Theo Ths. BS Nội trú Nguyễn Tiến Hải, nguyên nhân viêm tai giữa ở trẻ có thể do vi khuẩn hoặc không do vi khuẩn, cha mẹ nên chăm sóc tốt mũi cho con để tai giữa nhanh khỏi vì tai giữa viêm là do viêm mũi họng gây lên là chủ yếu.
Video: Bác sĩ tư vấn cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh.
Viêm tai giữa là bệnh viêm cấp tính ở lớp niêm mạc lót trong tai giữa, thường xuất phát sau viêm mũi họng. Bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, hay gặp hơn ở trẻ nhỏ.
Có thể nói, viêm tai giữa ở trẻ em là một trong những nỗi lo lắng của không ít các bậc phụ huynh bởi nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng cực kì nguy hiểm và khó khắc phục.
Nguyên nhân viêm tai giữa ở trẻ có thể do vi khuẩn hoặc không do vi khuẩn. (Ảnh minh họa)
Dưới đây Ths. BS Nội trú Nguyễn Tiến Hải sẽ chia sẻ chi tiết về viêm tai giữa ở trẻ em:
1. Dấu hiệu viêm tai giữa ở trẻ em
Về triệu chứng, viêm tai ở trẻ nhỏ thường chia ra làm 2 loại chính:
- Viêm tai giữa thể cấp tính sẽ biểu hiện sốt, đau tai, kèm theo viêm mũi họng, trẻ quấy khóc và trường hợp này thường phải dùng kháng sinh điều trị.
- Viêm tai giữa thể viêm tai giữa ứ dịch, dịch có thể là mủ hoặc không phải mủ, thường thể này trẻ có biểu hiện đầu tai, ù tai ở trẻ lớn, trẻ nhỏ thì có thể hay bứt tai, vò tai hoặc lắc đầu, trẻ vẫn ăn, chơi bình thường. Với thể này thường gặp nhiều hơn thể cấp tính và điều trị có thể hạn chế kháng sinh vẫn khỏi.
2. Cách chữa bệnh viêm tai giữa ở trẻ em
Cách chữa bệnh viêm tai giữa ở trẻ cần xem mức độ viêm tai giữa nặng hay nhẹ, và triệu chứng cấp tính hay không phải cấp tính. Ngoài ra, cũng cần xem có phải do vi khuẩn không để cân nhắc dùng kháng sinh điều trị hay không.
3. Nguyên nhân viêm tai giữa ở trẻ
Ths. BS Nguyễn Tiến Hải. |
Nguyên nhân viêm tai giữa ở trẻ có thể do vi khuẩn hoặc không do vi khuẩn.
Trong đó, nhóm viêm do vi khuẩn thường biểu hiện cấp tính là chính như đau tai, sốt, màng nhĩ phồng căng và tai giữa có mủ, còn nhóm không do vi khuẩn thường không sốt, không đau tai hoặc đau ít, tai giữa có dịch hoặc viêm đỏ xung huyết, và hầu hết các trường hợp viêm tai giữa đều qua đường viêm mũi, VA, xoang rồi mới gây ra viêm tai giữa.
4. Viêm tai giữa có mủ ở trẻ em
Viêm tai giữa có mủ ở trẻ em thường hay gặp nhất là do vi khuẩn gây viêm mũi họng, viêm VA hoặc viêm xoang. Sau đó, vi khuẩn đi theo đường mũi tai lên tai giữa gây viêm mủ. Thông thường đa số biểu hiện cấp tính, tuy nhiên cũng rất nhiều trường hợp viêm từ từ không cấp tính, trẻ không sốt, không đau tai.
5. Viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh ít gặp viêm tai giữa hơn trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, ở tuổi sơ sinh hay gặp viêm ống tai hoặc nhọt tai ngoài hơn, ở tuổi này có thể gặp khi trẻ bị viêm mũi mủ hoặc cảm cúm, và trớ nhiều
- Biểu hiện viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh bị viêm tai giữa có biểu hiện quấy, ăn kém, khóc, có thể có sốt. Tuy nhiên, với viêm tai giữa ứ dịch thì sẽ không có biểu hiện rõ.
Trẻ sơ sinh hay gặp viêm ống tai hoặc nhọt tai ngoài hơn viêm tai giữa. (Ảnh minh họa)
6. Chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa
Chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa, cha mẹ nên chăm sóc tốt mũi cho con để tai giữa nhanh khỏi vì tai giữa viêm là do viêm mũi họng gây lên là chủ yếu.
7. Mẹo chữa viêm tai giữa
Mẹo chữa viêm tai giữa an toàn đó là cha mẹ cần chăm sóc mũi của trẻ thật tốt khi trẻ viêm tai, rửa mũi, hút mũi và vệ sinh mũi cho con thường xuyên.
8. Trẻ bị viêm tai giữa kiêng ăn gì?
Trẻ bị viêm tai giữa không nên kiêng gì, trẻ nên ăn uống đủ chất để có một sức khỏe tốt nhất.
9. Viêm tai giữa có lây không?
Viêm tai giữa không lây, tuy nhiên viêm tai giữa thường do viêm mũi họng gây ra và viêm mũi họng thì thường hay lây nên bố mẹ cũng lưu ý để phòng bệnh và chăm sóc cho con tốt nhất.