Chúng ta không thể dùng đòn roi đánh lên thân thể đứa trẻ để trừng phạt chúng hay dạy dỗ chúng. Những di chứng để lại không phải là vết hằn trên cơ thể chúng mà là trong tâm trí chúng kéo dài đến cả đời con chúng.
Câu chuyện cô giáo Hải Phòng đánh nhiều học trò lớp 2 đang ầm ĩ trên mạng vốn không phải trường hợp đầu tiên. Trước cô giáo Hải Phòng, đã có vài cô giáo khác đánh học trò. Và với quan niệm “yêu cho roi cho vọt”, suy nghĩ “thầy cô là cha là mẹ nên được quyền dạy dỗ con” thì hẳn vẫn còn nhiều học trò bị đánh mà chưa bị phát hiện. Hoặc, giống như chuyện thầy cô bắt quỳ, nhiều vị phụ huynh đã cho rằng “Quỳ không đáng sợ- Hư mới đáng sợ”. Cho đến lúc này, năm 2019, nhiều vị cha mẹ vẫn tin rằng trẻ cần phải đánh mới nên thân.
Trẻ cần được dạy bằng roi vọt là quan điểm của nhiều bậc cha mẹ… hổ. Họ tỏ ra có lý khi dẫn việc họ trở nên tốt hơn như thế này là nhờ ngày xưa bị bố mẹ tẩn cho lên bờ xuống ruộng. Họ khẳng định rằng họ chả bị tí tâm lý gì sất khi ngày xưa bị bố mẹ đánh như két. Họ đều đã trưởng thành hoàn toàn bình thường. Chỉ là, sự phát triển mà họ cho là bình thường ấy bao gồm cả suy nghĩ lệch lạc về việc dạy con bằng roi vọt là… bình thường. So sánh thì khập khiễng nhưng chúng ta đều thấy nhiều nạn nhân của xâm hại tình dục khi nhỏ lớn lên đều có xu hướng xâm hại tình dục trẻ em.
Hay như những đứa trẻ sinh ra trong một gia đình có bạo hành giữa cha với mẹ sau này khi lập gia đình cũng lặp lại việc bạo hành. Nam giới thì cho rằng việc đánh vợ là… bình thường. Phụ nữ thì cho rằng bị đánh là… bình thường. Vì họ được giáo dục như thế nên họ hành xử như thế, nhận thức của họ như thế nên hành động của họ sẽ là như thế. Các thầy cô cũng vậy. Nếu hồi đi học họ thường xuyên bị thầy cô đánh, họ sẽ hoặc sợ giáo viên hoặc khi trở thành giáo viên, họ cũng sẽ có những hành xử như thầy cô của họ trước đây- như một tiềm thức quen thuộc.
Trẻ cần được dạy bằng roi vọt là quan điểm của nhiều bậc cha mẹ… hổ. Ảnh minh họa
Vậy, nếu con anh bị thầy cô đánh đập thì sao? Anh sẽ làm gì? Nhất là anh còn là một nhà báo, một KOL có tiếng nói trong cộng đồng và nổi tiếng là nghiện con, yêu con? Đã có nhiều người hỏi tôi câu đó khi tôi viết một bài báo rằng “Việc học của con là chuyện của thầy cô, tôi là bố mẹ, tôi chỉ chơi với con mình thôi”.
Tôi sẽ làm sao? Vì tôi là một nhà báo lại thêm là một KOL có tiếng nói trong cộng đồng nên tôi sẽ tung hê nó lên mặt báo, trên mạng xã hội? Không! Tôi sẽ không làm vậy.
Nếu phát hiện con tôi bị thầy cô đánh, đương nhiên, điều đầu tiên và tiên quyết là KHÔNG COI ĐÓ LÀ CHUYỆN NHỎ. Con mình bị đánh, dù đúng hay sai thì đó cũng là một việc phản giáo dục. Bộ Giáo Dục không cho phép. Pháp luật và những pháp chế về quyền trẻ em không cho phép. Đừng có nói là vì đứa trẻ đó hư hay yêu cho roi cho vọt. Những quan điểm cổ hủ đó không được quyền tồn tại trong một xã hội văn minh hôm nay. Kể cả những bậc cha mẹ đang dùng đòn roi và nhân danh mình là cha là mẹ mà đánh đập con cũng vậy.
Chúng ta không thể dùng đòn roi đánh lên thân thể đứa trẻ để trừng phạt chúng hay dạy dỗ chúng. Những di chứng để lại không phải là vết hằn trên cơ thể chúng mà là trong tâm trí chúng kéo dài đến cả đời con chúng. Đặc biệt là thầy cô, trong giáo trình sư phạm mà mọi người đã học ở trường liệu có trang nào, chữ nào cho rằng việc trừng phạt học sinh bằng roi vọt hay kể cả những lời xúc phạm không? Hay đó chỉ là cách giáo dục có kẻ chưa từng học qua về sư phạm?
Tôi cũng sẽ không tung lên mạng hay lao tới tay đôi với cô giáo. Chúng ta đang sống ở một đất nước thượng tôn pháp luật kia mà? Việc tung clip lên mạng sẽ đạt lợi ích gì? Khi mà trong chính cái clip đó là hình ảnh đứa trẻ của chính chúng ta. Có cha mẹ nào nghĩ xa hơn một chút, vào năm 2030 chẳng hạn, khi đứa trẻ đã trưởng thành, thứ chúng thấy trên mạng là clip của chúng 11 năm về trước bị cô giáo đánh thế nào? Nhìn lại bản thân mình bị đánh, đứa trẻ đó, nếu là chính bạn, bạn sẽ cảm thấy sao?
Trẻ bị thầy cô đánh: vết hằn trong tâm trí chúng kéo dài đến cả đời. Ảnh minh họa
Đừng nói là không sao. Chỉ có những kẻ vô cảm mới nghĩ là không sao. Chắc chắn, điều đó sẽ tạo ra những hận thù khiến đứa trẻ lệch lạc suy nghĩ, cảm xúc. Không thì bản thân chúng cũng sẽ đau đớn. Hôm nay cha mẹ quăng clip lên mạng, đứa trẻ ngày mai sẽ chịu đau. Đặc biệt là còn chưa kể những bình luận trái chiều, những comment ác ý. Bạn kiểm soát được chúng không? Tung clip lên bạn hạ gục được một giáo viên nhưng bạn cũng đã triệt hạ đi chính cảm xúc của con mình trong tương lai. Hay chuyện nhảy vào tay đôi với cô giáo cũng vậy. Phụ huynh tát cô giáo dù là vì cô giáo đã tát con mình thì phụ huynh đó trước pháp luật cũng bị coi là hành hung người khác. Đừng để con mình phải đi thăm nom mình trong tù, đừng để con mình trở thành con của một kẻ phạm tội.
Tôi sẽ gặp trực tiếp ban giám hiệu. Đấy chính là điểm đến đầu tiên và duy nhất của tôi. Tôi có thể cần mời thêm người làm chứng đi cùng. Có thể là 1 nhà báo- 1 luật sư hay chỉ đơn giản là chính 1 giáo viên trường khác hay 1 cha mẹ trong hội phụ huynh. Bởi tôi cần một sự rõ ràng, minh bạch và đáng tin cậy.
Cái tôi cần là 1 biên bản họp giữa gia đình với nhà trường ghi rõ những gì đã diễn ra. Tôi cần nhà trường chứ không chỉ giáo viên đã đánh con tôi phải xin lỗi gia đình tôi và đứa trẻ. Lời xin lỗi đó mới là liệu pháp tâm lý cho chính con tôi. Chứ tôi có đánh lại thầy cô đó hay tôi có khiến hiệu trưởng mất việc, giáo viên mất việc cũng chỉ là đòn trả hận. Nó không giúp gì cho con tôi và những thứ nó phải chịu.
Tôi cũng không cần nhà trường phải đuổi việc giáo viên đó nhưng tôi cần giáo viên đó phải bị kiểm soát. Tôi muốn giáo viên đó phải bị kiểm soát và thực sự thay đổi nhận thức chứ không phải cho giáo viên đó về vườn. Chúng ta luôn tìm kiếm những giải pháp tích cực và xây dựng hơn là huỷ diệt nhau. Vì 1 tương lai tốt đẹp không thể được xây dựng từ những tàn phá.
Và cuối cùng, thứ tôi yêu cầu ở nhà trường là những biện pháp để không xảy ra tình huống tương tự với bất cứ đứa trẻ nào trong ngôi trường đó nữa. Nếu nhà trường không thể cam kết hay không chịu cam kết, tôi mới cần huy động đến cộng đồng, báo chí, Bộ Giáo Dục để phải có cam kết cho không chỉ con tôi mà còn là bạn bè của con tôi.
Nếu chúng ta làm được điều đó, tôi nghĩ, những vụ bạo lực, bạo hành sẽ không còn, ít nhất là trong những ngôi trường đã từng xảy ra bạo lực, bạo hành.