Thay vì cho con đến trường như các em bé 7 tuổi đồng trang lứa khác, vợ chồng chị Uyên Bùi đã chọn hình thức “Unschooling” để bé Mật Ong được tự do tìm tòi, học hỏi và khám phá mọi điều.
Profile nhân vật: Mẹ: Bùi Hà Uyên Nghề nghiệp: Copywriter chuyên nghiệp tự do, đồng tác giả cuốn sách "Để con được ốm", "Để con được chích". Con: Mật Ong, 7 tuổi Hiện cả gia đình đang sống ở TP Hồ Chí Minh. - Unschooling là một thuật ngữ được bắt đầu sử dụng vào những năm 1970 bởi nhà giáo dục John Holt, người được coi như “cha đẻ” của unschooling. Đây là phương pháp giáo dục trong đó người học tự lựa chọn các hoạt động học tập của mình. Theo unschooling, người học học hỏi thông qua các kinh nghiệm sống tự nhiên của họ bao gồm chơi, làm việc nhà, hoạt động theo sở thích cá nhân, đi thực tập hoặc làm việc, du lịch, đọc sách, tham gia các lớp học tự chọn, tương tác trong gia đình và xã hội. |
Tôi gặp “người mẹ toàn thời gian” Uyên Bùi – đồng tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Để con được ốm” vào một chiều hè oi ả của Hà Nội. Chị dễ dàng gây chú ý với người đối diện bởi mái tóc tém màu hồng đất nổi bật nhưng trò chuyện cùng mới thấy, chính cá tính mạnh mẽ với cách tư duy cởi mở và logic mới thực sự khiến người khác ấn tượng về cách chị lựa chọn con đường khác biệt trong hành trình lớn lên cùng con của mình.
Trong khi nhiều bà mẹ tất bật đưa đón con đi học, đến mỗi kỳ thi, cả mẹ lẫn con đều áp lực vì không biết có "qua" được hay không, thì chị Uyên Bùi lại khá thong thả với hành trình để cho con "Unschooling". Đây là hình thức giáo dục để trẻ tự do lựa chọn cách thức tiếp cận với kiến thức tuỳ theo mong muốn và sở thích của cá nhân.
Chị Uyên Bùi và con gái Mật Ong.
Unschooling giúp cho Mật Ong học cả những điều không có trong sách vở
Theo mẹ Uyên Bùi, bé Mật Ong theo hình thức unschooling được bao lâu rồi??
Nhắc đến chữ “trường” (school) thì thường được tính kể từ khi các bạn nhỏ vào lớp 1. Theo khái niệm này thì bạn Mật Ong đang ở năm đầu tiên của “Unschooling”. Còn tính theo độ tuổi mà bạn được theo đuổi hình thức học này, thì bạn đã là “unschooler” (những em bé theo hình thức “unschooling”) năm thứ 7.
Bé Mật Ong đã học được những gì trong suốt khoảng thời gian đó?
Gọi là “học” không thì không chính xác lắm vì nó vẫn chưa đủ, bạn nhỏ vừa học vừa tự dạy chính bản thân mình. Xét về các kỹ năng cần biết như viết chữ, làm toán, đọc, ngoại ngữ (tiếng Anh)… bạn đều biết bằng cách tự học. Vì bạn bè của bố đều là các nghệ sĩ người nước ngoài nên muốn chơi cùng, từ đó bạn tự nảy sinh nhu cầu tìm kiếm cách thức để giao tiếp bằng tiếng Anh. Điều này không khác gì trẻ con tập nói tiếng Việt, rất tự nhiên và đó là niềm vui của bạn.
Không giống như những em bé bị “ép” phải đi học ngoại ngữ mà tôi từng gặp ở các trung tâm tiếng Anh trẻ em. Tôi đã từng nhìn thấy các bạn nhỏ khóc lóc không chịu rời tay mẹ, không chịu vào lớp. Điều này khiến tôi cảm thấy bọn trẻ thực sự bị o ép quá mức. Tôi thấy, tiếng Anh, làm toán, đọc viết… đều chỉ là những kỹ năng, không phải kiến thức. Những kỹ năng đó là phương tiện giúp các bạn nhỏ tiếp cận với kiến thức và đạt được những điều bản thân mong muốn. Do đó, nó nên là nhu cầu tự thân nảy sinh thì tốt hơn.
Còn bạn ấy học được kinh nghiệm từ đầu bếp chuyên nghiệp quốc tế là bạn của bố mẹ, kinh nghiệm từ những người trồng dâu Nhật lâu năm, kinh nghiệm từ những ngư dân sống ở làng chài từ thuở tấm bé,… đó đều là những thứ kiến thức bạn không thể tìm thấy trong sách vở, chỉ có thể học được từ thực tế.
Chị có nghĩ có một người để truyền cảm hứng cho con vẫn tốt hơn là để bạn nhỏ tự mày mò trong thế giới riêng của bé không?
Mình nghĩ từ truyền cảm hứng rất chung chung vì điều đó còn tuỳ thuộc vào cảm nhận, nhận thức, khả năng tư duy và mong muốn ở mỗi người. Tôi thấy việc để con tự tìm kiếm điều gì khiến bạn yêu thích, ai là người bạn ấy cảm thấy thú vị, đâu là điều gây tò mò, kích thích niềm đam mê để theo đuổi thì quan trọng hơn. Bởi những điều tự thân xây dựng và tự tạo cảm hứng cho chính mình mới có thể ở lại lâu nhất. Còn lại, mỗi người bạn gặp đều vừa là bạn vừa là thầy của bạn, mỗi người đều giúp bạn học được một điều gì đó thú vị trong cuộc sống, điều mà họ làm tốt nhất.
Bé Mật Ong đã unschooling được 7 năm.
Mật Ong là người quyết định không đến trường
Bạn Mật Ong đã bao giờ bảo với mẹ là bạn muốn đi học không?
Thực ra bạn ấy đã từng rất thích việc được đến trường. Hồi ấy, bạn mới 26 tháng, thấy trường học có nhiều bạn bè đồng tuổi thì vui lắm, nằng nặc xin mẹ đi học. Nhưng khái niệm trường học của bạn khác với trường học trong thực tế. Với bạn, trường học là nơi có bạn bè để tự do thoải mái để chơi đùa cùng nhau, làm những điều bọn trẻ thích và thông qua đó rèn luyện được các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Nhưng trường học trong thực tế thì không như thế nên khiến bạn bị tước mất niềm vui muốn được đến trường. Sau tuần đầu vui vẻ và sau đó là triền miên phản đối, thì sau 2 tháng, bạn cũng thuyết phục được bố mẹ tôn trọng hoàn toàn quyết định không đến trường nữa của bạn.
Chị có thể chia sẻ lí do khiến bạn không còn hứng thú đến trường nữa?
Khi cần thì có rất nhiều lý do, nhưng chung quy có thể tóm gọn lại vào những điều dễ nhận thấy nhất như bạn phải sinh hoạt theo lịch trình học, chơi, ngủ, ăn theo đúng giờ dành cho mọi em bé. Trong khi đó, ở nhà, từ khi sinh ra, bạn đã được bố mẹ tôn trọng các nhu cầu sinh hoạt theo lịch trình cá nhân, cũng như được tôn trọng các quyết định, sở thích và kỷ luật riêng nên bạn không đáp ứng được lịch trình mà trường học quy định. Do đó, bạn từng bị cô phạt đánh tay. Đối với bạn, đó là sự xâm phạm thô bạo khiến bạn không còn cảm thấy vui nữa.
Mình thường trò chuyện với con về việc nên làm những điều mà bản thân cảm thấy vui, chứ không phải chỉ vì mọi người nói điều đó vui. Bởi những điều tự thân con cảm nhận, tự xây dựng từ nội tại mới giữ cho con đi đúng con đường mà con muốn đi thay vì bị ảnh hưởng bởi số đông, theo đuổi những điều không thực sự muốn, cho họ cơ hội khiến con bị stress hay dễ dàng bỏ cuộc.
Trường học sẽ có các kỳ thi để đánh giá kiến thức của con trẻ. Còn với bạn Mật Ong, chị làm thế nào để đánh giá bạn đã đạt hay chưa?
Tôi tôn trọng quyết định không đến trường của con chính là vì không muốn trao cho người khác cái quyền được đánh giá con một cách phiến diện dựa trên điểm số hay một “chuẩn nào đó” do một số người nào đó đặt ra. Sự đánh giá của người ngoài không quan trọng bằng việc con mong muốn điều gì. Do đó, tôi không có khái niệm “đạt” hay “không đạt”, mà chỉ có khái niệm con muốn biết gì và muốn học như thế nào.
Mỗi đứa trẻ đều có nhu cầu hiểu biết về các lãnh vực rất khác nhau nên vấn đề biết như thế nào và biết tới đâu mới là điều cần quan tâm. Làm thế nào để bạn nhỏ có đủ kiên nhẫn đi đến tận cùng điều mình yêu thích, giữ được sự tò mò và tìm hiểu cốt lõi của sự việc, giữ được hứng thú muốn khám phá sự hiểu biết mới là điều quan trọng nhất.
Lựa chọn hình thức Unschooling, những năm sắp tới của bé Mật Ong sẽ thế nào?
Bố mẹ sẽ cùng bạn đi tiếp hành trình học lớn, để bạn tiếp tục tìm hiểu xem bản thân bạn yêu thích điều gì, muốn được làm điều gì và điều gì khiến cho bạn cảm thấy thực sự đam mê. Còn hiện giờ, bạn vẫn thích trở thành đầu bếp và muốn làm một người làm slime chuyên nghiệp với hàng trăm loại slime khác nhau.
Chị sẽ dựa vào xem bản thân con đam mê và muốn tìm hiểu điều gì.
Không biến mình thành rào cản của con
Ở nhà bạn Mật Ong tự học như thế nào, thưa chị?
Bạn ấy sử dụng công cụ học tập là thiết bị điện tử và học từ các app cũng như từ các nguồn mà bạn tự tìm kiếm được thông qua ứng dụng siri. Bạn tự khám phá ra ứng dụng này và sử dụng nó để tìm kiếm những thông tin mà bạn muốn biết khi bạn vẫn chưa biết chữ.
Tôi biết có nhiều người hay lên án việc cho trẻ dùng các thiết bị điện tử. Theo tôi, vấn đề không phải là bạn dùng cái gì mà là dùng như thế nào. Các bạn đưa thiết bị điện tử cho con chỉ để mong được rảnh tay, được yên thân lướt facebook đọc tin lá cải hay chat chit thì nó có hại. Còn nếu bạn hướng dẫn con sử dụng nó như một công cụ học tập thì nó lại là điều tốt. Thời chúng ta học bằng sách vở bút tập, thời của các con là thiết bị điện tử, chúng ta đâu thể kéo lùi sự phát triển lại được.
Tôi thấy, trí tò mò bẩm sinh và khả năng tự học của trẻ là không có giới hạn. Chỉ có điều, người lờn phá hỏng đi thôi. Thế nên, mục tiêu làm mẹ của tôi chỉ làm sao để nhận ra lúc nào mình đang trở thành rào cản của con, đang kéo con tụt lại. Mình sinh con ra nghĩa là mình đã là thế hệ lạc hậu rồi. Không phải nhiều tuổi hơn, hiểu biết hơn thì mình sẽ thông minh hơn con. Do đó, tôi nghĩ, làm bố mẹ đừng kéo con lại, thay vào đó, nên dẹp bản thân sang một bên để con đi con đường của mình và hãy cố gắng theo kịp con.
Vậy chị thường học cùng con như thế nào?
Mọi người thường hay hỏi tôi có tự tin dạy cho con mọi điều không? Tất nhiên là không vì trên đời này không ai biết mọi thứ. Có nhiều điều con hỏi, tôi cũng không trả lời được. Tôi cũng chẳng nghĩ mình dạy được gì cho con nhưng tôi có thể cùng con học mọi thứ. Với kinh nghiệm của mình, tôi ít ra cũng có thể tự tin là tự học được điều mình muốn biết và chia sẻ điều đó với con.
Mặc dù không đến trường nhưng Mật Ong biết tất cả mọi thứ như các bạn đồng trang lứa nhờ việc tự học, tự tìm hiểu, khám phá.
Nhiều bà mẹ nhìn vào Mật Ong như một “hiện tượng lạ” và muốn theo đuổi Unschooling giống chị. Chị có lời khuyên nào cho họ không?
Với tôi, bản chất của việc giáo dục là phát huy tối đa tiềm năng của một đứa trẻ để chúng có thể sử dụng khả năng đó tốt nhất. Hình thức Unschooling hay tất cả mọi hình thức, phương pháp giáo dục khác cũng đều hướng đến mục đích đó thôi. Do đó, tôi thiết nghĩ, mọi người không nên mang con trẻ ra so sánh mà hãy tập trung vào con mình, theo sát con để hiểu được sở trường, sở đoản của con. Mỗi đứa trẻ đều là một cá thể hoàn toàn khác biệt, thế nên, nhìn kỹ vào chính con để tìm xem đâu là cách thức để con phát huy được bản thân mình tốt nhất thay vì cứ mải mê chạy theo xu hướng giáo dục nào đó.
Các phương pháp giáo dục đều có cái hay để học hỏi. Vì thế, thay vì máy móc cứng nhắc áp dụng cùng một cách thức lên con, hay chỉ chăm chăm theo đuổi phương pháp giáo dục này nọ, các mẹ nên khám phá con yêu thích điều gì và mong muốn làm gì. Và hãy thu gọn bản thân lại hết mức có thể, chừa chỗ đủ rộng cho con tự do khôn lớn, đừng biến mình thành rào cản của con, đó chính là điều tốt nhất chúng ta có thể làm cho con trẻ.
Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này!