"Mình mới mất 2 cháu, đây là cơ hội làm mẹ còn lại duy nhất" – người mẹ cầu khẩn trên mạng.
Những ngày qua, lời kêu cứu của người mẹ có con mắc bệnh hiểm nghèo được chia sẻ chóng mặt trên mạng. Riêng trên Facebook Jack Mummy có tới 16.000 lượt chia sẻ. Đằng sau lời kêu cứu này là câu chuyện số phận buồn của người phụ nữ khát khao làm mẹ đã 2 lần mất con.
Nhóm máu hiếm chiếm dưới 0,04%
Chị Hà Thị Quỳnh Nga (Đông Anh, Hà Nội) hạ sinh người con thứ 3 vào lúc 14h30 ngày 3/6 tại bệnh viện Bạch Mai. Nhưng niềm hạnh phúc mỏng manh bỗng nhiên sụp đổ khi sáng ngày hôm sau, bác sĩ chuẩn đoán bé trai Nguyễn Hà Hải Đăng bị nhiễm độc do nhóm máu hiếm ORh-.
Cùng ngày hôm đó, bác sĩ huy động người nhà truyền máu cho Hải Đăng nhưng không ai thuộc nhóm máu này. Gượng dậy sau nỗi đau mổ đẻ, chị Nga vội vã lên mạng tìm kiếm thông tin. Chị chia sẻ về giây phút gần như tuyệt vọng: “Tôi tìm kiếm mới biết nhóm máu này rất hiếm, chỉ chiếm tỷ lệ 0,04% tại Việt Nam, và ORh- con tôi mang ở dưới tỷ lệ này".
Lời cầu cứu của người mẹ nhanh chóng lan tỏa trên mạng. Ban đầu do không hiểu rõ, chị ghi là nhóm máu RH-.
Tuyệt vọng nhưng không từ bỏ, chị Nga nhắn tin cho người em với những dòng vội vàng, nhờ chia sẻ lên Facebook: “Mình mới sinh con được một ngày, con thuộc nhóm Rh-, cần được truyền máu. Mình đang ở Bệnh viện Nhi Hà Nội, cầu xin mọi người giúp mẹ con mình. Mình mới mất 2 cháu rồi, đây là cơ hội làm mẹ còn lại duy nhất của mình. Xin mọi người giúp mẹ còn mình với, mọi người liên hệ số điện thoại….”. Chị gửi tin và hi vọng, cuộc sống luôn có phép nhiệm màu.
Chị Nga tiếp tục tìm kiếm thông tin liên hệ cùng CLB Máu hiếm Hà Nội, kết nối cùng nam thanh niên tên Minh - người hiếm hoi có cùng nhóm máu với Hải Đăng. Ngay lập tức, Minh đã đến bệnh viện truyền máu cho bé.
Bé Hải Đăng khi mới chào đời.
Nhờ thông tin lan tỏa trên mạng, một số người có cùng nhóm máu đã nhanh chóng đến viện hỗ trợ máu cho bé Hải Đăng. Hiện tại, nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng Facebook, cháu Hải Đăng đã thay máu 3 lần, qua được cơn nguy kịch.
Tuy nhiên, theo lời của bác sĩ, quá trình điều trị của Hải Đăng sẽ kéo dài. Chị Nga chia sẻ: "Điều nguy cấp nhất dẫn đến khả năng tử vong là độc tố làm tan hồng cầu trong máu đã không xảy đến. Nhưng hiện tại trong máu của cháu có nhiều thành phần y học đang nghiên cứu nên chúng tôi xác định sẽ cùng con đi đến cùng, mong mọi chuyện tốt đẹp sẽ đến".
Trầm cảm sau 2 lần mất con
Chị Hà Thị Quỳnh Nga đã từng có thời gian xuất khẩu lao động tại Đài Loan trong 10 năm. Chồng của chị là anh Nguyễn Khắc Công (sinh năm 1976) cũng làm việc tại Hàn Quốc 9 năm. Sau khi kết hôn họ về Việt Nam chung sống và làm việc.
Chị Quỳnh Nga và anh Khắc Công.
Chị Nga sinh con gái đầu lòng năm 32 tuổi. Tuy nhiên cháu chỉ giữ được hơi thở trong 5 tiếng. Đứa con đầu lòng ra đi vĩnh viễn bởi bệnh hô hấp cấp đã khiến chị Nga gục ngã. Hai năm sau, chị tiếp tục sinh người con thứ 2, nhưng một lần nữa số phận quay lưng lại, con chị mất sau 7 tiếng đồng hồ chào đời vì căn bệnh rối loạn chuyển hóa quái ác.
Sau cả 2 lần mất con, chị Nga đau đớn đến tận cùng, dẫn đến căn bệnh trầm cảm kéo dài 2 tháng. Thời gian này chị mất ngủ, không trò chuyện với bất kỳ ai. Chị tâm sự: “Khi mang bầu tôi đã làm các xét nghiệm cần thiết đều không phát hiện nguyên nhân, khi sinh con vẫn khỏe mạnh bình thường nên việc bỗng dưng nhận tin dữ khiến tôi sụp đổ nhanh chóng”.
Gần như chấp nhận số phận, nhiều lúc chị Nga muốn bỏ cuộc, không nghĩ đến chuyện sinh con nữa. Trước khi sinh Hải Đăng, chị rất cẩn trọng trong liệu trình chăm sóc thai nhi. Chị kể lại: “Thời gian mang bầu tôi cũng không lên cân được vì áp lực, suy nghĩ, căng thẳng. Tuy nhiên, khi siêu âm biết là con trai, bác sĩ động viên có lẽ gen của cháu sẽ khác 2 chị nên tôi rất hi vọng”.
“Hai người chị đã ra đi, tôi đặt tên con trai là Hải Đăng – mong cháu như ngọn đèn biển, lúc nào cũng sáng. Lúc sinh ra cháu được 3,2 kg thế mà bây giờ đang ở trong phòng cách ly, không được gặp bố mẹ” – chị Nga xúc động nói.
Trước lần sinh nở thứ 3 này, chị đã bày tỏ hết quá khứ đau lòng của mình cùng bác sĩ để ghi vào bệnh án. Sau khi Hải Đăng chào đời, bác sĩ đã cho cháu vào phòng bệnh để theo dõi phát hiện ra cháu bị nhiễm độc tố do máu hiếm. Trong nhóm máu của Hải Đăng có những thành phần chưa định dạng được, y học hiện đang tiến hành xác nghiệm.
Cộng đồng mạng chung tay giúp đỡ
Hiện tại, không chỉ có gia đình chị Nga, anh Công mà cộng đồng mạng đang từng ngày theo dõi sức khỏe của bé Hải Đăng. Trên Facebook, lời cầu cứu của chị Nga đã hút gần 16.000 lượt chia sẻ của cư dân mạng.
Cô Đặng Nguyệt Anh (giáo viên trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) viết trên Facebook cá nhân: “Có ai giúp cháu bé này được không? Nếu bạn nào đó có thể giúp được cháu nhưng lại ở xa Hà Nội thì cho tôi được thu xếp lo chi phí đi lại, mời bạn ra ngay Thủ đô để cứu một con người. Cảm ơn các bạn”.
Tin Hải Đăng tạm thời có đủ máu cũng được cộng đồng mạng tiếp tục lan truyền. Mọi người chia sẻ, sẽ lập ra nhóm máu hiếm sẵn sàng giúp đỡ em khi cần thiết.
Chị Hà Thị Quỳnh Nga cho biết: “Gia đình tôi đã nhận được khoảng 500 cuộc gọi điện thoại đến cùng hàng trăm tin nhắn động viên, sẵn sàng giúp đỡ. Khi viết tin nhắn cầu cứu, tôi đang trong tình trạng hoảng loạn, thậm chí đến bây giờ còn không nhớ nổi mình viết gì nhưng đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo mọi người".
Trong số tất cả những cuộc gọi đến, chị Nga đặc biệt cảm ơn người chị tên Huyền – đã từng có con thuộc nhóm máu hiếm mắc bệnh hiểm nghèo. Chị Nga kể lại: “Nhiều lúc tôi gần như khủng hoảng, đã nhắn tin và nói chuyện điện thoại cùng chị, cảm thấy được an ủi, tiếp thêm sức mạnh. Con của chị đã từng bị nghi là bại liệt não, nhưng rồi mọi khó khăn cũng đã vượt qua. Hiện tại cháu rất khỏe mạnh, điều này khiến tôi có động lực hơn”.
Chị Nga cho biết, không chỉ những người ở khắp các vùng trên đất nước Việt Nam như TP.HCM, Vũng Tàu mà còn rất nhiều kiều bào Việt Nam ở Mỹ hay Hàn Quốc đều gọi điện về hỏi thăm tình hình sức khỏe của hai mẹ con. Nhiều người ở xa sẵn sàng chuyển máu qua đường y tế hàng không về Hà Nội cứu giúp Hải Đăng.
Mời độc giả theo dõi thêm những bài viết liên quan “Up” ảnh con lên facebook là “dại” Bố đơn thân lặn lội xin sữa nuôi con |