Trẻ chậm nói tại mẹ không biết dạy!

Ngày 04/11/2013 17:20 PM (GMT+7)

Quá chiều con, cho bé xem tivi, nói nhả nhớt theo bé... là những sai lầm “kinh điển” của mẹ.

Bất cứ bà mẹ nào khi nuôi con đều hồi hộp từng ngày để nghe con cất tiếng gọi “mẹ ơi” đầu tiên, được nghe giọng nói líu lo, ngây thơ và đáng yêu của bé. Trẻ biết nói sớm thể hiện sự phát triển tốt của não bộ và nhận thức. Khi trẻ đã biết nói, việc giao tiếp với bé, dạy bé tập đọc, tập viết, học ngoại ngữ hay học toán đố đều sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Ở những trẻ bình thường, từ 3 đến 6 tháng tuổi, trẻ đã có thể ê a được những tiếng nói đầu tiên. Ở giai đoạn này, trẻ đã có thể phát hiện được những tiếng động phát ra từ những vị trí khác nhau, đồng thời trẻ cũng bắt đầu nói được những có có nguyên âm “a” như ba, bà…Tùy theo mỗi trẻ, nhưng khoảng 11 tháng tuổi trở đi, trẻ đã có thể nói được 2 – 3 từ đơn khá rõ ràng. Đến khi trẻ được 3 – 4 tuổi, trẻ đã có thể nói được những câu phức tạp và bắt đầu sử dụng ngôn ngữ một cách khá tốt.

Tuy nhiên có một thực tế phải thừa nhận rằng, ngày nay số lượng trẻ bị chậm nói ngày càng nhiều. Có những bé đến 18, 21 tháng tuổi vẫn chỉ biết bập bẹ những từ vô nghĩa. Có những bé đã 3,4 tuổi nhưng vẫn “ngọng líu ngọng lô”. Không nên đổ lỗi cho bé hay nghĩ rằng “con mình nó thế!”. Trẻ biết nói sớm hay muộn, nói chuẩn hay ngọng, phần lớn đều là ở sự dạy dỗ và uốn nắn của người mẹ.

Xin liệt kê ra đây những sai lầm “kinh điển” của chị em trong việc dạy bé đã khiến con chậm nói, nói ngọng.

1. Đáp ứng con quá nhanh chóng

“Lỗi” này quả đúng là yêu con quá lại hóa hại con. Khi bé chỉ vào bình sữa và với với tay đòi cầm, đòi ăn. Ngay lập tức, mẹ lấy bình sữa đưa cho con vè cho bé ăn. Hay Làm như vậy là mẹ đã tước đi cơ hội để trẻ được nói.

Cách làm đúng phải là mẹ nên khơi gợi cho trẻ  nói ra điều mà trẻ muốn,. Bất kể đó là từ “đói”, từ “sữa” hay từ “măm măm” thôi cũng rất quan trọng. Khi trẻ nói được điều đó, người lớn nên động viên, cổ vũ cho trẻ bởi vì đó là một sự tiến bộ. Lúc này, bé sẽ hiểu cách dùng ngôn ngữ để biểu đạt ý mà mình muốn.

Trẻ chậm nói tại mẹ không biết dạy! - 1
Chiều con quá lại khiến trẻ chậm nói (ảnh minh họa)

2. Bật tivi, ipad, iphone cho bé xem suốt ngày

Đối với trẻ con, có vẻ như công nghệ càng hiện đại thì lại càng “hại điện”. Có một hiện tượng rất thú vị mà bất cứ bà mẹ nào cũng nhận ra, đó là cứ bật tivi lên thì trẻ bỗng dưng lại “ngoan” một cách kỳ lạ. Bé ngồi yên, chăm chú theo dõi, bỏ cả chạy nhảy, bỏ cả quấy mẹ và đương nhiên, trẻ cũng bỏ cả nói chuyện.

Nhiều chị em thắc mắc: mẹ nói cũng là nói mà tivi nói cũng là nói. Tại sao trẻ xem tivi lại chậm nói còn nghe mẹ nói lại nhanh biết nói. Thực ra, việc giao tiếp giữa mẹ - con và tivi là hai mối quan hệ hoàn toàn khác nhau. Khi trẻ xem tivi, bé sẽ chỉ tiếp nhận thông tin một chiều. Bé là người nghe và chỉ cần yên lặng nghe. Lâu dần sẽ khiến trẻ mất đi ham muốn được nói. Trong khi đó, khi bé giao tiếp với mẹ, đấy là một mối quan hệ hai chiều. Bé vừa là người nghe, vừa là người cần nói, cần bày tỏ ý kiến. Từ đấy sẽ thôi thúc trẻ nói hơn. Xem tivi nhiều cũng khiến trẻ quên đi giọng mẹ và chỉ tập trung vào âm thanh của tivi.

Nếu cho con xem, mẹ nên cùng ngồi với bé để xem các chương trình như phim hoạt hình, ca nhạc và bình luận về các tình tiết, nhân vật, hội thoại trong phim để giúp trẻ xây dựng phản xạ ngôn ngữ tốt hơn.

3. Lười nói chuyện với con vì nghĩ bé “chẳng hiểu gì”

Giao tiếp với trẻ sơ sinh đôi khi giống như độc thoại bởi bé chưa nói được, vốn từ còn quá ít nên phản ứng với những câu hỏi của cha mẹ thường bị chậm. Điều này khiến một số bà mẹ cảm thấy buồn chán và thấy như mình đang làm một việc vô ích.Tuy nhiên, chính việc lười nói chuyện với con ngay từ khi bé mới là trẻ sơ sinh lại là nguyên nhân khiến bé chậm nói.

Nhưng chỉ cần có niềm tin rằng nói chuyện nhiều bé sẽ nhanh biết nói, mẹ sẽ có động lực để ‘tám’ với bé nhiều hơn. Đôi khi chỉ một câu nói bâng quơ, phiếm chỉ: “Để mẹ bế con nào” hay “Con yêu mẹ không?”… cũng có tác dụng lớn với khả năng ngôn ngữ của bé. Dù bé mới bập bẹ, ê a… thì cha mẹ vẫn nên nói chuyện liên tục cùng bé. Khi còn nhỏ, việc bé tăng vốn từ vựng và dần biết nói sẽ thông qua một cách duy nhất là lắng nghe người lớn nói chuyện với nhau.

4. Nói chuyện với con bằng ngôn ngữ trẻ con, cố tình nói ngọng, nhả nhớt.

Dùng ngôn ngữ trẻ con để  nói chuyện với trẻ có nghĩa là người lớn thường dùng những từ đã được tỉnh lược để nói chuyện với trẻ. Ví dụ, một số bố mẹ hay thường thích dùng “ngoại ngữ của bé” như: "tị ơi tị" (chị ơi chị), “ơm ơm” (cơm), “ún on” của mẹ, (cún con của mẹ)… và cho rằng những từ ngữ sinh động này rất thú vị, có thể khiến trẻ hứng thú hơn. Với trẻ sơ sinh chưa biết nói, bé hay thường hét lên hoặc kêu “a..a…” rất to. Những lúc như vậy, mẹ lại cũng hét lên, cũng “a…a..”, cũng lặp lại những âm thanh y hệt của bé để “giao tiếp” với con. Điều này là sai lầm.

Nhiều ông bố bà mẹ sai lầm khi cứ nghĩ rằng chỉ cần dùng ngôn ngữ thế nào cho trẻ nhanh hiểu nhất và tỏ ra thích thú là được chứ không cần thiết là phải nói đúng và nói chính xác. Lâu dần, chính thói quen này của người lớn đã khiến cho trẻ mất đi khả năng tư duy về “lời nói đúng và đầy đủ”.

5. Không cho bé ra ngoài chơi và gặp gỡ bạn bè

Nhiều bố mẹ ngày nay vì sợ bên ngoài “nguy hiểm” nên thường nhốt con trong nhà một mình và chỉ chơi với các đồ chơi vô tri. Một số bà mẹ thậm chí khi thấy con đã đến tuổi đi học mẫu giáo, mầm non nhưng vẫn để con ở nhà với mẹ hoặc ông bà vì lo bé đi học sẽ bị lây bệnh từ bạn bè, lo cô giáo chăm con không kỹ. Chính điều này đã tước đi của trẻ cơ hội được giao tiếp.

Có một thực tế ai cũng phải thừa nhận, đó là trẻ đi mẫu giáo sẽ rất nhanh biết nói. Bé được đặt trong một môi trường có nhiều bạn bè, tự khắc sẽ nảy sinh nhu cầu muốn giao tiếp, muốn nói chuyện, muốn bật thành lời. Mẹ nên chú ý cho bé đi chơi nhiều hơn, gặp gỡ nhiều bạn nhỏ cùng tuổi. Điều này sẽ giúp bé nhanh biết nói.

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dạy trẻ tập nói