi, các mẹ nhỏ nước mũi một bên và đặt dụng cụ hút mũi vào bên mũi còn lại.
Ví dụ, mẹ nhỏ nước mũi bên phải thì phải đặt dụng cụ hút mũi bên trái. Khi hút từ bên phải sang bên trái thì dịch nước muối sẽ chảy từ phía trước mũi ra phía sau mũi bên trái, tiếp đó sang phía sau mũi bên bên phải và ra vùng hút mũi.
Với chu trình này, các mẹ đã rửa được 2 mũi sạch sẽ cho con, dịch mũi của con cũng hết. Lưu ý, khi các mẹ hút mũi nên đặt ống hút mũi một bên và nhỏ nước muối một bên mũi cho con thì việc hút mũi mới hiệu quả.
Khi các mẹ hút mũi nên đặt ống hút mũi một bên và nhỏ nước muối một bên mũi cho con thì việc hút mũi sẽ hiệu quả. (Ảnh minh họa)
Việc rửa mũi như vậy sẽ giúp trẻ cảm giác thông mũi, giảm khò khè, khọt khẹt, cảm giác đờm ở cổ. Bên cạnh đó, trẻ sẽ ngủ ngoan, đỡ nôn trớ, dễ chịu hơn. Khi dịch mũi giảm đi, các vấn đề dịch chảy xuống họng gây ho hoặc có thể viêm đường hô hấp dưới, viêm phế quản ở trẻ sơ sinh cũng sẽ được dự phòng và được cải thiện.