Chuyên gia Đông Y Bùi Hồng Minh đã lên tiếng về phương pháp dùng nước muối sinh lý trộn tỏi để trị sổ mũi cho trẻ hẳn sẽ là tin vui cho nhiều mẹ.
Lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) |
Tỏi kết hợp nước muối sinh lý có thể áp dụng nhưng không nên lạm dụng
Gần đây, trên nhiều trang mạng lan truyền mẹo chữa ho sổ mũi đầu mùa cho trẻ bằng tỏi trộn nước muối sinh lý. Các mẹ cho rằng đây là phương pháp dễ thực hiện lại vô hại vì tỏi và nước muối sinh lý hoàn toàn “tự nhiên”. Đánh giá về phương pháp này, nhiều chuyên gia cho ý kiến.
Theo Lương y Bùi Hồng Minh - Hội Đông y Ba Đình (Hà Nội), trong Đông y, tỏi có tính cay, ấm, được sử dụng điều trị cảm cúm, ho, tuy nhiên thường dùng với mật ong, đường phèn và sử dụng đường uống. Trong tỏi có chất kháng sinh tự nhiên Allicin có thể diệt vi trùng và vi nấm.
Việc nhỏ tỏi pha nước muối sinh lý khi trẻ bị nghẹt, sổ mũi có thể áp dụng, song không nên vì thế mà lạm dụng phương pháp này. Công thức đúng là pha 10 gam tỏi ép với 100 mml nước muối sinh lý 9/1000. Mỗi ngày chỉ cần nhỏ vài lần, mỗi lần 1 - 2 giọt là được. Vì các bộ phận cơ thể trẻ nhỏ rất nhạy cảm, nếu sử dụng nhiều sẽ dễ không tốt cho niêm mạc mũi của trẻ. Trẻ dưới 3 tuổi càng có nguy cơ nhiều hơn do niêm mạc mũi trẻ rất mỏng
Chuyên gia Bùi Hồng Minh cũng nhấn mạnh, cha mẹ không nên tùy tiện áp dụng các phương pháp dân gian, nhỏ mũi, rửa mũi bằng xi lanh khi trẻ bị sổ mũi. Tất cả các phương pháp dân gian chưa có kiểm chứng khoa học nếu tùy tiện thực hiện sẽ rất nguy hiểm. Cần tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng.
Theo Lương y Minh, ngay cả việc dùng nguyên nước muối sinh lý cho trẻ nhỏ cũng phải dùng đúng cách, tránh lạm dụng. Việc lạm dụng nước muối sinh lý cho trẻ nhỏ sẽ gây ra tác động ngược. Cơ chế sinh lý của mũi và họng luôn sinh ra một lượng dịch tự nhiên để bôi trơn niêm mạc. Chất nhầy này được coi là hàng rào bảo vệ cho vi khuẩn bụi bẩn không thể xâm nhập vào cơ thể. Nếu lạm dụng nước muối sinh lý có thể ảnh hưởng tới có chế tiết dịch tự nhiên khiến cho trẻ rát mũi, kích ứng, chảy nước mũi.
Nhỏ nước muối sinh lý pha tỏi trị sổ mũi cho trẻ - là phương pháp có thể áp dụng nhưng cũng cần phải lưu ý khi sử dụng (Ảnh minh họa)
Nước muối sinh lý về bản chất không gây hại cho cơ thể. Vì vậy, chỉ dùng nước muối sinh lý khi trẻ ngạt mũi, sổ mũi, trẻ đi ra ngoài môi trường bụi bặm về, sau khi vào bệnh viện chơi...
Lương y cũng khuyến cáo thêm: Hiện nay, trên mạng xã hội lan truyền rất nhiều phương pháp chữa bệnh khác nhau, những người làm cha làm mẹ chăm sóc con cái cần hết sức thận trọng, không nên tùy tiện làm theo phương pháp “truyền miệng” nhau để tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con mình.
Chuyên gia mách mẹ cách trị sổ mũi, ho hiệu quả theo phương pháp dân gian
Lương y Bùi Hồng Minh cho biết, việc thời tiết chuyển lạnh như những ngày đầu mùa hiện nay, có thể sẽ khiến bé khó chịu, sổ mũi, ho và ảnh hưởng đến việc ăn ngủ của trẻ nhỏ. Mẹ có thể trị họ, sổ mũi cho bé trên 1 tuổi theo các cách sau:
Nước vo gạo và rau diếp cá
Một nắm lá diếp cá, rửa sạch, giã nhuyễn. Sau đó, lấy một bát nước vo gạo trộn đều với diếp cá đã giã nhuyễn, nhớ phải đun sôi lên không trẻ khi uống rất dễ trẻ bị tiêu chảy. Đun sôi nhỏ lửa khoảng 20 phút. Cuối cùng, chỉ cần lọc lấy nước cho bé uống.
Nước vo gạo và rau diếp cá (Ảnh minh họa)
Củ nghệ tươi
Củ nghệ tươi (người ta thường gọi củ nghệ cái), đem giã nhỏ, thêm nước lọc vào, 5g đường phèn đưa vào chưng cách thủy 10 phút cho bé uống, mỗi lần uống ½ thìa cà phê tùy vào độ tuổi của bé. Cứ như thế ngày uống 3 lần cho đến khi khỏi bệnh.
Quất xanh hấp mật ong
2-3 quả quất xanh, rửa sạch, cắt ngang, để nguyên cả vỏ và hạt. Mang quất trộn với đường phèn hoặc mật ong rồi hấp cách thủy đến khi quất chín. Lưu ý là dằm cả vỏ, bỏ hạt, để nguội cho trẻ uống nhiều lần trong ngày.
Hạt quả quất xanh
Đối với hạt của quất xanh các mẹ không nên bỏ đi vì nó có tác dụng làm tiêu đờm và ấm thanh quản khi trẻ bị ho. Mùi vị quất có thể hơi khó uống đối với trẻ nên khi cho trẻ uống có thể cho thêm ít đường.
Lê + đường + xuyên bối
Chọn trái lê to, bỏ vỏ, cắt nắp, khoét bỏ lõi. Bỏ vào bên trong lê 2-3 cục đường phèn nhỏ. 5-6 hạt xuyên bối (mua ở quầy thuốc Đông y). Cho lê vào hấp cách thuỷ chừng 30 phút. Ngày cho bé ăn 2 lần. Có tác dụng chữa ho, viêm phổi, tiêu đờm.
Nước củ cải luộc
Củ cải trắng, cắt chừng 4-5 lát cho vào một nồi nhỏ, châm bát nước, đun sôi, sau đó để lửa liu riu thêm 5-10 phút. Cho bé uống nước này khi còn nóng điều trị ho, khô mũi, đau hong, ho khan, có đờm.
Hoa hồng bạch
Lấy cánh hoa hồng bạch rửa sạch trộn với lượng đường phèn vừa đủ, một ít nước lọc, đem hấp cách thủy. Cho bé uống 3-4 lần/ngày, 1 thìa/lần.
Cách chữa sổ mũi bằng tỏi
Lấy 2-3 tép tỏi, đập dập, cho vào bát, thêm một nửa bát nước, 1 viên đường phèn, hấp cách thuỷ 15 phút. Không cần cho bé ăn tỏi, chỉ cần uống nước tỏi hấp này khi còn ấm, ngày 2-3 lần, vửa tốt cho dạ dày, phổi, vừa trị được ho, cảm lạnh.
Đu đủ chín
Một quả đu đủ gọt bỏ vỏ (lưu ý là đu đủ chín cây), cho 100ml mật ong vào, sau đó đun lên để ăn. Bài thuốc này dùng để chữa ho không có đờm.
Gừng tươi cũng là một trong những vị thuốc phục vụ cho việc chữa ho sổ mũi trẻ nhỏ (Ảnh minh họa)
Trà cam thảo
Cam thảo có chứa thành phần kháng khuẩn, làm dịu cổ họng. Trà cam thảo có vị ngọt, nên mẹ yên tâm khi cho trẻ uống, kể cả trẻ sơ sinh. Loại trà này sẽ giúp cơ thể trẻ ấm hơn và dịu họng hơn.
Húng chanh và quất
Chọn khoảng 15 – 16 lá húng chanh và từ 4 – 5 quả quất xanh, rửa sạch, cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn. Sau đó tất cả cho vào bát, thêm lượng đường phèn vừa đủ, hấp cách thủy khoảng 20 phút. Cho bé uống liên tục 1 – 2 lần/ngày đến khi hết ho.