Nhà văn Lê Lựu đã rời cõi tạm, chấm dứt 16 năm chống chọi hơn 10 căn bệnh trong người như: tiểu đường, bệnh phổi, bệnh thận, bệnh gout…
Cây bút tiên phong
Nhà văn Lê Lựu đã ra đi mãi mãi ở tuổi 81 vào ngày 9/11. Gần 60 năm miệt mài với nghiệp viết, Lê Lựu đã đóng góp cho nền văn chương nước nhà 15 tác phẩm - con số không nhiều, nhưng những trang văn của ông lại gắn liền với sự thay đổi của thời đại.
Nhà văn Lê Lựu đã rời cõi tạm
Hay nói như nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: "Lê Lựu không chỉ mang đến sự đột phá cho văn chương Việt Nam sau 1975 với tiểu thuyết "Thời xa vắng" và một số tác phẩm sau Đổi mới khác, mà còn mang đến sự đột phá cho văn học Việt Nam khi đưa nó ra khỏi biên giới, kêu gọi hòa bình, hàn gắn".
Thực tế, không phải đến 3 cuốn tiểu thuyết được trao giải của Hội Nhà văn năm 1991 gồm: Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Bến không chồng của Dương Hướng, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường văn học đổi mới Việt Nam mới bắt đầu.
Theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Lê Lựu với tiểu thuyết Thời xa vắng đã là một cột mốc của văn học Việt Nam hiện đại. Một cột mốc mở đường cho một dòng văn học tự nhận thức lại thực tại, tự viết từ mình. Nhân vật Giang Minh Sài của ông là nhân vật bi kịch đầu tiên của văn học cách mạng.
Ông cho rằng, cuốn tiểu thuyết Thời xa vắng của Lê Lựu xuất bản năm 1987. Rất sớm, khi công cuộc Đổi mới vừa mới bắt đầu. Như vậy những điều ông viết trong đó đã được nung nấu từ lâu. Ông đã vượt thoát mình và vượt thoát văn chương một thời trong đó có mình.
"Nhà văn Lê Lựu mất. Nhưng Giang Minh Sài còn. Vì đó là nhân vật bi kịch đầu tiên của văn học chế độ ta. Cũng là bi kịch của nhà văn hoá thân vào nhân vật. Thời xa vắng không phải là chuyện của một thời đã xa. Giang Minh Sài mang số phận của nhiều người của một thời chưa xa ấy. Cái thời chạy theo cái không phải của mình ở nửa đời trước và ở nửa đời sau là chạy theo cái mình không có", nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên bày tỏ.
“Nửa đời người phải yêu cái người khác yêu, nửa còn lại đi yêu cái mình không có, đến bây giờ mới biết mình như thế nào thì lại…”, lời của nhân vật Giang Minh Sài ở những chương cuối truyện như hồi chuông đánh thức các nhà văn cùng thời cần nghĩ khác, viết khác.
Bi kịch của một tài hoa
Sự nghiệp lẫy lừng, bạn bè quý trọng, bạn đọc mến mộ, nhưng trong gia đình, Lê Lựu là người chồng bị coi nhẹ, người cha bị các con ghẻ lạnh.
Nhà văn trải qua hai đời vợ, có 3 người con nhưng những năm cuối đời, ông cô quạnh một mình với bệnh tật dày vò ngay tại cơ quan - Trung tâm Văn hóa Doanh nhân, nơi ông làm giám đốc.
Sức khỏe của ông suy yếu từ năm 2006, ông thường xuyên ra vào bệnh viện. Năm 2009, Lê Lựu nằm viện sau cơn tai biến mạch mãu não lần thứ ba. Trong lúc vật lộn giữa ranh giới của sự sống và cái chết, vợ ông mang giấy ly hôn đến để ông ký; còn hai đứa con chỉ chầu chực chờ bố cho phép bán căn nhà 50 mét vuông ở phố Lý Nam Đế.
Không muốn mất đi nơi ở đã gắn bó với mình suốt 20 năm và cũng mong níu kéo chút tình cảm của các con, nhà văn đã đưa ra một điều kiện đau đớn. Nếu các con ký giấy cam kết không liên quan gì đến bố nữa, thì ông sẽ đồng ý bán nhà. Không ngờ, hai đứa con ký luôn vào tờ giấy từ bố đẻ.
Nhà bán, vợ mất, con từ, Lê Lựu thua trắng, mất trắng, niềm ao ước "thèm một gia đình êm ấm" suốt cuộc đời của ông vẫn ở đó.
Nhà văn Lê Lựu đã rời cõi tạm, chấm dứt 16 năm chống chọi hơn 10 căn bệnh trong người như: tiểu đường, bệnh phổi, bệnh thận, bệnh gout… Ảnh: Vietnamnet
Niềm an ủi duy nhất của Lê Lựu những ngày đau đớn nhất là đứa con gái ông có với người vợ đầu - người vợ mà ông chỉ kết hôn vì gia đình sắp đặt.
Sau này, khi sức khỏe ông yếu hẳn, con gái đầu lòng đã đưa cha mình về quê để chăm sóc đến ngày cuối đời.
"Tôi thương nó lắm, hằng ngày làm việc xong tối nó đi 30 cây số lên chăm bố xong, sáng sớm hôm sau nó lại về. Suốt một tháng giời đi đi lại lại chăm bố trong viện. Còn mấy đứa con bà hai đến thì chỉ bàn bán nhà", Lê Lựu từng nghẹn ngào kể lại.
Văn chương thẳm nỗi người
Sinh thời ông từng cay đắng tự giễu về cuộc đời của mình: "Thằng Núi trong Sóng ở đáy sông cũng đi tìm được chỗ đứng của nó, đến thằng Sài trong Thời xa vắng nó khốn khổ như thế mà cũng chưa khổ bằng tôi. Tôi đúng là bố của chúng nó về nhục nhã, mất mát".
Nhà thơ Anh Ngọc nói, Lê Lựu có nét tương đồng đại văn hào Dostoevsky của Nga. Cả hai cùng có những trải nghiệm đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần, từ đó cho ra đời nhiều tác phẩm thấm đẫm giá trị hiện thực và nhân văn.
Nhà văn Lê Lựu sinh năm 1942. Ông từng tham gia cuộc kháng chiến giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Đây là thử thách để nhà văn Lê Lựu trở thành "người cầm súng", đồng thời cũng mở ra cơ hội cầm bút cho ông. Nhà văn Lê Lựu trở thành nhà văn quân đội mang quân hàm Đại tá.
Sinh thời, khi tự đánh giá về cuộc đời mình, ông cho biết: "Tôi chỉ là cái gã hạng xoàng, xuất thân từ một anh chân đất mắt toét, đánh dặm mò cua bắt ốc, giờ trở thành nhà văn, cán bộ cao cấp trong quân đội, đó là thứ trời cho, may mắn lắm rồi".
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên từng nói đến Nhà văn Lê Lựu với bốn "cái nhất". Đầu tiên là tiểu thuyết Thời xa vắng được giới phê bình coi là tác phẩm mở đầu cho một xu hướng của văn học đổi mới - xu hướng nhận thức lại thực tại.
Tiếp theo là chuyến đi Mỹ đầu tiên của một nhà văn cựu chiến binh Việt Nam (1988). "Cái nhất" thứ ba là Trung tâm Văn hóa Doanh nhân tại Hà Nội do nhà văn Lê Lựu thành lập, như để khẳng định rằng kinh tế không thể tách rời văn hóa.
"Cái nhất" thứ tư nhưng là "cái nhất" xuyên suốt là chất nông dân với tất cả mọi sắc thái ý nghĩa của từ này.
"Lê Lựu nhìn đã biết là người của nông thôn, làng quê từ dáng vẻ thân hình, lời ăn tiếng nói, cho đến quần áo trang phục, cách nghĩ cách cảm. Một chất quê vừa là đặc sản vừa là đặc trưng.
Ngẫm ra, suốt đời văn của mình, Lê Lựu chỉ viết về người nhà quê trong người mình và những người quanh mình, dù cho họ có sống ở thị thành bao năm đi nữa. Có lẽ vinh quang, thành công và cả cay đắng của Lê Lựu trong đời và văn cũng là từ đấy", nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên bày tỏ.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình nhà văn Lê Lựu đã giành được nhiều giải thưởng, nhưng giải thưởng quan trọng nhất với ông có lẽ là giải thưởng trong lòng bạn đọc.
Xin mượn lời tiễn biệt của nhà văn Trần Thanh Cảnh để nói về cuộc hành trình về "miền xa vắng" của nhà văn Lê Lựu: "Giờ thì Lê Lựu đã đi xa. Một Thời xa vắng khốn khổ cũng vĩnh viễn trôi đi. Nhưng những tác phẩm và nhân vật cùng tên tuổi nhà văn Lê Lựu sẽ ở lại vĩnh viễn cùng bạn đọc và nền văn học nước nhà.
Kính tiễn ông, một trong những nhà văn đã làm nên diện mạo văn học một thời. Cầu mong cho ông được siêu thoát!".