Dấu hiệu mọc răng, cách giảm đau cho trẻ, giải đáp về lý do trẻ mọc răng chậm...tất cả thông tin sẽ được "update" tại đây!
Mọc răng là một bước ngoặt lớn trong sự phát triển của trẻ năm đầu tiên, cũng là thời điếm rất nhiều bà mẹ chờ mong. Một số hồi hộp vì được ngắm nụ cười con yêu với những chiếc răng bé xinh, nhưng đa số lại lo lắng và căng thẳng vì sợ bé sẽ bị sốt, chán ăn, quấy khóc trong thời gian mọc răng.
Mọc răng là quá trình bình thường khi răng đẩy lợi nhú lên. Khi răng chuẩn bị mọc bé sẽ có những biểu hiện như lượng nước bọt tăng, nước dãi chảy nhiều, bé muốn nhai, có biểu hiện nhay nhay hai lợi với nhau và nướu lợi của bé hơi sưng lên một chút. Bé cũng có thể thay đổi khẩu vị, không muốn uống loại sữa yêu thích nữa và có khi bị sốt nhẹ. Để giải tỏa những thắc mắc của mẹ quanh chuyện răng và mọc răng của bé, xin "bật mí" mẹ những thông tin hữu ích sau:
Biểu hiện của mọc răng theo "truyền thuyết" là chảy nước dãi, sốt cao và tiêu chảy?
Chảy nước dãi chính xác là một biểu hiện của mọc răng. Khi trẻ mọc răng, tuyến nước bọt tiết nhiều nước dãi hơn để làm mát và làm dịu nướu đang hơi sưng lên của bé. Vì thế mẹ không cần phải lo lắng khi bé chảy dãi nhiều mà hãy chú ý lau dãi thường xuyên cho bé để bé có cảm giác sạch sẽ.
Tuy nhiên, sốt cao và tiêu chảy thì không chính xác. Khi bé mọc răng thường chỉ có biểu hiện là sốt rất nhẹ không quá 38 độ C. Vì thế nếu bé bị sốt cao và chảy nước mũi là do bệnh lý khác. Mẹ nên cho bé đi bác sỹ để kiểm tra cụ thể.
Mặt khác, cũng chưa một nghiên cứu khoa học nào tìm thấy điểm liên quan giữa chứng tiêu chảy với quá trình mọc răng của bé. Ngày nay có rất nhiều chứng bệnh được các mẹ nghiễm nhiên đổ lỗi do mọc răng của bé và điều này hết sức nguy hiểm. Nếu bé yêu khó chịu, sốt cao hơn 38 độ và bị tiêu chảy hãy đưa con đi khám ngay nhé.
Trẻ mọc răng không phải 100% đều bị sốt (ảnh minh họa)
Dạy con ăn thô lúc đang mọc răng
Trẻ mọc răng sẽ lười ăn điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Lợi của bé sẽ bị nhức và hơi đau trong khi răng đang nhú lên nên bé sẽ không còn cảm thấy ngon miệng nữa. Nếu trong giai đoạn này bé có biếng ăn hơn thì mẹ cũng đừng lo lắng mà bổ sung cho bé uống nhiều sữa hơn là được.
Tuy nhiên, một thông tin thú vị cho mẹ: Trẻ đang mọc răng thường rất ngứa lợi và muốn nhai căn. Đây cũng là thời điểm thích hợp để mẹ dạy bé tập nhai hoặc cho con ăn bốc theo phương pháp BLW. Rất nhiều mẹ đã áp dụng vào thời điểm này và thành công với khả năng ăn thô của con.
Những đồ vật an toàn và nhẹ nhàng dành cho trẻ trong thời gian mọc răng
Những thứ đồ hơi cứng và lạnh là lựa chọn tốt nhất, như vòng đồ chơi bằng nhựa hay các khối hình được làm bằng chất liệu an toàn cho trẻ nhỏ, khăn lau mặt được ngâm trong nước lạnh, bánh mỳ tròn đông lạnh hay bánh quế đông lạnh. Nếu bánh tan chảy và nhão ra thì mẹ hãy loại bỏ chúng ngay nhé. Tốt nhất mẹ hãy để những đồ chơi mà bé có thể nhai an toàn trong tầm với của con. Một chiếc vòng đồ chơi được làm mát trong tủ lạnh nhưng không phải đông lạnh được nhiều các chuyên gia cho rằng là thứ đồ tốt nhất cho bé trong thời gian này.
Cách giúp bé giảm khó chịu trong thời gian này
Quá trình mọc răng không kéo dài nên sự đau đớn và nhức nhối một chút trong lúc này cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến thể chất của bé. Vì thế sử dụng thuốc giảm đau chỉ là phương án lựa chọn cuối cùng. Cách tốt nhất mẹ có thể làm cho bé là nhẹ nhàng xoa lợi cho bé bằng ngón tay sạch của mẹ hoặc bằng khăn lạnh đã được vò sạch sẽ, như thế giúp bé kiểm soát được cơn đau và khiến bé cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều. Loại thuốc có chất Acetaminophen có thể giảm cơn đau cho bé nhưng tốt nhất mẹ cần tham khảo tư vấn của các bác sỹ nhi khoa trước khi cho con sử dụng.
Cha mẹ có nên lo lắng khi không thấy bé mọc răng?
Lịch mọc răng tham khảo của trẻ
Các chuyên gia đã khẳng định không có sự khác biệt giữa việc mọc răng sớm hay muộn nên các mẹ hoàn toàn không cần phải lo lắng nhé. Chiếc răng đầu tiên có thể nhú vào bất cứ thời điểm nào từ 3 đến 12 tháng tuổi. Một số trẻ đã nhú răng ngay từ lúc mới 3 tháng tuổi nhưng lại có bé đến tận 1 tuổi mới bắt đầu mọc chiếc răng đầu tiên. Các chuyên gia nhi khoa cho biết việc mọc răng sớm hay muộn phụ thuộc vào yếu tố di truyền, vì thế nếu cha mẹ bé mọc răng từ 3 tháng tuổi thì bé cũng sẽ giống bố mẹ thôi.
Nếu đến 14 tháng bé vẫn chưa có biểu hiện mọc răng thì rất có thể đó biểu hiện của một vấn đề khác như chứng loạn sản ngoại bì. Đây là chứng biểu hiện sự phát triển bất thường của da, tóc, móng, răng và tuyến mồ hôi, nó có thể ảnh hưởng tới da và hệ thần kinh nên tốt nhất mẹ hãy cho bé đi khám cẩn thận và có thể sẽ được bác sỹ hướng dẫn thực hiện chụp tia X để tìm ra nguyên nhân cụ thể.
Mọc răng sữa là quá trình rất quan trọng trong sự phát triển của bé. Răng sữa giữ chỗ trước và hướng cho răng vĩnh viễn sau này của bé được ở đúng vị trí của nó. Nếu răng sữa của bé bị hư hỏng nặng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của răng vĩnh viễn, khả năng nhai và nói của trẻ sau này. Vì thế các mẹ hãy quan tâm và để ý đặc biệt đến con trong khoảng thời gian này.