Không ít phụ huynh hễ thấy trẻ bị ho sổ mũi là cho con dùng kháng sinh. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, không phải trẻ bị ho sổ mũi nào cũng áp dụng thuốc.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi PGS, TS Nguyễn Thị Diệu Thúy - Trưởng bộ môn Nhi (Trường Đại học Y Hà Nội). |
PGS, TS Nguyễn Thị Diệu Thúy - Trưởng bộ môn Nhi (Trường Đại học Y Hà Nội) |
1. Trẻ bị ho sổ mũi và những điều cần lưu ý
Để trẻ không bị nhiễm lạnh và tổn thương hệ hô hấp, cha mẹ cần tăng sức đề kháng cho trẻ bằng việc giữ ấm khi thay đổi thời tiết, cho trẻ ăn đồ ấm, vệ sinh mũi họng hàng ngày.
Thực hiện tiêm chủng đầy đủ. Cách ly trẻ khi trẻ mắc các bệnh viêm hô hấp cấp để hạn chế bệnh dễ lây chéo.
Ở lứa tuổi dưới một tuổi là giai đoạn cơ thể trẻ chưa hoàn thiện về hệ thống miễn dịch, trẻ rất hay bị các triệu chứng đường hô hấp như ho, hắt hơi, sổ mũi khi thay đổi thời tiết.
Trong những trường hợp này, nguyên nhân chủ yếu thường do virus, bệnh có thể tự khỏi sau 5-7 ngày. Vì vậy, cha mẹ hoàn toàn có thể sử dụng các phương pháp Đông y để điều trị các triệu chứng của đường hô hấp.
Tuy nhiên, khi trẻ có các triệu chứng về đường hô hấp kéo dài trên 10 ngày, trẻ bị ho sổ mũi, bỏ ăn, mệt nhiều, thì cần phải đưa đến các bác sĩ chuyên khoa để khám và điều trị phù hợp.
Nếu con ho sổ mũi trên một tháng, cha mẹ cần đưa cháu đến các cơ sở y tế để các bác sĩ chuyên khoa khám và tư vấn phù hợp.
2. Điều trị khi trẻ bị ho sổ mũi
Việc lựa chọn thuốc điều trị khi trẻ bị ho sổ mũi còn tùy thuộc vào nguyên nhân, cơ địa của trẻ và do bác sĩ quyết định. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc kháng sinh, thuốc giảm ho sổ mũi điều trị cho con tại nhà.
Thuốc kháng sinh không có tác dụng trong các trường hợp trẻ bị ho sổ mũi do virus. Ho là phản xạ cần thiết để tống xuất đờm, chất xuất tiết ra khỏi đường thở, giúp làm thông thoáng đường thở nên không cho trẻ uống thuốc giảm ho khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Một số cách chăm sóc trẻ bị ho sổ mũi hiệu quả mà cha mẹ có thể làm giúp trẻ nhanh khỏi bệnh như sau:
Vệ sinh và chế độ ăn cho trẻ
- Vệ sinh
Vệ sinh mũi miệng: Dùng khăn giấy mềm lau sạch nước mũi, nước dãi rồi vứt bỏ khăn ngay sau khi sử dụng. Nếu dùng khăn xô thì phải đặc biệt chú ý giữ vệ sinh khăn. Việc dùng đi dùng lại khăn xô đã nhiễm bẩn và không được giặt sạch sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn/ virus bám trên khăn quay trở lại cơ thể bé.
Vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, đồ dùng của trẻ. Người chăm sóc cần rửa tay sạch sẽ khi chăm sóc và chuẩn bị đồ ăn cho trẻ.
Nhiều trẻ ho đến bỏ ăn, mặt mũi bơ phờ... Cha mẹ cần nhanh chóng đưa đến gặp bác sĩ đẻ được tư vấn (Ảnh minh họa)
- Chế độ ăn
Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm lỏng, dễ tiêu, dễ nuốt. Cho trẻ ăn theo nhu cầu, chia nhỏ nhiều bữa trong ngày và số lượng mỗi bữa ít hơn bình thường, không nên ép trẻ ăn hết phần thức ăn cha mẹ đã chuẩn bị.
3. Biện pháp phòng ngừa trẻ bị ho sổ mũi kéo dài
Có tới 70% bệnh hô hấp khởi phát do thời tiết lạnh. Vì thế, khi ra đường, các bố mẹ nên chú ý mặc đủ áo, đeo khẩu trang, giữ ấm cơ thể cho bé. Bố mẹ cũng nên bổ sung dinh dưỡng; cho bé uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm; bổ sung hoa quả để tăng cường sức đề kháng phòng ngừa bệnh hô hấp nói chung và trẻ bị ho sổ mũi nói riêng.
Phụ huynh cần vệ sinh sạch sẽ mũi, họng, giúp đường hô hấp thông thoáng hơn. Ngoài ra, nên hạn chế cho bé đến chỗ đông người, cách ly với những người mắc bệnh hô hấp, để tránh lây lan virus, vi khuẩn.
Khi mới xuất hiện các triệu chứng ban đầu của viêm nhiễm đường hô hấp như sổ mũi, ho, sốt nhẹ…, có thể dùng các loại thuốc thảo dược giúp tiêu nhầy, loãng đờm, chống co thắt phế quản. Với trẻ sơ sinh, cần lựa chọn thuốc ho có chỉ định rõ ràng cho đối tượng này, vì bé rất nhạy cảm với các hoạt chất.
Khi trẻ bị ho sổ mũi kéo dài, sốt… Cha mẹ nên đưa bé đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị.