Theo TS Nguyễn Ánh Hồng (Trưởng khoa Văn hóa Phát triển, Học viện Báo chí), quan niệm này có thể chỉ đúng với một số người.
Một độc giả gửi thư bày tỏ lo lắng vì sinh con gái ngày rằm: "Từ trước khi sinh con, em đã hay thường nghe câu nói "Trai mùng một, gái hôm rằm" nhưng không rõ nghĩa lắm. Mặt khác, vì không tin vào mấy lời đồn đoán, nên em cũng thường bỏ ngoài tai. Vậy nhưng trời run rủi thế nào, em sinh bé Bông vào đúng ngày rằm.
Hôm ấy, vì sắp đến ngày dự sinh, lại là Trung thu nên chồng đưa em ra phố dạo chơi, tiện thể đi bộ nhiều cho con mau tụt. Không hiểu có phải vì thấy Trung thu đường phố đông vui náo nức quá nên Bông đòi ra sớm không. Mới đi được khoảng 30 phút, em bỗng thấy bụng đau dữ dội. Hốt hoảng, chồng gọi taxi đưa ngay hai mẹ con vào viện. Em chuyển dạ và sinh Bông đúng đêm Trung thu".
Theo độc giả này, Bông chào đời được 3kg8, xinh xắn, đáng yêu nhưng lại cực kỳ khó nuôi. Bé thường xuyên thức đêm, hay quấy khóc, lại chẳng chịu ti mẹ. Suốt một tháng đầu ròng rã nuôi con, hai vợ chồng đêm nào cũng thức trắng đến phờ phạc rệu rã. Bông sinh ra đc 3kg8, vậy mà nuôi hơn một tháng con cũng chỉ được hơn 4kg2. "Bực mình, mẹ chồng thường xuyên bóng gió trách mắng em là không biết đẻ, sinh con gái ngày rằm, sau không có bà mẹ chồng nào thích có cô con dâu sinh ngày rằm hết. "Con gái ngày rằm, bé khó nuôi, sau đanh đá", độc giả này kể.
Ngày mùng 1 là bắt đầu cho một chu kỳ mới, ngày 15 trăng sáng nhất lại đánh dấu chu kỳ tiếp theo là trăng mờ dần. Lâu nay, người ta vẫn nhầm tưởng việc sinh con trai vào ngày mùng 1 âm lịch, con gái sinh vào ngày rằm (15 âm lịch) đều "khó nuôi", tính khí khác người. Đặc biệt là với các bé sinh vào ban đêm. Tuy nhiên, khi trao đổi với TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng (Trưởng khoa Văn hóa – Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền), những quan niệm này lại được lý giải hoàn toàn khác.
TS Nguyễn Thị Ánh Hồng (Trưởng khoa Văn hóa – Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Thị Ánh Hồng (Trưởng khoa Văn hóa – Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: “Theo quan niệm dân gian thường cho rằng, gái hôm rằm, trai mùng một có cá tính mạnh. Cũng có quan niệm nói những đứa trẻ sinh ra ngày đó là khó nuôi. Khó nuôi ở đây không phải là yểu mệnh hay yếu sức khỏe mà là khó tính, khó cho ăn, biếng ăn. Tuy nhiên, đó vân là quan niệm chứ chưa ai chứng minh được điều này. Người ta vẫn quan niệm như thế để giải thích cho việc trẻ sinh ra hôm rằm, mùng một là biếng ăn…”.
TS Hồng nhấn mạnh: “Gái hôm rằm, trai mùng một chỉ là quan niệm của dân gian, có từ lâu đời. Đến nay cũng chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh được điều này. Đó chỉ là những kinh nghiệm được dân gian đưa ra, nếu nói đúng hay sai phải có sự kiểm chứng trong thực tiễn. Tuy nhiên, chưa khẳng định được đúng hay sai ở quan niệm này, có thể điều này chỉ đúng với một số người chứ không phải đúng với tất cả mọi người”.
Về phương diện quan niệm dân gian có từ lâu, chưa ai khẳng định đúng hay sai. Vì vậy theo TS Nguyễn Ánh Hồng, việc tạo ra văn hóa ứng xử, giao tiếp với người có cá tính mạnh tức là trong mọi việc cần có sự bình tĩnh, không nên nóng vội, có thể mềm dẻo hơn để tránh những tranh cãi. Tuy nhiên, không phải vì thế mà bố mẹ nuông chiều những đứa trẻ sinh ra hôm rằm hay mùng một mà có cá tính mạnh. Sự giáo dục với tất cả mỗi đứa trẻ là cần thiết, quan trọng là chọn phương pháp thế nào cho hiệu quả nhất. Mỗi đứa trẻ có một tính cách, kể cả những đứa trẻ sinh ra hôm rằm hay mùng một có thể không phải là đứa trẻ cá tính như nhiều người quan niệm.
Trong dân gian có nhiều quan niệm như sinh con vào tháng nào thì con sẽ thông minh hay con cầu tự khó nuôi… nhưng đó chỉ là những quan niệm, chưa có ai chứng minh được điều này. Bởi, theo khoa học thì không thể có chuyện đi cầu mà có con được. Cho nên, nhiều người cứ dựa vào những quan niệm đó để giải thích về sự vất vả hay khó khăn khi nuôi những đứa con hiếm muộn.