Con gái chị Nhung chào đời đúng 3 giờ sáng ngày Rằm tháng 8 Âm lịch, cũng vì việc này mà chị và mẹ chồng thường xuyên mâu thuẫn.
Trung thu này là tròn đầy năm con gái đầu lòng của chị Hồng Nhung (Thành Công, Hà Nội) nhưng dù ngày vui đã gần kề chị Nhung và mẹ chồng vẫn chưa làm lành sau trận tranh luận cách đây đã gần 1 tháng. Bé Nhím, con gái chị Nhung chào đời đúng 3 giờ sáng ngày rằm tháng 8 Âm lịch năm ngoái.
Nhím khó nuôi, từ nhỏ đã hay thức đêm, quấy khóc, không chịu ti mẹ, đến khi ăn dặm lại không chịu hợp tác khiến cả nhà lúc nào cũng trong trạng thái căng như dây đàn. Vợ chồng chị Nhung đêm nào cũng thức trắng bế con ru ngủ.
“Mẹ chồng mình khó ngủ, tiếng khóc của cháu càng khiến bà trằn trọc. Vậy là cứ mỗi hôm Nhím quấy đêm, hôm sau bà lại bóng gió than thở, trách mình sinh con gái hôm rằm nên khó nuôi. Hôm vừa rồi bữa ăn, thấy Nhím bỏ cháo, bà lại chê bai cháu khiến mình bực quá nên nói lại vài câu. Kết quả bà giận đến tận bây giờ”, chị Nhung ấm ức kể lại.
Cùng cảnh sinh con gái hôm rằm với chị Hồng Nhung là chị Loan (Quận 4, TP.HCM). Chị Loan vào viện ngày 14/7 âm lịch vừa qua nhưng phải đến đúng 12 giờ trưa ngày 15/7 mới sinh. “Con gái chưa đầy tháng nhưng ai đến thăm cũng trêu sau chua ngoa, đanh đá lắm đấy nhé khiến mình rất buồn”, chị Loan cho biết.
Thực hư "Trai mùng một, gái hôm rằm"
Lâu nay, dân gian ta vẫn có câu “Trai mùng một, gái hôm rằm” để chỉ những đứa trẻ khó nuôi, sau lớn có tính khí khác thường. Vậy nhưng sự thực có đúng như thế?
Chia sẻ trong một bài phỏng vấn về vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng (Trưởng khoa Văn hóa – Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền), cho biết: “Theo quan niệm dân gian thường cho rằng, gái hôm rằm, trai mùng một có cá tính mạnh.
Cũng có quan niệm nói những đứa trẻ sinh ra ngày đó là khó nuôi. Khó nuôi ở đây không phải là yểu mệnh hay yếu sức khỏe mà là khó tính, khó cho ăn, biếng ăn. Tuy nhiên, đó vân là quan niệm chứ chưa ai chứng minh được điều này. Người ta vẫn quan niệm như thế để giải thích cho việc trẻ sinh ra hôm rằm, mùng một là biếng ăn…”.
TS Hồng nhấn mạnh: “Gái hôm rằm, trai mùng một chỉ là quan niệm của dân gian, có từ lâu đời. Đến nay cũng chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh được điều này. Đó chỉ là những kinh nghiệm được dân gian đưa ra, nếu nói đúng hay sai phải có sự kiểm chứng trong thực tiễn. Tuy nhiên, chưa khẳng định được đúng hay sai ở quan niệm này, có thể điều này chỉ đúng với một số người chứ không phải đúng với tất cả mọi người”.
Về phương diện quan niệm dân gian có từ lâu, chưa ai khẳng định đúng hay sai. Vì vậy theo TS Nguyễn Ánh Hồng, việc tạo ra văn hóa ứng xử, giao tiếp với người có cá tính mạnh tức là trong mọi việc cần có sự bình tĩnh, không nên nóng vội, có thể mềm dẻo hơn để tránh những tranh cãi.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà bố mẹ nuông chiều những đứa trẻ sinh ra hôm rằm hay mùng một mà có cá tính mạnh. Sự giáo dục với tất cả mỗi đứa trẻ là cần thiết, quan trọng là chọn phương pháp thế nào cho hiệu quả nhất. Mỗi đứa trẻ có một tính cách, kể cả những đứa trẻ sinh ra hôm rằm hay mùng một có thể không phải là đứa trẻ cá tính như nhiều người quan niệm.
Trong dân gian có nhiều quan niệm như sinh con vào tháng nào thì con sẽ thông minh hay con cầu tự khó nuôi… nhưng đó chỉ là những quan niệm, chưa có ai chứng minh được điều này. Bởi, theo khoa học thì không thể có chuyện đi cầu mà có con được. Cho nên, nhiều người cứ dựa vào những quan niệm đó để giải thích về sự vất vả hay khó khăn khi nuôi những đứa con hiếm muộn.