Tham "trèo cao" chọn trường quốc tế cho con, nhiều bố mẹ méo mặt vì tài chính

Ngày 13/05/2019 15:47 PM (GMT+7)

Trường công hay trường tư? Trường quốc tế hay trường làng? Tất thảy lựa chọn nào vốn cũng vì con, vì tương lai của con. Không cha mẹ nào nói là vì sĩ diện của mình (dù có nhiều trường hợp là vì sĩ diện của cha mẹ thật đấy).

Tham amp;#34;trèo caoamp;#34; chọn trường quốc tế cho con, nhiều bố mẹ méo mặt vì tài chính - 1

Trường công hay trường tư? Trường quốc tế hay trường làng? Một câu chuyện nhiều kiến giải, nhiều tranh luận, nhiều ý kiến. Thậm chí, có nhiều gia đình cãi cọ vợ chồng, cha mẹ với ông bà chỉ vì việc chọn trường cho con, cho cháu.

Tôi có bà chị là giáo viên, cứ đến dịp này là phải… đổi số điện thoại. Là vì những cuộc gọi nhờ vả xin chỗ. Giúp được thì giúp nhưng giúp sao cho nổi khi mà lượng cầu luôn lớn gấp mười lần, hai mươi lần lượng cung. Nhưng ngôi trường công danh tiếng với giá rỉ tai nhau lên đến cả mấy trăm triệu một suất học. Thậm chí, có cha mẹ muốn con vào học trường Trưng Vương, bỏ ra cả tỷ mua một căn xép nhỏ trên phố Tràng Tiền chỉ để nhập hộ khẩu ở đó cho con đúng tuyến để học trường này.

Tham amp;#34;trèo caoamp;#34; chọn trường quốc tế cho con, nhiều bố mẹ méo mặt vì tài chính - 2

Hay nói đâu xa, khu chung cư nhà tôi, bao nhiêu cha mẹ mua nhà ở đây vì muốn con được nhận vào học trường có tiếng tại đây? Vì chính tôi cũng vậy, với 3 đứa nhà mình. Chưa kể, có nhiều gia đình thu nhập cả hai vợ chồng chỉ khoảng 20-30 triệu đồng/tháng nhưng vẫn kiễng chân cho con học trường tư với mức học phí mỗi tháng lên đến 7,8 triệu. Cả nhà chỉ còn 13-23 triệu để sống tằn tiện mỗi tháng. Đến khi nhà trường tăng học phí là hoảng hồn vì “vỡ phương án tài chính”. Nhiều cuộc chia ly của các con là vì cha mẹ bị “vỡ phương án tài chính” như thế.

Lý giải việc học trường công thường vì giáo viên tốt, học phí rẻ. Nhưng lý giải cho việc học trường tư của nhiều cha mẹ là học phí tuy cao nhưng con cái đỡ được khoản học thêm cũng quá tội nếu tính ở trường công. Rồi việc chọn trường quốc tế cũng vậy, bỏ ra vài trăm triệu một năm học trường quốc tế thì con cái đỡ tốn tiền đi học tiếng Anh bên ngoài. Và cả những cha mẹ quyết định cho con học trường làng vì học phí rẻ, giáo viên có thể chưa cao nhưng con đỡ áp lực. Chỉ là nhiều cha mẹ cho con đi học trường làng phải chịu sức ép khá lớn với những tiếng chì tiếng bấc kiểu “Cha mẹ có tiền mà cho con đi học trường làng” là “không quan tâm đến tương lai của con”…

Trường công hay trường tư? Trường quốc tế hay trường làng? Tất thảy lựa chọn nào vốn cũng vì con, vì tương lai của con. Không cha mẹ nào nói là vì sĩ diện của mình (dù có nhiều trường hợp là vì sĩ diện của cha mẹ thật đấy). Nhưng vì con là vì thế nào thì chẳng ai giải thích được. Vì tôi đưa con đến trường đó nó thích lắm nên tôi chọn trường đó cho con. Vì trường đó học tốt nên tôi chọn. Vì trường đó có cơ sở vật chất tốt nên tôi chọn. Vì danh tiếng của trường đó nhiều học sinh giỏi nên tôi chọn. Vì con của bạn bè tôi học trường đó và nói rất tốt nên tôi chọn….

Tham amp;#34;trèo caoamp;#34; chọn trường quốc tế cho con, nhiều bố mẹ méo mặt vì tài chính - 3

Mỗi cha mẹ đều có những lý giải riêng của mình khi chọn trường cho con và ai cũng tin rằng mình đúng. Nhưng bao nhiêu đứa trẻ buổi sáng dậy từ 6h sáng ngáp ngắn ngáp dài ra bến xe bus chờ xe bus của trường đến đón rồi đằng đẵng mất hơn 1 tiếng đồng hồ đi qua hàng chục điểm đón khác rồi mới tới được trường? Hành trình lặp lại với chiều trở về. Gặp hôm tắc đường 7h tối mới về đến nhà trong trạng thái bơ phờ vì say xe. Nhưng bao nhiêu đứa trẻ phải gồng mình lên để đuổi theo đám bạn tinh hoa vì năng lực tiếp thu của bé chưa theo kịp bạn bè? Nhưng bao nhiêu đứa trẻ phải đi học thêm liên miên vì đòi hỏi của thầy cô với thành tích của trường? Nhưng bao nhiêu đứa trẻ nay chuyển trường này mai chuyển trường khác vì bố mẹ chưa ưng với giáo dục của trường đó? Nhưng bao nhiêu đứa trẻ phải ôn luyện chết thôi chỉ để thi đạt đầu vào lớp 1 trong những kỳ thi kiểm tra năng lực đầu vào?

Liệu có bao giờ bố mẹ đặt địa vị mình vào những đứa trẻ? Mà thôi đi, kể cả cha mẹ lấy mình ra làm thước đo đánh giá con cái cũng sai vì có đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào? Thế giới 7 tỷ dân thì 7 tỷ người khác nhau đấy chứ?

Tôi không biết cha mẹ đang lấy lý do nào để chọn trường cho con hôm nay nhưng tôi biết rằng đã có nhiều đứa trẻ không còn thấy hạnh phúc trong học hành. Những câu văn mượt mà như thế này của Thanh Tịnh giờ còn không? “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.

Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng….

…Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.”

Tôi chỉ biết rằng việc chọn trường cho con đã không còn đơn giản là trường gần nhà nữa rồi. Tôi chỉ biết rằng nhiều cha mẹ, trong đó có cả tôi, bị xã hội kéo lê đi xềnh xệch theo điều gì chính chúng ta không biết nữa khi quyết định chọn trường cho con. Thật lòng, con cái chúng ta khổ thật. Và chúng ta cũng thế!

Tham amp;#34;trèo caoamp;#34; chọn trường quốc tế cho con, nhiều bố mẹ méo mặt vì tài chính - 4

Con vào lớp Một: Thầy cô than thở vì thèm khát một học sinh trắng tinh
Các thầy cô lớp 1 than thở về khó khăn khi mà lớp 30-40 đứa với 30-40 kiểu viết chữ khác nhau. Dạy một đứa trắng tinh dễ hơn dạy một đứa đã biết… nửa...
Hoàng Anh Tú
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Con vào lớp 1