Khi trẻ bị sốt, nhiều bà mẹ tức tốc dùng miếng dán lạnh để hạ sốt cho con. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo: nên hạn chế dùng miếng dán vì đôi khi làm hại da của trẻ.
Trời miền Bắc chuyển mùa đem theo sự thay đổi thời tiết khiến nhiều trẻ bị nhiễm lạnh và sốt. Nhiều mẹ phòng bị chống sốt cho con bằng cách dự trữ miếng dán hạ sốt trong tủ thuốc gia đình. Con có biểu hiện sốt là lập tức dùng đến. Tuy nhiên một số bà mẹ khi dùng miếng dán cho trẻ đã bị dị ứng, mẩn đỏ. Điều này khiến nhiều chị em băn khoăn, lo lắng không biết tác dụng của nó như thế nào, gây hại gì không?
Cẩn thận dị ứng da cho trẻ khi dùng miếng dán
Có thể nói, miếng dán hạ sốt là một trong những “vị cứu tinh” cho nhiều gia đình khi có con nhỏ bị sốt vì mức độ tiện lợi. Miếng dán hạ sốt được bày bán ở các siêu thị, nhà thuốc. Đa số các miếng dán hạ sốt đều có cảm giác mát lạnh, chứa thành phần hydrogel. Một số loại có tinh dầu vì thế khi đắp lên trán bé, bé thường có cảm giác khó chịu.
Theo Thạc sĩ Lê Quang Sơn – Giám đốc Phòng khám Đa khoa Thiên Tâm: Trẻ bị sốt <38 độ nên được hạ sốt bằng thuốc hoặc đưa đến các cơ sở y tế, bệnh viện kịp thời. Nếu dùng thuốc hạ sốt thì dùng Paracetamol với liều lượng 10-15 mg/kg.
Miếng dán hạ sốt được nhiều mẹ dùng để hạ sốt cho trẻ. Tuy nhiên, nhiều trẻ bị dị ứng khi sử dụng miếng dán này
Sử dụng miếng dán hạ sốt cho trẻ không có hiệu quả cao. Với trẻ nhỏ hết sức cẩn trọng vì da trẻ mỏng và nhạy cảm. Nếu trẻ bị dị ứng thì việc chữa hạ sốt không có tác dụng mà chữa dị ứng da cho bé còn phải trả giá cao hơn gấp nhiều lần. Bên cạnh đó, miếng dán hạ sốt không chứa paracetamol chỉ là dùng dán ngoài nên khả năng chữa sốt rất hạn chế. Bởi vậy miếng dán hạ sốt chỉ là biện pháp cứu cánh cho nhiều mẹ để giảm thân nhiệt cho con.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, khẳng định: miếng dán hạ sốt không tốt như nhiều bà mẹ vẫn nghĩ, đôi khi còn gây hại cho trẻ. Hiện cho có công trình khoa học nào chứng minh miếng dán hạ sốt có thể thay thế được thuốc trong điều trị sốt ở cả trẻ em và người lớn. Mốt số trường hợp sốt quá cao mà điều trị tại nhà bằng miếng dán hạ sốt sẽ dẫn tới co giật và gây biến chứng về não. Đối với trẻ sơ sinh bị dị ứng với tinh dầu (thành phần có trong miếng dán) sẽ ảnh hưởng đến hệ hô hấp của trẻ.
Dùng thuốc nhét vào hậu môn trẻ tốt hơn
Nhiều mẹ thắc mắc: nếu không dùng miếng dán hạ sốt mà sử dụng thuốc hạ sốt hình viên đạn nhét vào hậu môn của trẻ liệu sẽ tốt hơn hay không? Giải đáp băn khoăn này, Thạc sĩ Lê Quang Sơn cho biết: Việc dùng thuốc thuốc nhét hậu môn với trẻ có nhiều điểm tốt vì không qua đường uống bé ít bị nôn trớ, tác dụng cao và ít tác dụng phụ như: dị ứng, mẩn đỏ da bé.
Cách sử dụng thuốc nhét hậu môn rất đơn giản: bóc viên thuốc (thuốc có hình viên đạn), cầm viên thuốc hướng đầu đạn vào hậu môn, nhét viên thuốc lọt vào hậu môn là xong.
Tuy nhiên, trước khi đặt thuốc hậu môn cho trẻ các mẹ cần vệ sinh sạch sẽ hậu môn của trẻ. Đặt tư thế mông trẻ dốc lên để dễ dàng đặt thuốc và phải nhẹ nhàng khi đặt, tránh mạnh tay. Có những trường hợp khi đặt thuốc cháu bé gồng người lên nên bố mẹ thường dùng sức mạnh để cô gắng đưa thuốc vào trong hậu môn sẽ gây cho bé cảm giác đau.Ngoài ra những trường bé bị bệnh tiêu chảy, bị gan, bị bệnh về thận.. hay dị ứng thuốc paracetamol thì không nên dùng thuốc đặt hậu môn trong bất kỳ trường hợp nào.
Những lưu ý khi hạ sốt cho trẻ
- Trẻ sốt cao <40 độ C, kèm theo co giật nên tiến hành cặp nhiệt độ cho trẻ và dùng khăn có khả năng thấm nước tốt.
- Tuyệt đối không mặc nhiều áo cho con khiến con càng bí hơi, nên mặc thoáng mát. Nên cởi bớt đồ cho trẻ, chứ không nên cởi hết.
- Khi con sốt đừng quá nóng vội mà sử dụng nhiều loại thuốc hạ sốt một lúc. Dùng một lúc nhiều loại dễ gây ngộ độc, quá liều cho con và hết sức nguy hiểm.
Lau người cho các bé khi bé sốt, tuyệt đối không mặc nhiều áo cho trẻ thời điểm này dễ gây bí và ngột ngạt
- Lau người cho bé, nhất là các bộ phận như: nách, bẹn.
- Bổ sung nước cho con bằng cách cho con uống thêm nước (uống ngụm nhỏ) hoặc nước ép: cam, chanh.
- Không chườm đá hay dầu gió cho trẻ.
- Tránh gió cho trẻ.
- Nếu trẻ bị sốt kèm triệu chứng khác cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế để được thăm khám. Còn với trường hợp sốt đơn thuần cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được chỉ định dùng thuốc hợp lý.