Bệnh sởi tấn công cả trẻ nhỏ và người lớn trong mùa hè: Những biểu hiện cần nhập viện ngay

Ngày 01/07/2019 19:00 PM (GMT+7)

Sởi là căn bệnh hay gặp ở mùa Đông xuân, tuy nhiên thời điểm hiện tại không chỉ trẻ nhỏ mà người lớn mắc sởi phải nhập viện cũng rất nhiều.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, TS.BS Đỗ Thiện Hải – Phó khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, dù đang là mùa hè nhưng khoa đang tiếp nhận và điều trị cho rất nhiều trường hợp bị mắc sởi. Để không bị lây nhiễm chéo các bác sĩ đã phải phân khu điều trị cho những bệnh nhi mắc sởi. “Khoa đã tiếp nhận 50 cháu mắc sởi và điều trị, đa số trẻ bị sởi đều chưa được tiêm phòng, có những cháu bị biến chứng rất nặng”, TS Hải chia sẻ.

Không chỉ trẻ nhỏ, hè năm nay số lượng người lớn mắc sởi cũng có xu hướng gia tăng, TS.BS Đoàn Thu Trà - Phó giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, hiện trung tâm nhiệt đới hiện đang điều trị cho khoảng 10 ca bệnh nhân sởi người lớn bị biến chứng.

Theo thống kê của Bệnh viện Bạch Mai, trong tháng 5/2019, số ca mắc sởi điều trị tại trung tâm là 70 ca, trong đó phổ biến là trong độ tuổi 25-35, hầu hết các bệnh nhân đều chưa tiêm phòng vắc xin sởi.

Bệnh sởi tấn công cả trẻ nhỏ và người lớn trong mùa hè: Những biểu hiện cần nhập viện ngay - 1

Nhiều trẻ nhỏ và người lớn mắc sởi giữa mùa hè.

TS Hà cũng cảnh báo, chính sự chủ quan của người lớn khiến bệnh nặng và xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Theo đó, mọi người thường nghĩ bệnh sởi chỉ mắc ở trẻ nhỏ, ít mắc ở người lớn vì thế khi có biểu hiện bệnh thường nghĩ đó là sốt phát ban hoặc sốt virus. Khi bệnh nhân có sốt cao, ho, đau rát cổ hỏng mới đi khám và được chẩn đoán mắc sởi biến chứng viêm đường hô hấp.

Các bác sĩ cũng cho biết, khi bị sởi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm thanh quản, suy dinh dưỡng nặng, phụ nữ mang thai hoặc một số người mắc bệnh mãn tính tình trạng sẽ càng nguy hiểm hơn.

Đối với trẻ nhỏ TS Đỗ Thiện Hải cho rằng, để hạn chế biến chứng khi trẻ mắc sởi các bậc phụ huynh cần chú ý tới 4 các triệu chứng như sau:

+ Sốt cao trên 39°C.

+ Viêm đường hô hấp trên, chảy nước mũi, ho khan kéo dài, khàn tiếng…

+ Viêm màng tiếp hợp, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mí mắt.

+ Ban mọc theo thứ tự. Ngày thứ nhất từ đầu, mặt, cổ; ngày thứ hai ngực lưng cánh tay; ngày thứ ba, bụng, mông, đùi, chân, khi ban mọc tới chân thì hết sốt và ban bắt đầu bay.

Đối với bệnh sởi, nếu đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, có thể chăm sóc và điều trị trẻ tại nhà. Cần chú ý không cho bệnh nhi tiếp xúc với trẻ lành. Trẻ bị sởi phải nghỉ học để tránh lây lan cho trẻ khác trong lớp học, trong trường. Trẻ mắc sởi nhẹ chăm sóc tại gia đình cần được theo dõi thật cẩn thận dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

Trong trường hợp trẻ có các biểu hiện dưới đây cần đưa khám hoặc nhập viện ngay để tránh những biến chứng xảy ra.

Các biểu hiện cần đưa trẻ đi khám bao gồm:

- Thở nhanh:

+ Trẻ dưới 1 tuổi: thở nhanh > 50 nhịp thở trong 1 phút;

+ Trẻ trên 1 tuổi: thở nhanh > 40 nhịp thở trong 1;

- Có dấu hiệu mất nước: môi khô, khóc không nước mắt, khát nước, quấy…

- Nghe tiếng thở rít, giọng khàn khi khóc;

- Loét miệng;

- Biếng ăn;

- Tiêu chảy, nôn ói;

- Đau mắt, mắt đổ ghèn;

- Đau tai;

- Sốt kéo dài hơn 4 ngày.

Các biểu hiện cần đưa trẻ nhập viện ngay khi:

- Trẻ không thể uống hay bú;

- Co giật;

- Sốt cao khó hạ;

- Li bì, khó đánh thức;

- Loét miệng nhiều;

- Thở nhanh, thở co lõm ngực, thở nghe tiếng rít;

- Loét giác mạc, giảm khả năng nhìn;

- Viêm tai xương chũm;

- Biểu hiện mất nước nặng: môi khô, da chùng, khóc không nước mắt, tiểu ít;

- Suy dinh dưỡng nặng.

Để phòng bệnh sởi, TS Hải khuyến cáo tiêm vắc xin đúng lịch, đủ mũi là biện pháp hữu hiệu nhất. Ngoài ra, cần giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Dịch bệnh mùa nắng nóng: Bệnh sởi diễn biến bất thường, nhiều trẻ viêm não di chứng nặng
Hiện dịch bệnh đang có nhiều diễn biến phức tạp, người dân cần chủ động trong phòng chống dịch, đặc biệt là việc chủ động tiêm phòng vắc xin.
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh sởi ở trẻ em