Liên tiếp những ngày qua, các vụ bạo hành trẻ em ở trường mầm non khiến xã hội bức xúc. Hãy cùng đi tìm "chìa khóa" để ngăn chặn được tình trạng này!
Mới đây (16/2), một tài khoản FaceBook đã đăng tải những hình ảnh một cô giáo mầm non tại TP. Hồ Chí Minh “dọa” trẻ theo cách dốc ngược người bé ra ngoài cửa sổ khi bé không chịu ăn trưa. Ngay sau khi đăng tải, hình ảnh “giỡn, đùa” của cô giáo đã khiến cư dân mạng phẫn nộ và bức xúc.
Hình ảnh cô giáo mầm non "dọa" trẻ bằng cách bế bé đưa ra ngoài cửa sổ khi bé không chịu ăn khiến cư dân mạng phẫn nộ và bức xúc (Ảnh: Cắt từ màn hình)
Cách đó không lâu (5/2), dư luận không khỏi bàng hoàng khi mạng xã hội xuất hiện một đoạn video dài gần 2 phút ghi lại cảnh hai cô giáo tại trường mầm non Sen Vàng (Hà Nội) dùng dép đập vào mặt, đầu, quát và dùng gối thúc vào bụng trẻ.
Cô giáo tại trường mầm non Sen Vàng (Hà Nội) dùng dép đập vào mặt và đầu trẻ
Trước đó, không ít vụ “bạo hành mầm non” đã xảy ra và bị lên án mạnh mẽ. Những vụ bạo hành đó ít nhiều ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất của trẻ. Đặc biệt, các cô giáo bị kỉ luật, không được dạy học và ngành giáo dục mầm non phải chịu nhiều tai tiếng. Tuy vậy, nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi: “Vì sao tình trạng bạo hành trẻ mầm non liên tục tái diễn?”
Liên hệ với thạc sĩ Nguyễn Hải Vân – th.s chuyên ngành công tác xã hội với nhiều nghiên cứu về tâm sinh lý và sự phát triển ở trẻ em, chị cho biết, hầu hết các vụ bạo hành trẻ em đều xuất phát từ tâm lý của cô giáo. Đó là sự mất bình tĩnh của các cô trong giờ cho trẻ ăn. Bên cạnh đó, vấn nạn không thể dứt do áp lực công việc, trình độ giáo viên, cấp quản lí,…
“Chúng ta có thể thấy, giáo viên mầm non là nghề chịu nhiều áp lực nhất trong các bậc học. Họ chịu sự áp lực từ phía nhà trường, phụ huynh và chính các cháu học sinh. Từ đó, họ dễ bị lúng túng, không kiểm soát được bản thân và dễ sinh ra bực dọc, cáu gắt dẫn đến bạo hành trẻ, nhất là trong giờ trẻ ăn trưa”, th.s Nguyễn Hải Vân chỉ rõ.
Hơn nữa, các cô giáo mầm non thường chủ nhiệm lớp có quá nhiều trẻ nhỏ, vượt mức quy định. Trong khi đó, các trường học dân lập chưa có đủ cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu dạy và chơi của trẻ. Vì vậy, lượng công việc giáo viên phải làm sẽ quá tải khiến áp lực tăng lên nhiều lần.
Ngoài ra, nhiều trường mầm non được mở ra để chạy theo lợi nhuận, không chọn lọc giáo viên, không đặt ra những quy tắc “nói không với bạo hành” trong nhà trường,…. Thậm chí, họ tuyển người không có chuyên môn vào dạy trẻ.
Bản quyền video thuộc về VTV
Theo Th.s Nguyễn Hải Vân, trước vấn nạn trẻ mầm non bị bạo hành liên tục, phụ huynh học sinh cần:
- Quan tâm, chia sẻ những áp lực đối với cô giáo chủ nhiệm của con.
- Thường xuyên thăm hỏi tình hình học tập, ăn uống và sinh hoạt của các bé tại trường.
- Trước khi cho con đi học, cha mẹ cần cố gắng dạy con những kiến thức cơ bản trong cuộc sống để gây ảnh hưởng đến giáo viên.
>> Mẹ nhất định phải xem: Sai lầm từ lúc chọn trường, chính cha mẹ đẩy con vào "vòng bạo hành" |
Về phía trẻ mầm non, phụ huynh cần trang bị khả năng phòng vệ cho con để chống lại sự bạo hành ở trường. “Các bậc cha mẹ nên để con biết nói rồi gửi bé đi học. Đặc biệt, cha mẹ phải dặn con có bất cứ chuyện gì xảy ra ở trường, lớp cũng phải kể cho bố mẹ nghe dù cô giáo cấm không cho nói.
Hàng ngày, khi con đi học về, cha mẹ nên quan tâm, để ý đến thái độ, hành vi và hỏi con đi học có vui không, có bạn nào được cô khen, bị mắng hoặc bị đánh đòn.,…Nếu thấy con có thái độ khác thường, phụ huynh cần dò hỏi con nhẹ nhàng để con có cảm giác yên tâm, tin tưởng để kể cho bố mẹ. Ngoài ra, phụ huynh cần để ý đến cơ thể con, nhất là lúc con tắm, xem có dấu vết gì bất thường”, Th.s Nguyễn Hải Vân nói.
Trẻ có thể bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề khi bị bạo hành ở lứa tuổi mầm non Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Bùi Nhài (Trung tâm tư vấn tâm lý Thành Đạt), trẻ bị bạo hành sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên cơ thể trẻ khiến thể chất của trẻ bị tổn thương, nguy hại. Tiếp đó, nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần, hành vi và cách ứng xử của trẻ trong tương lai. Điển hình, khi bị bạo hành, trẻ sẽ thay đổi tính cách, đang hiền lành bỗng trở nên hung dữ, lì lợm. Thậm chí, có trẻ mang tính cách nhút nhát, không muốn tiếp xúc với người khác. Ngoài ra, có những đứa trẻ bị ảnh hưởng tâm lý đến mức ảo giác, bị khủng hoảng tâm thần và gây ra tự kỉ. Những tổn thương này có thể hồi phục, cũng có thể sẽ đi theo các em mãi mãi nếu như gia đình không có biện pháp điều trị. |