Nghe chồng nói, tôi mới nhận ra mình đã quá ôm đồm mọi việc mà quên đi chuyện chăm sóc bản thân.
Tôi đã không biết đến “ngày của mẹ” cho tới một hôm, ông xã tôi mang về một cuốn tạp chí rồi bảo: chủ nhật tuần này là ngày của mẹ (mother’s day). Anh sẽ ở nhà trông con, còn em có thể tự do đi chơi với bạn hoặc đi mua sắm bất cứ thứ gì em muốn.
Tôi nhòm vào cuốn tạp chí ông xã vừa đưa. Thì ra trên thế giới, ở nhiều nước người ta chọn ngày chủ nhất thứ hai của tháng năm là ngày tôn vinh những người mẹ. Tôi có ba đứa con gái, đứa lớn mười một tuổi, đứa thứ hai tám tuổi, còn đứa thứ ba mới chỉ lên hai. Tôi nói với ông xã: Em đã có tới mười một năm sống trong vai trò làm mẹ, thế mà đến hôm nay em mới biết có ngày này.
Chồng tôi thanh minh: Ở nước ngoài họ có từ lâu rồi, nhưng ở Việt Nam người ta mới nhắc đến ngày này chỉ một vài năm nay. Trước đó, lễ Vu Lan ở Việt Nam cũng được nhiều người gọi là ngày của mẹ. Thế em có quyết định đi chơi đâu vào chủ nhật cuối tuần này không?
Em đi một mình á? Thế còn các con, thể nào chúng nó cũng muốn đi theo em mà. Còn anh nữa, sao anh không mời em đến nhà hàng? Sao anh không chủ động một chương trình hay ho gì đó cho cả gia đình mình cùng tham gia giống như các dịp quốc tế phụ nữ hay những ngày sinh nhật người nhà?
Chồng tôi thoáng chút bối rối: Vậy thì thường quá. Lúc nào anh cũng có thể dắt em và các con đi ăn tiệm, lúc nào anh cũng có thể đưa em và các con cùng đi du lịch cả tuần lễ. Nhưng hình như anh chưa bao giờ một mình ở nhà trông cả ba đứa con cho em đi chơi cả. Ôi trời, thực ra nghĩ tới anh cũng hơi sợ đấy. Nhưng lâu lắm rồi, anh cứ thấy em bận bịu tới hết đứa con này đến đứa con kia mà ít có thời gian cho riêng mình. Nên bây giờ, anh sẽ thử “đóng vai mẹ” trong một ngày để cho em được tự do. Tranh thủ làm những điều mình muốn đi nhé.
Tôi được một ngày tự do? Không con cái. Không trách nhiệm với chồng và gia đình chồng. Không dọn dẹp. Không nấu nướng. Không cáu gắt nhặng xị vào những lúc lắm việc quá mà không kham nổi. Tôi có đang mơ không?
Nhưng nếu chồng tôi ở nhà trông con trọn một ngày, anh ấy sẽ xoay xở làm sao với cả ba đứa nhỏ khi từ trước tới nay anh ấy chưa bao giờ kham nổi việc này. Chồng tôi là người kiếm tiền chính trong gia đình nên mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều giao phó cho vợ và người giúp việc. Anh ấy giỏi việc ở cơ quan nhưng việc nhà lại không khéo lắm nên chẳng đỡ đần được vợ nhiều. Ngày tôi sinh bé đầu lòng, tã, khăn sữa của con anh cũng cho vào máy giặt, pha sữa cho con lúc nóng, lúc lạnh, bế con thì lúng túng đến nỗi đứa nào cũng khóc váng khi bố cứ xoay xở ẵm bên này, ẵm bên kia. Tôi thì lại khác. Tôi là người cầu toàn, thấy anh lúng túng trong mọi việc chăm con thì tôi lại muốn chạy đến làm ngay vì không vừa ý. Thành thử, tôi đã ôm trọn việc nhà vào mình cho đến tận khi đứa thứ ba ra đời.
Đôi lúc, việc nhà khiến tôi mệt mỏi bã bời, cáu kỉnh, bực dọc, thậm chí là stress, thế nhưng chứng nào tật ấy, tôi còn kham luôn cả các việc của cô giúp việc vì thấy cô ấy quét nhà không kĩ, rửa nồi cũng không sạch. Thế nên, nếu như hôm nay chồng tôi bảo cho tôi được “tự do” một ngày, có là mơ tôi cũng chẳng dám yên tâm. Ừ thì hai đứa lớn đã tự lo được cho mình, nhưng còn đứa nhỏ, một mình anh ấy sẽ “đánh vật” với con như thế nào?
Tôi còn lo đến cả đống lộn xộn ở nhà. Nếu tôi đi chơi từ sáng, ai sẽ là người chuẩn bị bữa sáng cho chồng và các con tôi? Ai sẽ đưa các con tôi đi công viên? Ai sẽ thúc giục lũ trẻ đi ngủ buổi trưa?Ai sẽ dỗ dành đứa út khi nó cần mẹ?...
Thế rồi tôi phụng phịu bảo chồng: Em không đi được anh ạ. Có mỗi một ngày chủ nhật lũ trẻ được nghỉ học, thế mà em lại bỏ chúng nó đi chơi. Làm như thế cứ thấy tội tội các con thế nào ý.
Nhưng anh vẫn trông con được cơ mà. Em không tin tưởng anh à? Chồng tôi hỏi.
Thì tại anh có bao giờ trông con một mình đâu. Với lại em sợ lúc về nhà nhìn thấy cảnh nhà cửa lộn xộn, bừa bãi của bố con anh bày ra lắm. Thôi, em chẳng đi đâu cả, có đi thì cả nhà mình đi chung.
Nhưng chồng tôi cứ vận động mãi, anh ấy còn bảo cả cô bạn thân của tôi cố gắng lôi kéo tôi ra khỏi nhà đi chơi thỏa thuê một ngày cho sướng. Bạn tôi ríu rít lên kế hoạch bao nhiêu chương trình, rồi gọi điện cả cho đứa này, đứa kia. Cuối cùng, chúng nó đã quyết định thuê xe chơi tẹt ga một ngày ở Ba Vì. Tôi muốn từ chối lũ bạn cũng khó…
Trước ngày chủ nhật, tôi dặn chồng bao nhiêu thứ cứ như mình sắp xa nhà lâu ngày vậy. Anh ấy lúc nào cũng chỉ có bản trường ca “anh biết rồi” khiến tôi nghe cũng sốt ruột và đầy bất an. Sáng sớm hôm sau, tôi chia tay ba đứa con còn đang ngủ say sưa trên giường rồi không quên dặn chồng phải luôn để máy điện thoại cho tôi gọi điện về nhà vấn an.
Ngồi trên ô tô mà lòng tôi cứ như lửa đốt. Tôi cứ canh cánh rồi xem đồng hồ, tự tưởng tượng ra giờ này con tôi đã ngủ dậy chưa, nó đang làm gì khi không nhìn thấy mẹ. Lũ bạn tôi nói chuyện huyên náo, thỉnh thoảng lại quay sang tôi chọc ghẹo. Tôi đang trên đường đi chơi, nhưng thần trí tôi lại cứ ở nhà…
Không khí ở Ba Vì thật tuyệt. Mát mẻ, quang đãng và trong lành. Tôi xuống xe hít một buồng không khí căng tràn phổi. Chúng tôi vừa đi bộ lên núi, vừa ríu rít nói chuyện, những kỉ niệm thời đi học cứ thế ùa về, vui như chưa bao giờ được vui.
Tôi gọi điện về nhà, đứa con lớn bảo nó đang được tham quan thủy cung ở Time city, còn các em và bố đang đứng ở bể chim cánh cụt. Tôi dò hỏi: Em Miu (đứa út) ngủ dậy có khóc vì không thấy mẹ? Nó trả lời tỉnh queo: Bố bảo chúng con phải chuẩn bị quần áo nhanh nhanh để đi chơi nên em đâu có thời gian khóc. Bỗng dưng tôi thấy một chút tủi thân vì hóa ra bọn trẻ chẳng “bấn loạn” lên vì thiếu mẹ như tôi đã tưởng tượng.
Buổi đi chơi của chúng tôi ở Ba Vì quá vui vẻ. Tôi đã có một ngày thật trọn vẹn với đám bạn mà không phải vướng bận đến các chuyện nhà cửa, con cái. Sau vụ này, cả lũ hẹn nhau phải liên tục tổ chức những chương trình đi chơi hoành tráng như thế này nữa để bạn bè có cơ hội gặp nhau.
Nghe chồng nói, tôi mới nhận ra mình đã quá ôm đồm mọi việc mà quên đi chuyện chăm sóc bản thân. (ảnh minh hoạ)
Hơn 10 giờ tối, tôi mới về tới nhà. Khác xa sự tưởng tượng của tôi, căn nhà khá gọn gàng và yên tĩnh. Lúc ra mở cửa, ông xã thì thào: Nhẹ nhàng thôi em, lũ trẻ ngủ hết cả rồi. Như không tin nổi chồng, tôi mở cửa phòng và nhìn thấy ba đứa trẻ đang ngủ ngon như những thiên thần trên giường. Chồng tôi bảo: Anh cho các con đi chơi suốt cả ngày, giờ mệt nên chúng nó ngủ ngoan thôi.
Sáng hôm sau, bọn nhỏ ríu rít thay nhau kể cho tôi nghe về ngày chủ nhật được đi chơi với bố. Chúng nó còn có vẻ hí hửng vì dường như bố chiều tụi nó hơn cả mẹ.
Tôi thở phào vì một ngày xa nhà đã không có sự cố gì xảy ra. Đã hơn mười năm nay tôi luôn có những lo lắng thái quá. Tôi ôm đồm mọi việc vào mình mà không tin tưởng ông xã và các con của tôi có thể thay tôi quán xuyến mọi việc. Tôi đã quá cầu toàn, tôi không bao giờ muốn thấy chiếc áo của con bị bẩn, tôi sợ ông xã không có khả năng dỗ con gái út ăn cơm, tôi sợ lũ trẻ sẽ không được chăm sóc chu đáo nếu thiếu mẹ… Chính vì những nỗi sợ vô cớ như thế, chính vì lúc nào cũng muốn phấn đấu để trở thành người phụ nữ đảm đang, đầy trách nhiệm nhất gia đình nên chẳng lúc nào tôi dám buông bỏ. Thế nên, cuộc sống trong suốt mười năm qua của tôi luôn tràn ngập hàng đống công việc không tên khiến tôi mất liên lạc với nhiều bạn bè cũ, khiến tôi không có thời gian cho riêng mình mà lúc nào cũng gắn chặt cuộc đời với chồng, với con.
Chỉ là, tôi đã quá ôm đồm mọi việc vào mình để đóng vai một phụ nữ chuẩn mực.
Nhưng chuẩn mực đâu phải là sự thiếu tín nhiệm với chồng? Chuẩn mực cũng không phải là những lời càm ràm, trách móc vì mệt mỏi khi phải một mình làm quá nhiều việc? Chuẩn mực cũng không phải là những hy sinh bản thân cho chồng, cho con để rồi phải cảm thấy ấm ức, khó chịu một cách vô lý.
Tôi đã có một “ngày của mẹ” thật ý nghĩa. Và giờ, để cám ơn ông xã, tôi đã đồng ý cho chàng cùng tôi chia sẻ và gánh vác những công việc không tên trong gia đình dù rằng anh ấy vẫn chẳng làm tốt như tôi từng mong đợi.
Nhưng tôi phải hạ thấp những kỳ vọng thôi. Tôi đã trót nghiện “ngày của mẹ” mất rồi.