Suốt những năm cuối thập niên 90, Xuân Hinh là cái tên thống trị cả thị trường hài đất Bắc. Mỗi khi Tết đến Xuân về, người ta hỏi nhau đã mua đĩa hài Tết Xuân Hinh chưa...
"Làm mưa làm gió”
Xuất thân từ một nghệ sĩ hát dân ca, năm 1988, Xuân Hinh tham gia diễn tiết mục chèo “Cu Sứt” trong Festival Cười và nhận được khen ngợi rầm rộ từ khán giả. Đây được coi là dấu mốc, là bước đệm cho nghiệp diễn hài của Xuân Hinh.
Từ vai diễn Cu Sứt tràn ngập băng đĩa và trên vô tuyến, Xuân Hinh bắt đầu được khán giả chú ý. Giọng chèo ngọt và sự dí dỏm, hài hước trong lối diễn đã giúp Xuân Hinh liên tục được mời “chạy sô” và xuất hiện trong các chương trình hài trên truyền hình và dần trở nên nổi tiếng với hàng loạt vai hề chèo như “Thầy cúng sợ ma”, “Hề Mồi”, “Hề Gậy”, “Lý toét xử kiện”, “Chồng rượu vợ đề”, …
Tạo hình của Xuân Hinh trong "Chồng rượu vợ đề".
Từ nền tảng đó, Xuân Hinh bắt tay sản xuất hài Tết và được coi là nghệ sĩ tiên phong của loại hình nghệ thuật “xuân thì” này. Thời kỳ phong trào sản xuất hài - giải trí chưa phát triển, cứ mỗi khi Tết đến Xuân về, người miền Bắc hầu như không nhà nào không có băng, đĩa Xuân Hinh.
Từ những vai diễn hài đậm chất quê, đến những bài hát rộn ràng không khí Tết, hay những câu Chèo, câu Quan họ đậm đà tình quê hương được Xuân Hinh thể hiện vô cùng ngọt rất phù hợp trong không khí đón Xuân, sum họp gia đình.
Có một thời những cái tên đã trở thành huyền thoại như Tiến Tùng - Túng tiền trong vở chèo “Nghịch đời - Tùng lò gạch" (1995), Mộng Ti (Xuân Hinh đi hỏi vợ), Mộng Thị Say Sưa, … hay những câu cửa miệng “Ai gọi em đó có em đây”, “Ăn chơi đi đừng có tiếc tiền làm gì ...”; những giai điệu "chọc cười" thiên hạ như “buồn buồn thương thương, thương buồn thương nhớ thương con đề/ đề ơi thương nhớ, nhớ thương là thương thương nhớ ….” … xuất hiện khắp làng quê ngõ xóm.
Từ trẻ con cho đến người già đều "bắt chước" Xuân Hinh, vần vè Xuân Hinh. Những vở kịch của Xuân Hinh được người ta xem đi xem lại mà không biết chán.
Đặc biệt, với tiểu phẩm “Người ngựa, ngựa người” (Nguyễn Công Hoan) đã góp phần đưa Xuân Hinh trở thành “vua hài đất Bắc” bởi tiếng cười đầy chua xót, phản ánh sự cùng cực của người dân dưới chế độ thực dân, được người nghệ sĩ tài hoa thổi hồn khiến khán giả liên tục khóc, cười cùng số phận trớ trêu của nhân vật phu xe.
Xuân Hinh bắt cặp ăn ý với Thanh Thanh Hiền hơn 2 thập kỷ qua
Ngoài những vai hề, hài trong Chèo, Xuân Hinh có sự “bắt cặp” cực kỳ ăn ý với bạn diễn Thanh Thanh Hiền trong hàng loạt tiểu phẩm “gây sốt” thị trường băng đĩa khoảng thời gian 1995-2005.. Cho đến nay vẫn có không ít khán giả còn lầm tưởng Thanh Thanh Hiền là vợ Xuân Hinh.
Rồi thành “quán tính”, suốt 20 năm sau đó những tiểu phẩm hài của Xuân Hinh vẫn luôn xuất hiện không thể thiếu như "bánh chưng, dưa hành" trong dịp Tết đến xuân về của các gia đình. Sự duyên dáng, dí dỏm và vô cùng dân dã của Xuân Hinh khiến anh trở thành “vua băng đĩa" trong một thời gian dài.
Vì sao có "đất" tung hoành?
Lý giải về sự thống trị làng hài một thời của Xuân Hinh, nghệ sĩ Giang “còi” nhận định: “Tôi học cùng cùng trường, ở cùng ký túc xá nên tôi hiểu những gì Xuân Hinh đạt được là hoàn toàn xứng đáng. Thời điểm những năm 90 khán giả còn đặc biệt yêu thích giọng chèo. Chính ra hồi sinh viên giọng Xuân Hinh không hay bằng giọng Quốc Trượng nhưng anh ấy có sự rèn luyện nghiêm túc và yêu nghề. Từ sinh viên, biết yếu điểm trong giọng chèo hơi mảnh nên anh ấy ngay lập tức “tầm sư học đạo” ở thầy Tuấn hề chèo. Ngày học trên lớp còn tối tối Xuân Hinh theo thầy Tuấn luyện giọng. Cho đến giờ, lúc nào gặp Xuân Hinh tôi cũng có cảm giác như đó là đám lửa cháy, nhiệt huyết, đam mê”.
Phải thừa nhận, cái “hên” của Xuân Hinh là sự hợp thời. Đó chính là thời điểm "Cu Sứt" gây tiếng vang. Sau đó bằng sự nhanh nhạy khi nắm bắt thị trường - thời kỳ “thèm khát” văn hóa nghệ thuật, giải trí, Xuân Hinh mạnh tay đánh thẳng vào và nhu cầu của khán giả những năm 90. Và lập tức thắng lợi.
Như đã nói ở trên, Xuân Hinh được coi là người tiên phong cho hài Tết đất Bắc những năm đầu 90 - thời kỳ phong trào sản xuất hài - giải trí chưa phát triển. Đó được coi là thời “thèm” văn hóa của Việt Nam vì rất nhiều lý do. Những năm 90 ở Việt Nam chưa có nhiều vô tuyến, hay tiếp cận báo chí còn có khoảng cách, đặc biệt là khu vực nông thôn nên phần lớn những tiểu phẩm hài của Xuân Hinh khi được một gia đình “bá chủ” thì lập tức trở thành món ăn tinh thần của cả khu phố, thôn xóm.
Phần lớn người dân lúc đó đều có nhu cầu mong được xem, muốn được xem, cái gì cũng xem, cứ được xem là thích. Đặc biệt là được xem lại được cười.
Từ đó Xuân Hinh luôn được chọn những vai diễn bám sát cuộc sống, phản ánh chân thật dưới góc độ châm biếm, hài hước cùng lối diễn “chất chưởng” hề hài, sâu cay và sự hóa thân linh hoạt khiến tác phẩm của Xuân Hình thu hút, hấp dẫn.
Nhưng cũng chính vì lẽ đó mà nhiều sản phẩm của Xuân Hinh có thời điểm bị phê bình có phần hơi “tục”. Nhưng đối với phần đông khán giả, "tục mà thanh” “thanh mà tục” là lối nói dân gian nên cảm thấy được sự gần gũi, sảng khoái. Đôi khi người xem còn như nhìn thấy chính mình trong mỗi khung hình đó.
Xuân Hinh giả gái "Nỗi niềm Thị Nở".
Một phần "kích thích" sự tò mò và mong đợi của khán giả nữa ở Xuân Hinh đó là những vai giả gái điệu nghệ, uyển chuyển - mà Xuân Hinh là một trong số ít nghệ sĩ thành công với dạng vai này.
Từng có một “Mộng Thị Say Sưa” bợm rượu cong cớn, điêu toa trong tiểu phẩm “Người lịch sự”; một mẹ Đốp vừa chua ngoa vừa thâm thúy trong “Lý Trưởng - mẹ Đốp”; một Thị Mầu với sự lẳng lơ, duyên dáng, ... đem đến tiếng cười sảng khoái cho khán giả.
Ngoài ra, những tác phẩm của Xuân Hình phần nhiều là diễn ca, vần vè, đối đáp gần với lối nói dân gian kiểu nghe qua cũng nhớ. Ví dụ đơn giản trong kịch “Xuân Hinh đi hỏi vợ” từng "làm mưa làm gió" với câu vè: “Hai hàng xích lô loại sang hạng nhất, thuê ở khách sạn Mê phờ lô zôn, đệm mút tua vàng đôi càng bóng nhoáng. Trên xe chục bà, vài chục cô gái, quần trắng áo dài mắt xanh môi đỏ, mâm to mâm nhỏ đầy ắp trầu cau, chè thuốc rượu tây xu xê bánh cốm, hạt dưa chục ký nửa yến mứt sen, son phấn đắt tiền nước hoa một tá. Con tôi mông má tươi rỏn tươi ròn. Nó là gái son như thế là còn ít đấy!”.
Nghe một lần cũng thuộc. Đã dễ thuộc lại còn dễ áp dụng trong nhiều hoàn cảnh để vui đùa, nhắc nhở. Nên chẳng trách một thời trẻ con, người lớn cứ ngân nga, truyền miệng mãi.
Xuân Hinh vào vai Tiến Tùng - Túng Tiền trong tiểu phẩm "Nghịch đời" từng rất hot một thời
Nhưng điều quan trọng nhất làm nên của sức hút, duy trì vị trí của Xuân Hinh trong lòng khán giả suốt một thời gian dài chính là vị trí “độc tôn”, không có sự lựa chọn nào khác ngoài Xuân Hinh tại làng hài đất Bắc thời kỳ đó.
Điểm lại có thể thấy, những năm 90 ngoài ngoài Xuân Hinh thì không còn nghệ sĩ nào làm hài kịch, đặc biệt là sản xuất hài Tết. Các chương trình hài lẻ tẻ có thể kể đến như “Góc thư giãn”, “Gặp nhau và... cười”,... cũng đã xuất hiện nhưng chưa thực sự nổi bật và đủ sức “đánh bật” được Xuân Hinh trong quan niệm của người dân dịp Tết đến xuân về.
Đến mãi tháng 4/2000, chương trình “Gặp nhau cuối tuần” do các nhà làm phim và truyền hình của Hãng phim Truyền hình Việt Nam mới ra đời, duy trì đều đặn, kèm theo đó là sự xuất hiện cùng các nghệ sĩ hài trẻ có dấu ấn như Xuân Bắc, Công Lý, Quốc Khánh, Vân Dung, Phạm Bằng, … Từ đó, Xuân Hinh mới dần phải “san sẻ” đất diễn trong làng hài đất Bắc...
(còn nữa ...)