Cách trị sổ mũi cho bé tốt nhất là việc vệ sinh mũi hàng ngày bằng nước muối sinh lý sạch.
Do sức đề kháng của trẻ nhỏ còn non yếu nên bé rất dễ bị cảm lạnh dẫn đến sổ mũi khi thời tiết thay đổi. Khi bé bị sổ mũi mẹ không cần quá lo lắng. Mẹ chỉ cần xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh và biết cách trị sổ mũi cho bé kịp thời.
1. Nguyên nhân bé bị sổ mũi
Điều quan trọng khi bé bị sổ mũi là mẹ cần tìm hiểu chính xác nguyên nhân gây bệnh. Sau đây là những nguyên nhân phổ biến khiến bé bị sổ mũi:
- Dị ứng: Bé bị chảy nước mũi, kèm theo hắt hơi, mắt đỏ và ngứa.
- Tiếp xúc với thời tiết lạnh: Bé có thể bị sổ mũi do tiếp xúc với thời tiết lạnh hoặc do ăn cay.
Cảm lạnh là lí do phổ biến khiến bé bị sổ mũi. (Ảnh minh họa)
- Cảm lạnh thông thường: Khi bị cảm lạnh bé sẽ bị sổ mũi kèm theo sốt nhẹ, đau họng, ho, chảy nước mắt, hắt hơi.
- Cúm: Cúm cũng gây sổ mũi kèm theo các triệu chứng như ớn lạnh, đau cơ, đau họng, chóng mặt và chán ăn.
- Vật lạ kẹt trong mũi: Nếu trong mũi bé có vật lạ thì bé cũng có thể bị chảy nước mũi kèm theo chảy máu và đau.
2. Cách trị sổ mũi cho bé
Sổ mũi có thể khiến bé khó chịu và ảnh hưởng đến việc ăn ngủ của bé. Mẹ có thể trị sổ mũi cho bé theo các cách sau:
- Nước muối sinh lý: Vệ sinh mũi bé hằng ngày bằng nước muối sinh lý sẽ giúp ngăn ngừa sổ mũi. Nước muối có khả năng làm loãng chất nhờn giúp bé dễ chịu hơn. Đồng thời, sau khi nhỏ mũi cho bé, mẹ có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút chất nhầy. Phương pháp điều trị đơn giản này sẽ giúp bé hô hấp dễ dàng hơn.
- Cho bé uống nhiều chất lỏng: Khi bé bị sổ mũi mẹ nên cho bé uống nhiều chất lỏng. Nước, nước trái cây, sữa, súp sẽ giúp làm loãng chất nhầy trong mũi.
Tắm nước ấm giúp bé hô hấp dễ dàng hơn. (Ảnh minh họa)
- Tắm nước ấm: Tắm nước ấm cũng là một cách trị sổ mũi cho bé hiệu quả. Hơi nước sẽ giúp chất lỏng loãng ra và giúp bé hô hấp bình thường. Nếu bé trên 2 tuổi, mẹ có thể thêm một hoặc hai giọt tinh dầu khuynh diệp hoặc hoa oải hương vào nước tắm.
- Trà gừng: Mẹ có thể pha cho bé một tách trà với một ít gừng. Nếu bé trên một tuổi mẹ có thể cho thêm mật ong. Trà gừng sẽ giúp chữa sổ mũi hiệu quả.
- Kê cao gối khi ngủ: Điều này sẽ ngăn chặn chất nhầy chạy ngược lại khiến bé bị nghẹt mũi. Mẹ chọn cho bé một chiếc gối cao và chắc chắn để giúp bé ngủ ngon hơn.
3. Khi nào cần đưa bé đi bác sĩ?
Mẹ nên đưa bé đi khám trong các trường hợp sau:
- Chảy nước mũi kèm với sốt cao trong hơn 2 ngày.
- Bé bị ớn lạnh, đau nhức cơ thể, sốt, nôn mửa và tiêu chảy.
- Mẹ nghi ngờ bé bị sổ mũi do vật lạ kẹt trong mũi.
- Bé bị sổ mũi do dị ứng.
Theo Ths. Lê Hưng cho biết trên báo Sức khỏe và Đời sống cho biết, khi trẻ có dấu hiệu sổ mũi nên xịt nước muối sinh lý, sau đó dùng các dụng cụ hút nước mũi, rồi nhỏ mũi bằng các loại thuốc dành riêng cho trẻ em. Tránh dùng các thuốc có dầu và các loại thuốc làm co mạch máu. Nếu nước mũi của trẻ có màu vàng, chứng tỏ trẻ đã bị nhiễm khuẩn. Nếu kèm theo sốt, thì ngoài xịt mũi như trên cần cho trẻ dùng thuốc hạ sốt và thuốc kháng sinh theo liều lượng đã được bác sĩ chỉ định. Để tránh các bệnh đường mũi họng cho trẻ, ngoài việc giữ ấm, nhất là vùng họng và chân tay, nên bổ sung thêm cho trẻ vitamin và sắt, không khí trong phòng trẻ phải khô, thoáng; không cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, phấn hoa hay khói thuốc lá. Nên khuyến khích trẻ vận động và tập thể thao để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. |