Trẻ nhỏ mút tay là hoàn toàn tự nhiên nhưng việc này kéo dài quá lâu sẽ gây hại khó lường.
1. Việc trẻ mút tay có bình thường hay không?
Mút tay là một thói quen thông thường của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Phần lớn các bé từ 0 đến 36 tháng tuổi đều có thói quen mút tay. Các bé rất thích mút ngón tay, bàn tay hoặc các vật như núm vú giả. Dần dần, phần lớn các bé sẽ bỏ thói quen này khi ở độ tuổi từ 3 đến 6 tuổi.
Ảnh minh họa
2. Tại sao trẻ lại thích mút tay?
Trẻ sơ sinh có một niềm “đam mê” tự nhiên với việc mút các vật. Thông thường niềm yêu thích này sẽ giảm dần từ khi bé được 6 tháng trở đi. Tuy nhiên có một số bé vẫn tiếp tục việc mút như một “thú vui” của bản thân.
Do vậy, việc mút tay dần dần sẽ trở thành một thói quen ở trẻ để làm bản thân thoải mái hơn mỗi khi đói, sợ hãi, bồn chồn, yên tĩnh, buồn ngủ hoặc buồn chán. Trong một số trường hợp hiếm gặp, việc trẻ mút tay sau 5 tuổi là cách để trẻ xoa dịu một số vấn đề về cảm xúc hoặc rối loạn của bản thân.
3. Trẻ mút tay có gây ra tác hại gì không?
Mút tay ở trẻ dưới 4 tuổi thường không gây ra vấn đề gì. Tuy nhiên nếu trẻ ở độ tuổi 4-5 tuổi mà vẫn mút tay quá thường xuyên hoặc trẻ đến 6 tuổi chưa bỏ thói quen mút tay thì trẻ có thể gặp phải các vấn đề về nha khoa và giọng nói.
Việc mút tay quá thường xuyên và kéo dài sẽ khiến cho răng trẻ có thể bị xô lệch hoặc răng bị đẩy ra phía ngoài.
Thông thường nếu bé dừng mút tay đúng lúc, răng bé có thể tự điều chỉnh được nhưng nếu tiếp tục kéo dài, vấn đề nha khoa sẽ ngày càng trầm trọng hơn.
Vấn đề về giọng nói gặp phải có thể là khiến trẻ không phát âm được một số âm như "t,d" hoặc một số âm của tiếng Anh sau này.
Việc mút tay quá thường xuyên và kéo dài sẽ khiến cho răng trẻ có thể bị xô lệch. Ảnh minh họa
4. Các mẹo giúp trẻ bỏ dần thói quen mút tay
- Theo dõi thời gian biểu mút tay của bé
Một số bé chỉ thích mút tay vào một số thời điểm nhất định. Ví dụ như khi đi ngủ hoặc ngồi trên xe ô tô. Một số khác mút tay khi bị đau hoặc buồn bã để cảm thấy thoải mái hơn. Trong nhiều trường hợp, các bé thậm chí còn không biết rằng mình đang mút tay.
Theo dõi và nắm được nguyên nhân dẫn đến thói quen mút tay của con sẽ giúp bạn xác định phương pháp can thiệp thích hợp.
- Giả vờ ngó lơ việc con mút tay
Đôi khi trẻ em sử dụng việc mút tay để thu hút sự chú ý của người lớn. Bạn càng nói nhiều hoặc càng chú ý đến hành vi này thì bé càng cố thực hiện. Nếu như bạn phát hiện ra bé nhà mình thuộc trường hợp này, hãy giả vờ ngó lơ hành động mút tay của bé một thời gian khoảng một tháng và theo dõi kết quả. Bé có thể sẽ vì lý do đó mà tự bỏ thói quen mút tay.
Hãy ngó lơ con nếu bé thích thực hiện mút tay để chống đối mẹ. Ảnh minh họa
- Dùng phương pháp rèn luyện tích cực
Rèn luyện tích cực là một trong những cách tốt nhất để khuyến khích việc thay đổi hành vi ở trẻ. Hãy tán dương trẻ khi trẻ không mút tay. Bạn cũng có thể giao kèo với bé các phần thưởng bé có thể được nhận trong suốt quá trình bỏ thói quen này.
Dán một hình dán mà bé thích lên cuốn lịch cho mỗi ngày bé “hoàn thành nhiệm vụ” không mút tay. Nếu hết một tuần mà bé không mút tay, hãy thưởng cho bé một món quà nho nhỏ.
Nếu hết một tháng, hãy cho bé phần thưởng lớn hơn chút nữa, ví dụ như một chuyến đi chơi. Sau đó dần dần kéo dài khoảng thời gian bé cần thực hiện mục tiêu để được nhận quà.
- Che ngón tay bé lại
Ngón tay đã bị che lại sẽ không còn khiến bé thích thú như ngón tay để trần nữa. Các mẹ có thể thử dùng chiếc băng dô, gang tay, hay các con rối tay ngộ nghĩnh để giúp bé hạn chế đưa tay lên miệng.
- Phân tán cảm giác “thèm” mút tay của bé bởi các hoạt động cần cả 2 tay
Chắc chắn bé sẽ bớt mút tay hơn khi còn bận dùng tay để làm việc khác. Hãy khiến trẻ bận rộn với những đồ chơi xếp hình, vẽ tranh, chơi rubik… hay bất cứ hoạt động nào khiến trẻ phải sử dụng hai tay.
- Luôn tham gia cùng con trong quá trình rèn luyện
Cho dù bạn chọn phương pháp nào, nếu như bé không muốn bỏ thói quen mút tay thì phương pháp đó cũng không thể thành công được. Hãy giải thích cho trẻ tại sao trẻ cần bỏ thói quen này. Bạn có thể hỏi trẻ xem lý do trẻ thích mút tay là gì và điều gì có thể khiến trẻ dừng lại, đôi khi câu trả lời của trẻ có thể khiến bạn bất ngờ đấy.