Để bé không mắc tình trạng còi xương, chậm tăng cân chị Thùy Duyên nghĩ rằng trong mỗi bữa ăn dặm của bé cần đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng chính.
Khi con yêu bước vào độ tuổi bắt đầu tập ăn dặm hầu hết các mẹ sẽ có tâm lý lo lắng vì không biết sẽ chế biến đồ ăn dặm cho con như thế nào để bé vừa ngon miệng lại tăng cân đều đều.
Đặc biệt hiện giờ lại có rất nhiều phương pháp cho trẻ ăn dặm khác nhau nên mẹ càng khó lựa chọn.
Nhưng với bản năng của người mẹ cùng với sự phát triển của con, chị Thùy Duyên (Hà Nội) đã tìm cho mình được sự kết hợp hài hòa và hiệu quả với 2 phương pháp ăn dặm mang tiêu chí chính: món ăn dặm cho con phải bao gồm đủ 4 nhóm dinh dưỡng cần thiết: chất đường, chất đạm, chất béo, rau củ và trái cây.
Chị Duyên luôn chú trọng đến dinh dưỡng trong từng bữa ăn của con.
Chào chị Duyên, từ khi nào chị nghĩ mình nên bắt đầu cho bé Bông Híp (tên ở nhà con chị Duyên) ăn dặm và bắt đầu ra sao?
Mình bắt đầu cho bé ăn dặm khi bé tròn 6 tháng tuổi. Đây được coi là thời điểm vàng, chuẩn nhất cho các bé khi bắt đầu bước vào quá trình ăn dặm bởi lúc này bộ máy tiêu hoá của bé đã phát triển hoàn thiện nhất.
Vì mới tập ăn dặm nên trong khoảng thời gian 1-2 tuần đầu tiên mình cho bé tập ăn một số loại hoa quả hay củ quả nghiền mịn rồi trộn với sữa mẹ hoặc sữa công thức rồi tập cho bé ăn.
Những bữa đầu, chị Duyên thường nghiền bơ trộn sữa cho con ăn dặm.
Ví dụ như: Bơ, chuối, đu đủ... chín mềm nạo bằng thìa hoặc nghiền mịn cho bé ăn trực tiếp hoặc trộn với sữa mẹ hoặc sữa công thức rồi cho bé ăn.
Hay khoai lang hoặc khoai tây, bí đỏ luộc chín nghiền mịn trộn sữa cho bé ăn hoặc thay đổi bữa bằng một vài muỗng bột ăn liền của trẻ em pha loãng vơi nước ấm chín hoặc sữa.
Chị có những bí quyết nào riêng cho mình khi lựa chọn thực phẩm và chế biến đồ ăn cho con?
Thực phẩm ăn dặm của bé mình thường sử dụng những thực phẩm sạch tươi ngon có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo sức khoẻ cho bé.
Mình sử dụng đa dạng phong phú các loại thực phẩm rau củ quả cũng như chất đạm như: thịt, cá, tôm, cua, trứng, lươn, ngao... vào từng giai đoạn ăn dặm của con trong từng tháng khác nhau.
Thực đơn ăn dặm của Bông Híp thường được chuẩn bị đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng đạm, béo, đường rau củ và trái cây.
Quan điểm của mình là cho bé ăn dặm dựa trên 4 nhóm dinh dưỡng chính:
* Chất bột đường: gồm bột, gạo, bún, mì, nui, bánh phở... là những chất cung cấp năng lượng và chất xơ cần thiết.
* Chất béo: gồm dầu ăn, mỡ động vật, bơ, phomai... Cung cấp năng lượng ở dạng đậm đặc nhất, giúp cho da tốt và cung cấp các vitamin tan trong dầu mỡ, pt tế bào não và hệ thần kinh của trẻ.
* Chất đạm: là thịt, cá, tôm, cua, lươn, ếch, trứng, đậu hũ... để xây dựng cơ thể và tổng hợp kháng thể bảo vệ cơ thể.
* Rau và trái cây: Cung cấp các vitamin và chất khoáng giúp điều hoà các hoạt động trong cơ thể bé, đặc biệt giàu chất xơ chống táo bón và các bệnh lý khác.
Khi cho bé ăn dặm, lúc nào mình cũng đảm bảo trong chén bột hay cháo của cháu cần có đủ 4 nhóm thực phẩm mới đảm bảo đủ chất. Không tính giai đoạn đầu ăn dặm chỉ với một loại thực phẩm, khi bé đã tập quen được với nhiều nhóm thực phẩm khác nhau, lúc đầu cho bé ăn từng lượng nhỏ rồi tăng dần lên cho đủ lượng.
Để bé không bị ngán và không bị thiếu các vi chất dinh dưỡng, mình thường thay đổi thường xuyên thực đơn trong từng bữa ăn để bé được ăn đa dạng các loại thực phẩm.
Như thế là chị đã cho bé ăn theo phương pháp nào?
Mình cho bé ăn dặm theo cả 2 phương pháp ADTT và BLW vì:
Thứ nhất: phương pháp truyền thống như mình đã nói ở trên, phương pháp này giúp mẹ chủ động phối kết hợp cho con ăn tổng hợp đa dạng nhiều loại thực phẩm dinh dưỡng cho bé giúp bé phát triển tốt về thể chất đặc biệt là bộ máy tiêu hoá của trẻ.
Còn phương pháp BLW lại giúp bé chủ động lựa chọn những loại thức ăn bé yêu thích. Tập được khả năng tự lập, tự cầm nắm, tự nhai nuốt không bị hóc đồ ăn của bé.
Mình nghĩ cả hai phương pháp ăn dặm trên đều tốt cho sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần cho bé nên mình đã cho bé ăn dặm song song theo cả 2 phương pháp TT và BLW.
Bé có hợp tác với mẹ không hay mẹ phải tự điều chỉnh theo khả năng ăn của con?
Những ngày đầu bé cũng không hợp tác ngay nhưng dần sau bé đã quen dần với việc ăn dặm và hợp tác vui vẻ với mẹ. Bé rất thoải mái trong mỗi bữa ăn dặm mẹ chuẩn bị cho, bột và cháo gần như giờ bữa nào mẹ nấu bé cũng ăn hết. Củ quả mẹ luộc chín, thịt tôm mẹ hấp hay nấu chín thái miếng to cỡ vừa bé tự cầm nhai nuốt rất ít khi bị hóc.
Bông Híp có khoảng thời gian nào bị chậm tăng cân, còi xương không? Chị làm cách nào để đưa bé về trạng thái cân nặng ổn định và giữ vững được nó?
May mắn bé không bị còi hay quá thừa cân mà lên cân rất đều đặn. Bé nhà mình lúc nào cũng ở ngưỡng đạt chuẩn về cân nặng và chiều cao theo từng tháng phát triển của bé.
Trộm vía bé cũng rất cứng cáp và nhanh nhẹn: khi bé được 3 tháng 2 ngày tuổi đã biết lẫy, 6 tháng 10 đã biết bò, 9 tháng 5 ngày bé đã tự đứng vững không cần ai giữ và biết tự đẩy xe gỗ lọc cọc để tập đi...
Mình nghĩ bé được như vậy do mình đã đảm cân bằng về dinh dưỡng trong các bữa ăn dặm của con.
Chắc chắn trong quá trình chăm con không thể tránh khỏi những lúc bé chán ăn, lười ăn. Chị đã có những cách nào để giải quyết tình trạng đó?
Để bé không lười ăn thì mẹ trong quá trình chuẩn bị đồ ăn dặm nên đa dạng hoá thực đơn.
Kiên trì trong mỗi bữa ăn của con, tạo không khí thoải mái vui vẻ cho bé, mình hay đọc thơ hay hát cho con nghe trong mỗi bữa ăn... Động viên tán thưởng khi con tự giác ăn, đặc biệt không ép con ăn khi thấy con khóc hoặc không hợp tác...
Việc ăn dặm cần phải kết hợp bổ sung với uống sữa công thức, sữa mẹ. Có như thế bé mới phát triển ổn định về mọi mặt được. Vậy chị đã sắp xếp việc này như thế nào?
Đối với bé trong giai đoạn này sữa vẫn là nguồn cung cấp dinh dưỡng tốt nhất cho bé nên mình vẫn đảm bảo cho bé bú đủ những cữ sữa của bé khi bé có nhu cầu.
Ví dụ như: 7h: Bú sữa
9h30: Bé ăn bữa cháo
11h: Bé ăn chút hoa quả nghiền hoặc sữa chua
12h30: Bé bú sữa
14h: Bé bú sữa
16h: Bé ăn bữa cháo
19h: Bé bú sữa
Đêm: Bé bú sữa theo nhu cầu của bé
Chị có thể chia sẻ công thức nấu cháo ăn dặm cho Bông Híp để các bà mẹ được biết?
Công thức nấu cháo của mình cũng rất đơn giản dựa trên một số nguyên tắc cân bằng giữa 4 nhóm thực phẩm cần thiết:
Với 1 chén bột hay cháo đầy (chén 200ml) thì cần có thêm (đong bằng muỗng canh - loại muỗng to bằng 2 muỗng cafe):
- 2 muỗng gạt chất đạm băm nhuyễn
- 2 muỗng gạt rau, củ băm hoặc xay nhuyễn,
- 1 muỗng canh dầu ăn hoặc mỡ nước.
Chị có lời khuyên nào cho các mẹ đang chăm con ăn dặm?
- Nếu bé tập nhai sớm sẽ rất tốt cho sự mọc răng vì thế đừng ngại cho bé thử các loại thức ăn "lợn cợn" ngay từ khi bé tập ăn dặm.
- Khi bé bước qua giai đoạn đầu tập ăn dặm nên cho bé ăn cả phần cái (phần xác) của thực phẩm thì mới nhận được đủ các chất dinh dưỡng, còn phần nước hầm xương, nước luộc thịt, nước rau... thì gần như rất ít chất bổ.
- Bé ăn đủ, đa dạng thực phẩm sẽ tăng trưởng tốt, khoẻ mạnh và phát triển trí lực một cách toàn diện nhất. Bé càng lớn càng có khẩu vị đa dạng hơn vì vậy ngoài việc cho ăn đủ chất, đủ lượng, nên lưu ý cả về cách thức chế biến ăn, thay đổi đa dạng thực phẩm để bé không bị biếng ăn.
Cảm ơn chị về những chia sẻ trên, chúc chúc chị và Bông Híp luôn khỏe mạnh!