Dịch cúm, sởi bùng phát, các gia đình lại nháo nhào đổ xô đi tiêm phòng cho con nhưng không biết phải sau tiêm 2-4 tuần mới tạo kháng thể.
Nhiều trẻ nhập viện vì biến chứng của virus cúm mùa. Đa phần chưa được tiêm vaccine phòng bệnh
Trao đổi với PV Báo Giao thông, BS. Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Tư cho hay, mùa đông - xuân là thời điểm thuận lợi cho các bệnh về đường hô hấp phát triển, đặc biệt là dễ lây lan ở các nơi tập trung đông người. Bệnh viêm đường hô hấp hay gặp ở người lớn là cúm, trẻ em là cúm, sởi, ho gà, quai bị. Đáng nói, các bệnh đều có thể phòng bằng cách tiêm vaccine. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh, thậm chí dẫn đến biến chứng nặng nề do cúm hay sởi lại chiếm tới 90%.
Với bệnh cúm mùa, theo BS. Hải, các chủng cúm thông thường ở Việt Nam như H1N1, H3N2 đều có vaccine phòng ngừa, nhưng tỷ lệ tiêm phòng cúm ở nước ta còn rất ít. BS Hải khuyến cáo người dân nên tiêm vaccine để phòng tránh cúm, tốt nhất là tiêm vào mùa thu để khi tới mùa đông - xuân, xuân - hè khi dịch xảy ra hạn chế được nguy cơ mắc bệnh.
Tiêm vaccine là cách phòng bệnh sởi, cúm mùa hiệu quả nhất
2 tuần sau tiêm vaccine cúm sẽ tạo miễn dịch bảo vệ và kéo dài chỉ gần 1 năm. Trẻ em từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi nếu tiêm lần đầu: Tiêm 2 liều cách nhau 4 tuần, sau đó tiêm 1 liều hàng năm. Lịch tiêm phòng vaccine cúm mùa cho trẻ như sau: Trẻ em từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi đã từng tiêm vaccine cúm trước đây: tiêm 1 liều hàng năm; Trẻ em trên 9 tuổi, thanh thiếu niên và người lớn: tiêm 1 liều hàng năm.
Hiện dịch sởi đang hoành hành ở 43 tỉnh, thành phố, đặc biệt là ở khu vực phía Nam. Điều đáng nói, hầu hết bệnh nhân mắc sởi chưa tiêm hoặc tiêm không đầy đủ vaccine phòng bệnh.
BS. Bùi Vũ Huy, Trưởng Khoa Nhi, BV bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết bệnh sởi là dạng bệnh có sốt và phát ban. Các bà mẹ có thể phòng bệnh cho con bằng tiêm chủng.
Nói về kháng thể sau tiêm, BS. Vũ cho biết sau mũi vaccine đầu tiên các bé cần 1 tháng mới có thể sinh kháng thể nhưng các mũi sau trở đi thì sau khi tiêm vaccine cơ thể cần 2 đến 3 tuần để tạo kháng thể bảo vệ, nhanh hơn mũi đầu.
Đối với những trẻ từng bị sởi thì cơ thể sẽ tạo được miễn dịch bảo vệ phòng bệnh sởi bền vững suốt đời. Chính vì vậy, những trẻ đã được xác định mắc sởi bằng xét nghiệm thì không cần phải tiêm vaccine sởi. Tuy nhiên, những trường hợp nghi mắc sởi mà không có chẩn đoán xác định thì vẫn cần phải tiêm vaccine sởi như quy định.