Phẫn nộ với các vụ bạo hành trên MXH, cha mẹ có nghĩ mình cũng đang bạo hành con?

Ngày 29/04/2019 16:02 PM (GMT+7)

Trên mạng xã hội ngày ngày phẫn nộ trước những vụ bạo hành, xâm hại trẻ nhỏ nhưng bao nhiêu người trong số đó kiểm soát được cơn giận của mình trước chính con mình?

Phẫn nộ với các vụ bạo hành trên MXH, cha mẹ có nghĩ mình cũng đang bạo hành con? - 1

Nhiều năm làm anh Chánh Văn trên báo, những lá thư tôi nhận được rất nhiều là những lá thư như thế: Bố mẹ em coi em như cái thớt. Cứ giận cá chém thớt. Lúc nào em cũng sống trong sợ hãi. Vừa mong bố mẹ đi làm về lại vừa mong bố mẹ đi làm lâu hơn. Vì mỗi khi về nhà, tâm trạng không vui của bố mẹ sẽ trở thành cơn khủng hoảng của em.

Phẫn nộ với các vụ bạo hành trên MXH, cha mẹ có nghĩ mình cũng đang bạo hành con? - 2

Một bức tranh rất nổi tiếng của Jenna đăng trên Facebook nhận được hơn 300.000 lượt chia sẻ năm 2016. Khi đăng lên Facebook, bức họa này đã được chia sẻ hơn 300.000 lần. Jenna cho biết, chị hình thành ý tưởng này khi nhìn thấy một bức ảnh kỹ thuật số có những lời nói bao quanh đầu một đứa trẻ, trong một chiến dịch chống lạm dụng trực tuyến.

Jenna đã chọn những từ từng làm tổn thương mình khi còn là một đứa trẻ để đưa vào bức họa. Đó là những từ các bậc cha mẹ hay dùng mà không để ý như: This is your own fault (Lỗi là do chính con mà ra), I don’t have time for this (Mẹ không rảnh cho việc này đâu), Let it go (Mặc kệ con), Brat (Hỗn xược), You’re a different child (Con là đứa trẻ khác người)... Những lời nói tuôn ra từ miệng người mẹ như một bàn tay vô hình túm lên đầu đứa trẻ, khiến trẻ sợ hãi, òa khóc.

"Mắng chửi không dễ nhận ra như khi bị đánh đập thâm tím nhưng nó lại ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần của đứa trẻ. Đặc biệt nếu là cha mẹ chửi mắng, thì điều này càng khiến trẻ khó khăn để nhận thức về thế giới hơn khi chúng lớn lên", cô nói.

Ngược đãi trẻ em là một thực trạng của nhiều cha mẹ Việt Nam. Một báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và Tổng cục Thống kê năm 2014 cho thấy, chỉ có 14,6% phụ huynh nghĩ rằng cần phải sử dụng những hình phạt thể chất như đánh, tát... để dạy con mình. Nhưng trong thực tế, tới 40,6% phụ huynh đã áp dụng hình thức này để dạy con; gần 70% cha mẹ sử dụng những hình thức bạo lực như la hét, chửi bới, đánh đập với con cái.

Nghiên cứu gần nhất phỏng vấn hơn 1.800 trẻ tuổi từ 12 tới 17 cho thấy, gần phân nửa số trẻ bị ngược đãi trong khoảng thời gian một năm vừa qua; 83% trẻ đã từng bị ngược đãi trong đời. Có vẻ như, sử dụng bạo lực đã là một phương pháp phổ biến trong nhiều gia đình, nơi được xem là tế bào của xã hội.

Ngay khi tôi cho ra mắt cuốn “30 ngày cùng con học hiểu về phòng chống bạo hành”, nhiều người bạn tôi đã inbox tâm sự: Con chị đọc sách của chú xong quay lại bảo chị: Mẹ đã bạo hành con bằng lời nói rất nhiều lần rồi đấy nhé! Và chị quả thật là có thế thật. Chị chỉ biết xin lỗi con.”

Phẫn nộ với các vụ bạo hành trên MXH, cha mẹ có nghĩ mình cũng đang bạo hành con? - 3

Trở lại những bức thư các con gửi anh Chánh Văn thuở trước (mà bây giờ hầu hết đều đã trở thành các bậc làm cha, làm mẹ) thì đúng là nếu chiểu theo luật bảo vệ trẻ em, những cha mẹ ấy chắc hẳn sẽ bị coi là bạo hành tinh thần trẻ nhỏ. Với văn hoá Á Đông, việc này đã trở thành chuyện thường ngày. Ở đó, con cái buộc phải hứng chịu những cơn giận dữ của cha mẹ. Khi cha mẹ vui, việc con làm vỡ đồ chỉ bị trách. Nhưng khi cha mẹ đang cơn giận dữ, đứa con chỉ cần làm rơi đồ là có thể nhận cơn thịnh nộ. Cảm xúc của cha mẹ vì thế trở thành nỗi ám ảnh của con cái.

Là còn chưa kể, chưa trách đến các bậc cha mẹ trên mạng xã hội ngày ngày phẫn nộ trước những vụ bạo hành, xâm hại trẻ nhỏ nhưng bao nhiêu người trong số đó kiểm soát được cơn giận của mình trước chính con mình? Khói bụi tắc đường- những khủng hoảng tài chính hay chỉ đơn giản là những tin tức gây cảm xúc tiêu cực ngoài kia khiến nhiều cha mẹ mang cả nó vào bữa ăn, vào giấc ngủ của con. Bằng những lời mắng mỏ. Bằng sự nghiêm khắc đến thái quá. Thậm chí, nhiều cha mẹ còn mặc nhiên cho rằng đòn roi vẫn là cách dạy con vào phép nhanh nhất- hiệu quả nhất. Bao nhiêu đứa trẻ chỉ chịu chào người lớn xa lạ (chỉ quen thân với bố mẹ) bởi trận tét đít của bố mẹ trước đó? Bao nhiêu đứa trẻ học làu làu trôi chảy bài văn trên lớp vì tối trước có bố cầm roi đứng bên, có mẹ hằm hằm khuôn mặt giận dữ ở cạnh?

Đúng! Tôi có phải bố mẹ chúng đâu mà tôi được quyền can dự, lên tiếng về cách dạy con của họ? Nhưng bao nhiêu đứa trẻ lớn lên với những tổn thương sâu thẳm? Chúng sẽ lại tiếp tục như một vòng tròn, dạy con bằng đòn roi và nhiếc mắng? Hay chính sự câm lặng mà đau đớn bên trong khiến chúng trở thành những đứa trẻ co rúm?

Thay vì nói yêu con, hy sinh cho con thế này hay thế nọ, cha mẹ ơi, xin đừng coi con mình là cái thớt nữa. Xin hãy học cách kiểm soát cơn giận. Xin hãy học cách bao dung và nặng lòng sau mỗi thái độ không đúng mực của chính mình với các con. Xin đừng đẩy những đứa trẻ, như đứa trẻ nọ bên Trung Quốc trong cái clip được chia sẻ rất nhiều mấy hôm trước: Mở cửa xe, nhảy xuống cầu sau khi bị mẹ mắng. Đừng đợi đến lúc đó mới đấm ngực khóc than…

Phẫn nộ với các vụ bạo hành trên MXH, cha mẹ có nghĩ mình cũng đang bạo hành con? - 4

Cách tạo nên một ông chồng tử tế: Được khóc, yêu mẹ nhưng nhất định phải thương vợ
Thay lời tha thiết đề nghị từ một ông bố có 2 cô con gái và đang chế tạo một ông chồng soái ca cho các cô gái sau này từ chính ông mãnh nhà mình.
Hoàng Anh Tú
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cùng con lớn lên