NSND Lan Hương bật mí con dâu cười ha hả khi xem những cảnh oái oăm của mẹ chồng trong phim Sống chung với mẹ chồng.
CLIP ĐỘC QUYỀN: Mẹ chồng Lan Hương là "quan tòa" khi con trai và con dâu có mâu thuẫn
Sau khi vào vai mẹ chồng "tai quái" ở bộ phim Sống chung với mẹ chồng, NSND Lan Hương "Bông" đã "gây sóng tạo gió" trong dư luận suốt một thời gian dài. Hơn 1 năm sau khi phim phát sóng, "mẹ chồng" Lan Hương bắt đầu hành trình mới - trở thành "mẹ vợ" của Kiều Minh Tuấn trong phim Chú ơi đừng lấy mẹ con.
"Mẹ chồng" Lan Hương trong "Sống chung với mẹ chồng" từng là nỗi ám ảnh của nhiều nàng dâu.
Tại buổi họp báo giới thiệu bộ phim, NSND Lan Hương đã có nhiều chia sẻ thú vị về vai diễn mới của mình cũng như vai diễn bà Phương oái oăm của Sống chung với mẹ chồng.
NGOÀI ĐỜI, CON DÂU TÔI KHÁ LÀ "NHỜN" VỚI MẸ CHỒNG
- Sống chung với mẹ chồng đã phát sóng hơn 1 năm rồi, cuộc sống của chị có nhiều thay đổi sau khi phim "gây sốt"?
Câu chuyện gần đây nhất là 1 tuần trước. Tôi có đưa cháu nội đi tắm biển ở Đồ Sơn. Cháu tôi nhát lắm nên phải tìm mọi cách để cho cháu làm quen với sóng biển. Lúc đó, tôi có chỉ các bé đang chơi dưới biển để bảo cháu ra chơi cùng. Những bé đang chơi dưới biển đó còn khá nhỏ chỉ tầm 7, 8 tuổi đến 15 tuổi.
Khi các bạn nhỏ ấy quay lại nhìn thì đã nhận ra ngay và bỏ cả tắm để lên chụp ảnh với tôi. Tôi rất vui và hạnh phúc khi các bạn nhỏ gọi tên mình. Các bạn ấy chạy ào ào lên, tạo một vòng vây ở bên tôi.
Cuối cùng, đám đông từ dưới biển lên vây quanh để được chụp ảnh cùng tôi. Đấy là niềm hạnh phúc của tôi, bởi những bạn fan này còn rất bé đã xem và yêu thích bộ phim chứ không phải là những thanh niên đã có tầm hiểu biết.
NSND Lan Hương và gia đình con trai.
Chưa kể còn có những bậc phụ huynh lớn tuổi ở tận trên Lào Cai xuống Hà Nội chữa bệnh. Họ bắt con cái chở đến nhà tôi để được nói chuyện và chụp ảnh với tôi một lần. Đó là phần thưởng đối với tôi.
- Khi xem Sống chung với mẹ chồng, con dâu của chị phản ứng như thế nào với vai diễn của mẹ?
Con dâu của tôi với tôi như là bạn bè vậy. Khi xem phim, nó cười rất to, cười ha hả ấy chứ, rất là khoái chí. Còn không thấy nó có biểu hiện gì khác. Bởi nó vẫn nghĩ ngoài đời, mẹ thoải mái hơn. Nói chung, ngoài đời, nó khá là "nhờn" với mẹ.
Tôi và con dâu thường xuyên đi mua sắm cùng nhau. Bạn ấy khá là yêu quý mẹ chồng. Thậm chí, bạn ấy xem tôi hơn bạn bè một chút.
- Nếu hai vợ chồng có vấn đề gì, con dâu có tìm đến chị nhờ phân xử?
Bao giờ cùng vậy, có chuyện gì bạn ấy cũng nhờ và nói với mẹ trước. Nếu vợ chồng có lục đúc, hay thậm chí là trêu đùa mà con trai tôi có gì quá trớn là con dâu lại gọi "mẹ ơi, anh Chóp bắt nạt con", "anh Chóp thế này thế kia"... (anh Chóp - tên ở nhà của con trai NSND Lan Hương). Bao giờ, bạn ấy cũng gọi mẹ.
Khi vợ chồng lục đục, con dâu luôn nhờ mẹ chồng Lan Hương phân xử giúp.
MỘT NGHỆ SĨ KHI CÓ CƠ HỘI THÌ NÊN BIẾT NẮM BẮT NÓ
- Hiện tại, chị có tham gia bộ phim Chú ơi đừng lấy mẹ con. Nguyên nhân gì khiến chị quyết định lặn lội từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh để đóng bộ phim này?
Lý do đầu tiên là vì tôi rất thích kịch bản của bộ phim này. Thứ 2 đó là tôi thích đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, bởi tôi đã từng xem những bộ phim trước đây của bạn ấy.
Điều thứ 3 là tôi có cơ hội được làm nghề. Với một người lớn tuổi như tôi thì có cơ hội làm nghề là một điều may mắn và tôi trân trọng điều đó. Một khi bản thân đã thích thì tôi không ngại khó, không ngại khổ, không ngại xa.
- Có một số ý kiến cho rằng chất lượng phim miền Bắc: đạo diễn, diễn xuất của diễn viên, kịch bản.... tốt hơn so với miền Nam. Có cơ hội làm việc với cả hai miền Nam - Bắc, chị nghĩ gì về ý kiến này?
Tôi thấy việc so sánh chất lượng phim giữa hai miền Nam - Bắc là khá khập khiễng. Theo quan điểm của tôi, phía Nam có đặc thù riêng và phía Bắc cũng vậy. Một người nghệ sĩ có thể tiếp cận và thích nghi được với cả hai miền Nam - Bắc là một điều tốt.
Dù có đặc thù khác nhau nhưng cả hai miền đều đi tới một mục đích chung là mang tới những giá trị nghệ thuật đến với khán giả. Vậy nên, tôi nghĩ chúng ta nên tôn trọng đặc trưng riêng của từng vùng miền.
- Trước Chú ơi đừng lấy mẹ cháu, chị cũng hợp tác với đoàn làm phim trong Nam qua bộ phim Tháng năm rực rỡ. Phải chăng chị có ý định chuyển dịch vào thị trường phim miền Nam?
Không hẳn việc tham gia một vài bộ phim là nghệ sĩ có ý định chuyển dịch, nhưng tôi nghĩ một nghệ sĩ khi có cơ hội thì nên biết nắm bắt cơ hội đó, không kể là nó ở đâu.
Giống như thời gian này tôi hoạt động nhiều trên mảng phim điện ảnh nhưng khi có cơ hội, tôi sẽ quay trở lại với mảng phim truyền hình. Và khi nhận vai, tôi sẽ tiếp tục làm việc với tất cả sự chuyên nghiệp và niềm say mê nghề nghiệp.
- Hình tượng mẹ chồng trong phim Sống chung với mẹ chồng đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả. Vậy chị có thấy áp lực khi tham gia vào những vai diễn khác hay mong muốn tạo được dấu ấn khác biệt hơn?
Những diễn viên chuyên nghiệp như tôi, khi tham gia một bộ phim không bao giờ nghĩ rằng mình tham gia là để tạo một dấu ấn nào đó. Điều đầu tiên khi tôi nhận vai diễn là để đến gần hơn với khán giả. Còn nếu diễn viên nghĩ đến việc tạo dấu ấn thì có thể sẽ mất đi sự tập trung đối với nhân vật của mình.
- Vai diễn mẹ vợ trong phim Chú ơi đừng lấy mẹ con liệu có còn khó tính?
Thực ra không còn khó tính nhiều nữa (cười). Nhân vật này tạo nên nhiều màu sắc khác biệt, mang tính hiện đại, nhẹ nhàng hơn.
LỚP TRẺ BÂY GIỜ ĐẶT CÁI “TÔI” CỦA MÌNH LÊN QUÁ CAO
CLIP ĐỘC QUYỀN: NSND Lan Hương cho rằng giới trẻ thiếu đi sự cảm thông và chia sẻ nên khó giữ được hạnh phúc.
- Nhân vật của chị mang sự canh cánh của người mẹ có con gái làm mẹ đơn thân. Qua vai diễn này, chị có suy nghĩ gì về những người phụ nữ lựa chọn làm mẹ đơn thân?
Tôi bây giờ đã là một người mẹ, một người bà nên sự canh cánh của tôi đối với lớp trẻ là luôn luôn có, kể cả đối với những thế hệ con cháu. Tôi luôn mong các bạn trẻ có được hạnh phúc đầy đủ của riêng mình.
Còn nếu con cái không thể có được hạnh phúc trọn vẹn cho mình thì bố mẹ cũng nên rộng lượng, mở rộng lòng mình để tạo cơ hội cho con cái tìm được hạnh phúc khác. Đừng vì những điều không trọn vẹn mà khắt khe với con cái.
"Các bạn trẻ thích cái gì thì nên để các bạn ấy được thỏa mãn với sự yêu thích của mình. Đôi khi cái phải của cha mẹ lại không đưa lại được hạnh phúc cho con cái." - NSND Lan Hương "Bông" chia sẻ.
Người làm cha, làm mẹ thường có tâm lý con cái mình là nhất, con cái phải thế này phải thế kia. Tuy nhiên, cái phải thế này phải thế kia mà cha mẹ mong khác hẳn với cái phải mà các bạn trẻ nghĩ và muốn. Vậy nên, hãy mở lòng ra với các bạn ấy.
- Trong giới nghệ sĩ, việc làm mẹ đơn thân diễn ra ngày càng nhiều. Chị có sợ người ta có cái nhìn sai lệch, nghĩ rằng nghệ sĩ mới làm mẹ đơn thân?
Không phải như vậy đâu, việc làm mẹ đơn thân không phải là người ta lựa chọn mà là do hoàn cảnh bắt buộc các bạn ấy phải như vậy mà thôi. Không ai muốn chọn như vậy cả. Dù ở ngành nghề nào cũng có chuyện này.
Các bạn trẻ bây giờ ngày càng tự tin, bình đẳng giới được quan tâm, phụ nữ có thể tự lo được cho bản thân mình, có điều kiện, có kinh tế và độc lập hơn. Vậy nên sự chia sẻ, cảm thông trở nên khó hơn bởi cái tôi của họ quá cao. Mà việc các bạn trẻ dù là nam hay nữ kết hôn với nhau cũng cần phải cảm thông và chia sẻ thì mới có thể giữ được hạnh phúc.
Đừng đặt nặng vấn đề này cho nghệ sĩ mà oan cho giới nghệ sĩ. Nếu quan sát rộng ra thì ở các ngành nghề khác cũng có rất nhiều trường hợp như vậy, nó là hệ lụy của cuộc sống ngày nay chứ không chỉ của riêng giới nghệ sĩ.
- Một số ý kiến cho rằng phụ nữ thời nay không còn biết hy sinh như thế hệ trước nên mới khó tìm và giữ được hạnh phúc của mình. Chị nghĩ sao về ý kiến này?
Tôi nghĩ việc này là có. Đôi khi tôi thấy lớp trẻ đặt cái tôi của mình lên quá cao. Giờ đây, các bạn trẻ được tiếp cận với nhiều thông tin, được hội nhập nên sự tự tin tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên, trong việc giữ gìn hạnh phúc lại rất cần sự chia sẻ, cảm thông. Nếu thiếu những cái đó thì khó có thể bảo toàn được hạnh phúc.
Xin chân thành cảm ơn cô!